An Giang: Thay thế cầu khỉ, cầu ván bằng cầu treo dây văng

Phần lớn các cầu khỉ, cầu ván tạm bợ ở nhiều địa phương của An Giang đã dần được thay thế bằng hàng trăm chiếc cầu treo dây văng mới.

An Giang là một tỉnh đặc thù của vùng sông nước với hệ thống kênh, rạch chằng chịt. Thời gian gần đây, phần lớn các cầu khỉ, cầu ván tạm bợ ở nhiều địa phương trong tỉnh đã dần được thay thế bằng hàng trăm chiếc cầu treo dây văng mới.

Tuy cầu treo không phải là giải pháp lâu dài nhưng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con nhân dân và góp phần làm bộ mặt nông thôn An Giang ngày thêm khởi sắc.

Xây cầu treo xóa cầu khỉ

Chạy dọc tuyến kênh Chưng Đùn thuộc xã An Thạnh Trung, của huyện cù lao Chợ Mới (An Giang) chúng tôi thống kê có đến bảy cây cầu treo và năm cầu khỉ do nhân dân tự làm để đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu gữa các vùng trong xã với nhau.

An Giang: Thay thế cầu khỉ, cầu ván bằng cầu treo dây văng ảnh 1Một cây cầu khỉ ở xã An Thanh Trung

Hầu hết các cầu treo ở đây đã được sử dụng trên dưới 10 năm, các trụ cầu chủ yếu làm bằng trụ điện bêtông ly tâm hoặc trụ bêtông cốt thép tự đúc. Cáp treo bằng loại sắt phi 16 hoặc phi 18, dầm và mặt sàn cầu được làm bằng các loại gỗ tạp, lan can bằng tre hoặc bạch đàn. Mặt cầu rộng từ 1,2-1,5m, vừa đủ cho một xe gắn máy và người đi bộ ngược chiều tránh nhau.

Anh Nguyễn Thành Tâm ở tổ 7, ấp An Hưng, xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) chỉ tay về phía cầu treo trước nhà nói: "Cầu này bà con gọi là cầu ông Tư Nghĩa, được làm cách đây gần 10 năm. Ban đầu làm trụ cây bạch đàn, sau mấy năm sử dụng, cây mục nên ông Tư đi vận động bà con quyên góp tiền mua ximăng đổ trụ bêtông."

An Giang: Thay thế cầu khỉ, cầu ván bằng cầu treo dây văng ảnh 2 Cầu treo "Ông Tư Nghĩa"

Theo quan sát của chúng tôi, cầu có bốn trụ bêtông vuông gần giống trụ điện, dầm đỡ và sàn được lát bằng ván bạch đàn, dây treo bằng sắt phi 14, lan can gỗ, tương đối chắc chắn cho xe gắn máy chạy qua.

Tôi đánh bạo thử chạy xe máy qua cầu. Trên cầu, nhiều chỗ ván lát đã mục. Xe chạy đến giữa cầu, tôi phải dừng lại để nhường đường cho một bác nông dân đội bó thân cây ngô đi bộ đi trước vì bề ngang cầu khá hẹp, lan can thì vừa thấp vừa mong manh, nếu lỡ ngã xe, chắc chắn cả người và xe sẽ phải… tắm kênh.

Ông Ngọc Năng, ở tổ 3, ấp An Hưng, xã An Thạnh Trung (Chợ Mới) cho biết ngày trước đây là cây cầu khỉ, đi lại rất khó khăn, nhiều lúc tàu, ghe đi qua đụng gãy cầu suốt vì thế từ khi có cầu treo, bà con mừng lắm, việc đi lại thuận tiện, kinh tế bà con cũng nâng lên rõ rệt.

Theo ông Năng, trên tuyến kênh Chưng Đùn này, đa số cầu treo là do nhân dân tự góp tiền mua vật liệu xây dựng, tự thiết kế và thi công nên chất lượng chỉ ở mức tương đối.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chợ Mới, toàn huyện có 121 cầu treo với tổng chiều dài 3.719m, trong đó, riêng xã An Thạnh Trung có đến 34 cầu treo, xã Hội An có 19 cầu treo, xã Kiến An có 14 cầu treo...

Các cầu treo có đặc điểm trụ cầu làm bằng trụ điện, bêtông tự đúc và gỗ, thân cầu bằng gỗ và sắt; các cầu có chiều dài từ 18-80m, rộng từ 1,2-3,5m; chất lượng sử dụng còn khoảng 70-85%.

Cả huyện chỉ có duy nhất cầu treo nối liền xã Long Điền B và xã Long Giang (cầu treo Long Điền B-Long Giang) bắc ngang sông Ông Chưởng là có thiết kế tải trọng 3 tấn và biển báo hiệu cũng như bảng chỉ dẫn; 120 cây cầu treo còn lại không có thiết kế tải trọng và không biển báo.

Ông Phạm Thanh Chẩn, Phó trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chợ Mới cho biết vì là vùng cù lao có hệ thống kênh, rạch chằng chịt, để đáp ứng nhu cầu đi lại, nhân dân phải xây dựng các cầu treo. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc người dân tự góp tiền và công sức xây cầu treo vừa tiết kiệm vừa đảm bảo lưu thông đường thủy,

Các cầu treo do nhân dân tự đóng góp xây dựng nên việc quản lý, giám sát cầu cũng do nhân dân thực hiện. Đối với những cây cầu không có biển báo trải trọng thì người điều khiển các phương tiện cơ giới đường bộ như ôtô du lịch, xe tải chở vật liệu xây dựng hay xe chở hàng hóa phải tự tiên liệu mà qua cầu, ông Chẩn cho biết thêm.

An Giang: Thay thế cầu khỉ, cầu ván bằng cầu treo dây văng ảnh 3Một cây cầu treo ở xã An Thanh Trung, huyện Chợ Mới

Không riêng gì huyện Chợ Mới, ở Huyện Châu Thành cũng tương tự với 80 cầu treo do nhân dân góp tiền xây dựng và tự quản, sửa chữa khi hư hỏng để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Ông Trương Ngọc Lợi, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Châu Thành cho biết toàn huyện có trên 80 cầu treo do dân góp tiền xây dựng và tự quản; về mặt chất lượng thì nhiều cầu không đạt kỹ thuật nhưng do ngân sách của huyện còn khó khăn nên trước mắt là phải tuyên truyền để người dân tự nâng cao ý thức an toàn khi lưu thông qua cầu; tiếp đến huyện đang đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí cho xã kiểm định tải trọng đang khai thác và lắp đặt biển báo hiệu tải trọng cầu, hiển hướng dẫn… nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Kiên cố hóa cầu treo nông thôn

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm,” huyện Thoại Sơn (An Giang) là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về xóa cầu tạm ở vùng nông thôn. Từ năm 2010, huyện Thoại Sơn đã chủ trương hạn chế làm cầu treo ở vùng nông thôn, thay vào đó hướng đến xây dựng cầu kiên cố bằng bêtông cốt thép (trừ các tuyến sông và kênh rộng có mật độ phương tiện đường thủy lớn qua lại nhiều nên làm cầu treo cho đỡ tốn chi phí).

Mỗi cây cầu, ngân sách của huyện hỗ trợ 20% kinh phí, còn lại là do nhân dân tự đóng góp. Bên cạnh đó, huyện tiến hành khen thưởng các cá nhân, tổ chức đóng góp nhiều kinh phí, vật chất và công sức xây cầu, điều này đã huy động được sức dân, trao quyền giám sát cho người dân, giúp giảm chi phí xây cầu.

Tính đến năm 2011, huyện Thoại Sơn cơ bản xóa được cầu tạm.

Ông Phạm Thành Được, Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Thoại Sơn cho biết thống kê đến ngày 18/3, toàn huyện có 60 cầu treo. Qua khảo sát và phân loại, có 47 cầu chất lượng tốt và 13 cầu cần phải nâng cấp.

Hàng năm, địa phương dành khoản kinh phí không nhỏ để duy tu sửa chữa các cầu treo này để đảm bảo an toàn và sử dụng lâu dài.

Xuôi theo các tuyến kênh có nhiều cầu treo ở huyện Thoại Sơn như kênh Kiên Giang-Rạch Giá, kênh Thoại Hà, kênh Kiên Hảo, kênh Mướp Giăng…, chúng tôi gặp ông Phạm Ngọc Quý (còn gọi là “vua” cầu treo sáu Quý), người xây dựng các cầu treo ở Thoại Sơn có tầm cỡ vùng nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, như cầu treo Phú Vĩnh, Thoại Hà 1, 2 và 3 trên tuyến kênh Long Xuyên-Rạch Giá.

Các cây cầu có chiều dài từ 70-110m, mặt cầu rộng 3m, tải trọng cầu từ 3-5 tấn, độ cao thông thuyền đảm bảo cho các phương tiện vận tải thủy qua lại trên tuyến kênh này.

An Giang: Thay thế cầu khỉ, cầu ván bằng cầu treo dây văng ảnh 4Cầu treo dây văng Thạch Vĩnh, huyện Thoại Sơn

Theo ông Sáu Quý, nếu việc bảo dưỡng tốt (sơn chống rỉ sét và căn cáp) thì tuổi thọ các câu treo này có thể lên đến 30-40 năm.

Đánh giá về chất lượng cầu treo ở vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Lê Công Thạch, Chánh Văn phòng Sở Giao thông Vận tải tỉnh An Giang cho rằng toàn tỉnh hiện có 297 cầu treo do nhân dân và xã làm; xét về kỹ thuật thì các cầu treo dây văng ở An Giang có hai trụ đỡ giữa cầu nên khá an toàn so với mô hình cầu treo dây võng ở các tỉnh miền núi phía bắc.

Hiện tại, sở đang phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, xác định tải trọng cầu treo, cắm biển báo để nâng cao tính an toàn trong việc lưu thông hàng ngày của bàn con.

Thời gian tới, đối với những cây cầu mới, Sở sẽ chỉ đạo các bộ phận chuyên môn hỗ trợ người dân trong việc thẩm định hồ sơ thiết kế, kỹ thuật thuật thi công,.. nhằm giúp nhân dân và các địa phương xây cầu treo đảm bảo an toàn sử dụng.


Chất lượng cầu treo phải được chú trọng hàng đầu

Việc thay thế cầu khỉ bằng cầu treo chỉ là giải pháp tình thế, bởi hiện tại nguồn ngân sách của tỉnh chưa đủ lực mà sức dân thì có hạn.

Muốn phát triển bền vững thì việc đầu tư xây dựng cầu bêtông kiên cố là tất yếu, điều này vừa đảm bảo tính an toàn, sử dụng lâu bền, vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa tải trọng lớn, từ đó thúc đẩy kinh tế ở vùng nông thôn phát triển, ông Thạch chia sẻ thêm.

Với 297 cầu treo, tập trung nhiều ở các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới…, trong số đó có một ty lệ không nhỏ đã xuống cấp sau nhiều năm sử dụng là một trở lực trong phát triển kinh tế vùng nông thôn, cũng như quyết tâm xây dựng nông thôn mới ở các địa phương này.

Thiết nghĩ, tỉnh An Giang cần thường xuyên kiểm tra chất lượng, tính an toàn của tất cả các cầu treo trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh An Giang cũng cần tính toán lại việc huy động các nguồn lực đầu tư xây cầu bêtông thay cho cầu treo, nhất là đối với những công trình xây mới ở các tuyến đường trọng điểm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục