Ẩn họa từ... nồi ngô luộc

Ẩn họa từ những... nồi ngô luộc trên quốc lộ

Đoạn đường chỉ khoảng 2km mà đã có đến hàng trăm thúng mủng. Lộn xộn, ồn ào xen lẫn những tiếng còi inh ỏi của các phương tiện...
Bắt đầu từ ngã tư Cao tốc Nội Bài và quốc lộ 2, bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp một không khí khá nhộn nhịp chẳng khác gì so với một phiên chợ: Lộn xộn, ồn ào xen lẫn những tiếng còi inh ỏi của các phương tiện khi đi đến đoạn người đường này.

Trên đoạn đường chỉ khoảng 2km mà đã có đến hàng trăm thúng mủng. Các mặt hàng được bày bán chủ yếu là ngô luộc, ngô sống, dưa hấu, khoai lang.... Những người đi qua có thể dễ dàng tạt vào mua ít "nông sản" về làm quà hoặc ăn nhanh một vài bắp ngô luộc...

"Quốc lộ là... chợ nhà ta"

Nhiều năm nay, trên Quốc lộ 2, đoạn chạy qua thôn Thạch Lỗi, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội tồn tại tình trạng các hộ dân dựng lều bạt để bày bán ngô, hoa quả trái phép ngay trên làn đường dành cho môtô, xe gắn máy. Thậm chí, một số người còn chạy ra tận giữa đường mời chào những người đi đường. Điều này khiến cho tình trạng an toàn giao thông ở đây diễn ra rất phức tạp.

Cô Vũ Thị Thanh, một người dân của thôn Thạch Lỗi cho biết: "Ban đầu chỉ có một vài người mang mấy bắp ngôi, rổ ổi ra bán cho người đi đường. Dần dần mọi người cứ rủ nhau, từ vài ba người đến nay đã có mấy chục người bày bán ngay trên đường đi."

Chị Nguyễn Thu Hồng, vừa bán ngô cho khách vừa hớn hở nói: "Đa phần bán hàng ở đây là những người cùng thôn, quanh năm sống bằng nghề bán ngô, số còn lại thì bán theo thời vụ vào dịp đông khách hay những lúc nông nhàn. Cao điểm nhất là vào tháng 11, 12 hàng năm, có tới hơn 200 người bày bán hàng từ 8 giờ sáng đến khoảng 23 giờ đêm."

Một số người buôn bán ở đây cho biết, mỗi ngày trung bình cũng bán được khoảng 200 bắp ngô. Ngày nào trúng cũng kiếm được trên dưới 400 nghìn, còn bình thường cũng được 150 đến 200 nghìn đồng.

Một bắp ngô sống khi mua giá chỉ có 700 đồng, bán cho khách từ 1.500 đến 2.000 đồng, gặp khách "sộp" thì 3.000 đồng. Đồ nghề thì rất đơn giản: Một bếp than tổ ong, dăm ba cái ghế nhựa, cái bạt dựng tạm để che nắng, mưa. Chị Hồng cho hay, cơ quan chức năng cũng ra dẹp nhiều lần, nhưng đâu lại vào đó.

Không chỉ là người dân địa phương mà cả dân tứ xứ thập phương cũng đến đây "dàn trận". Và thế là, cái "chợ" cứ mỗi ngày một phình ra, chiếm cứ cả một đoạn dài trên đường quốc lộ.

Ẩn họa tai nạn

Số lượng người bán hàng ngày càng gia tăng ở "phiên chợ" trên quốc lộ này chính là ẩn họa khôn lường về giao thông.

Anh Trường làm nghề xe ôm ở đây cho biết: "Đoạn đường này, tháng nào cũng xảy ra ít nhất 7 đến 10 vụ va quệt giao thông. Như tháng trước ở đây xảy ra hơn chục vụ, đa số là do các phương tiện tạt vào mua hàng rồi xe đi sau đâm vào."

Cô Thơm bán hàng nước thì nói: "Chuyện cãi vã ở đây xảy ra như cơm bữa, lúc thì giữa người bán hàng với nhau, lúc thì giữa những người tham gia giao thông, nhưng chủ yếu là chủ các phương tiện cãi vã nhau do va quyệt. Vào những ngày cuối tuần khi có nhiều người qua lại, mua bán nhiều thì nhìn va quyệt và nghe cãi nhau cũng hết ngày."

Trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Hường - Phó chủ tịch UBND xã Thanh Xuân cho biết: Chính quyền xã đã đến từng hộ kinh doanh lấn chiếm để tuyên truyền và vận động ký cam kết không vi phạm. Nhưng chỉ được một thời gian thì mọi chuyện lại như cũ. Xã cũng đã dùng một số biện pháp mạnh như xử lý nhiều trường hợp xây dựng lều quán trái phép và tịch thu bàn ghế, nồi niêu, nhưng cũng không mấy hiệu quả.

Ông Hường cũng nhấn mạnh, "đa phần các hộ lấn chiếm ở đây đều là người dân trong xã nên khó xử lý mạnh, thu nhập từ việc bán hàng ở đây cao gấp nhiều lần so với làm ruộng nên không thể một sớm một chiều giải quyết triệt để."

Trong khi chờ đợi chính quyền tìm ra được giải pháp, quốc lộ 2 vẫn phải sống chung với chợ, và cùng với sự lộn xộn của người bán kẻ mua là những vụ va quệt xe tiếp tục xảy ra./.

Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục