An Giang: Cứu sống một thiếu niên ngộ độc thuốc diệt cỏ nặng

Quá trình lọc máu cho bệnh nhân T. kéo dài hơn 6 giờ, máu của bệnh nhi từ đen sậm do nhiễm độc đã dần trở về bình thường; sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khỏe hồi phục.
An Giang: Cứu sống một thiếu niên ngộ độc thuốc diệt cỏ nặng ảnh 1Sau 4 ngày cấp cứu và điều trị tích cực, hiện bệnh nhân T. tỉnh táo, sức khỏe hồi phục, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và tiếp tục nằm điều trị tại Bệnh viện sản Nhi An Giang. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Chiều 29/9, bác sỹ Đinh Thị Bích Loan, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi An Giang cho biết, các bác sỹ của bệnh viện vừa cứu sống một thiếu niên ngộ độc thuốc diệt cỏ sau 4 ngày điều trị tích cực.

Bệnh nhân nam tên H.D.T, 15 tuổi, trú tại huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang. Trước đó, trưa 25/9, Bệnh viện Sản Nhi An Giang tiếp nhận bệnh nhân T. từ Trạm Y tế huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang chuyển đến, với chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ không rõ chủng loại, số lượng, đã được rửa dạ dày.

Khi nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang, bệnh nhân T. tỉnh, môi đen sậm, toàn thân sậm màu, tay chân lạnh, mạch khó bắt, không đo được huyết áp.

[Cứu sống người đàn ông có nhiều vật lạ trong dạ dày]

Các bác sỹ nhanh chóng cho bệnh nhân thở oxy nồng độ cao qua mặt nạ, đặt sonde dạ dày, bơm than hoạt tính, truyền dịch để tăng thải độc.

Tiến hành xét nghiệm, các bác sỹ xác định bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ Catanil, loại thuốc diệt cỏ có hoạt chất Butachlor và Propanit, khi ngộ độc có thể gây biến đổi Hemoglobin trong hồng cầu thành Methemoglobin, làm hồng cầu mất chức năng vận chuyển ô-xy cho cơ thể.

Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ ô-xy trong máu bệnh nhân T. giảm sâu, lượng Methemoglobin tăng đến 60%, tương đương gần 60% hồng cầu của người bệnh bị mất chức năng.

Với sự hỗ trợ của Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Văn Quang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, qua hội chẩn, các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi An Giang nhận định tình trạng bệnh nhân rất nặng, có thể tử vong nếu không kịp thời lọc máu để loại bỏ hồng cầu nhiễm độc.

Các bác sỹ Bệnh viện Sản Nhi An Giang đã chuẩn bị 1.000ml hồng cầu lắng, đặt catheter trung tâm tĩnh mạch đùi trái để rút máu ra và 1 catheter tĩnh mạch ngoại biên lớn ở cánh tay phải để truyền trả hồng cầu mới cho bệnh nhân T.

Quá trình lọc máu cho bệnh nhân T. kéo dài hơn 6 giờ, máu của bệnh nhi từ đen sậm do nhiễm độc đã dần trở về bình thường; lượng Methemoglobin được xét nghiệm lại 2 giờ/lần cho đến ngưỡng an toàn.

Sau 4 ngày điều trị tích cực, đến chiều 29/9, bệnh nhân T. tỉnh táo, sức khỏe hồi phục, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.

Hiện bệnh nhân T. tiếp tục nằm điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi An Giang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục