Ẩn họa ung thư từ các loại thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu

Độc chất từ thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu có thể theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình.
Ẩn họa ung thư từ các loại thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu ảnh 1(Ảnh minh họa. Lê Lâm/TTXVN)

Theo đánh giá của ông Hồ Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường (Tổng cục Môi trường), ô nhiễm môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đang là vấn đề môi trường nghiêm trọng. Đây là những hợp chất hữu cơ độc hại đứng đầu danh sách 12 loại độc chất nguy hiểm, rất bền trong môi trường nên rất khó phân hủy sinh học, trong đó chủ yếu là các loại hóa chất thuộc nhóm POPs như DDT, 666, Aldrin...

Những hóa chất này có thể theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình.

Theo Danh mục điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo Quyết định số 1946 của Thủ tướng Chính phủ, hiện cả nước còn 15 tỉnh với 240 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.

Đặc biệt, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chiếm trên 60% số điểm nằm trong danh mục 100 khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật.

Nghệ An, Hà Tĩnh - điểm nóng ô nhiễm do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật

Vấn đề nan giải nhất tại các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam là các hóa chất này đã bị chôn lấp, rò rỉ, rơi vãi trong quá trình vận chuyển... không phù hợp tiêu chuẩn. Do đó, công việc quản lý môi trường tại những điểm này sẽ phải tập trung vào nội dung cải tạo, xử lý triệt để phục hồi các khu vực bị ô nhiễm để đưa hiện trạng của đất và nguồn nước ngầm trở về trạng thái ban đầu, nhưng hiệu quả đến đâu lại lệ thuộc vào mức độ đầu tư kinh phí cho công tác này.

Trong số các địa phương đang gánh chịu “hậu họa” này, Nghệ An là tỉnh có nhiều điểm tồn lưu nhất với 189 điểm bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, chiếm gần 80% số điểm bị ô nhiễm trong toàn quốc, yêu cầu đến năm 2025 phải xử lý triệt để.

Trong Danh mục 100 khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, địa bàn Nghệ An cũng có tới 55 điểm, chiếm 55% số điểm trên cả nước.

Kết quả phân tích của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An tại 277/913 điểm kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu cho thấy, xác định tới 265 điểm có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất lớn hơn quy chuẩn cho phép chiếm 96%.

Việc xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật rất phức tạp, yêu cầu về mặt kỹ thuật xử lý rất cao và đòi hỏi có nguồn kinh phí rất lớn. Tỉnh đã và đang triển khai xử lý ô nhiễm môi trường do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật tại 10 điểm, đồng thời phối hợp với Tổng cục Môi trường triển khai nhiều dự án xử lý khác. Ngoài ra tỉnh đã tiến hành điều tra, đánh giá mức độ phạm vi ô nhiễm, lập các dự án xử lý 73 điểm khác.

Điều đáng lo ngại là 90% các điểm ô nhiễm do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ra tại Nghệ An và Hà Tĩnh đều có dân cư sinh sống. Đa số diện tích đất bị ô nhiễm đang được sử dụng trồng cây lương thực, rau màu và chăn thả gia súc, gia cầm. Đồng thời, người dân ở những khu vực này cũng sử dụng nguồn nước giếng cho sinh hoạt hàng ngày, chỉ một số ít gia đình xây bể chứa nước mưa hoặc lọc nước giếng bằng các biện pháp qua sỏi, cát thông thường.

Cũng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một báo cáo chính thức đánh giá về những hậu quả do tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật gây ra đối với sức khỏe con người và động, thực vật. Vì vậy, người dân và cả chính quyền tại những điểm ô nhiễm vẫn không nhận thức được hết sự tác động nguy hại lâu dài của nó, nên tình trạng sống chung với hóa chất độc hại vẫn diễn ra ở những vùng ô nhiễm.

Xử lý ô nhiễm - bài toán nan giải

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015, tính đến thời điểm này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các địa phương mới xử lý được 60 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật bị ô nhiễm nghiêm trọng, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đạt gần 250 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã triển khai xử lý thí điểm tiêu hủy hơn 900 tấn hóa chất chứa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật quản lý các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất này. Nhưng với số lượng các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đã phát hiện thì việc xử lý vẫn còn quá khiêm tốn.

​Các kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hiện đang lưu giữ khoảng 217 tấn, 37.000l hóa chất bảo vệ thực vật và 29 tấn vỏ bao bì. Các kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hầu hết được xây dựng từ ​thập niên 80 trở về trước, khi xây dựng chưa quan tâm đến việc xử lý kết cấu và không được quan tâm tu sửa, nên đều đã và đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Chuyên gia Trần Ngọc Đình, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, người đã "bám trụ" nhiều năm suốt dọc dải đất miền Trung để điều tra, đánh giá về các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, cho biết việc xử lý các loại hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu còn lưu trữ ở trong kho tương đối đơn giản. Song việc cải tạo và phục hồi các khu vực bị ô nhiễm lại rất phức tạp và tốn kém. Chẳng hạn nếu như xử lý 1kg hóa chất tồn lưu chỉ cần 2 USD, song phải cần tới 20 USD để xử lý 1kg bị rò rỉ vào vùng đất bề mặt; 200 USD xử lý 1kg bị thấm xuống tầng đất dưới. Nhưng khi 1 kg hóa chất đã ngấm xuống nguồn nước ngầm thì phải sử dụng tới 2.000 USD để xử lý. Cùng với kinh phí, thời gian để xử lý cũng tăng lên rất nhiều lần khi hóa chất đã phân tán ra môi trường.

Chính vì vậy, nhiều địa phương vẫn gặp phải khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý ô nhiễm tại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, như lựa chọn phương án và công nghệ xử lý phù hợp với từng điểm kinh phí đầu tư rất lớn nên ngân sách tỉnh không thể đáp ứng.

Trong nhiều năm qua, nhờ huy động được từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, Tổng cục Môi trường và các địa phương đã phối hợp tổ chức tiêu hủy, xây hầm bêtông kiên cố chôn lấp hàng trăm tấn hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại những điểm “nóng” gây ô nhiễm môi trường. Điển hình như việc khoanh vùng xử lý ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật tại khu Lùm Nghè, thôn Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Năm 1970, nơi đây từng đặt Nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.

Năm 2008, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường đã lựa chọn giải pháp xây tường rào, đào mương thoát nước với đáy lót than bùn dẫn vào bể than hoạt tính, đã cách ly khu vực ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật với khu vực xung quanh, mặt khác trồng cây bạch đàn phủ xanh toàn bộ diện tích ô nhiễm để cải tạo đất.

Đối với việc xử lý ô nhiễm đối với nơi từng đặt kho thuốc bảo vệ thực vật nằm ngay trong khu dân cư ở thôn Mậu II cũng thuộc xã Kim Liên, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường đã tiến hành xây kè sâu 2m bao quanh diện tích đất ô nhiễm; xây bể hoạt tính gom nước mưa. Đặt biệt, diện tích nền kho thuốc trước đây giờ được trồng cỏ Vetnơ, là loại thực vật có thân cứng và lá sắc nhọn trâu bò không dám ăn, có khả năng hấp thụ và biến đổi được hóa chất độc hại trong đất, loài cỏ này tự lụi tàn và tái sinh không cần chăm sóc.

Tuy vậy, theo đánh giá của Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật vẫn còn nhiều nan giải, hiệu quả xử lý các điểm ô nhiễm trong những năm qua vẫn còn rất khiếm tốn.

Do đó, biện pháp mà các địa phương ưu tiên thực hiện là tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là cộng đồng dễ bị tổn thương đang sống gần khu vực bị ô nhiễm. Họ phải được trang bị các kiến thức để chủ động phòng tránh tác hại của ô nhiễm, do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật đối với sức khỏe và sinh kế của mình.

Về việc thực hiện di dời các công trình và người dân sinh sống trên khu vực ô nhiễm, cần tiến hành cô lập, cách ly, bao vây ngăn chặn ô nhiễm do tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật ra môi trường xung quanh; xây dựng các hệ thống an toàn ngăn ngừa người dân và gia súc tiếp xúc với khu vực bị ô nhiễm.

Đồng thời, cần xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đất, nước, không khí đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về môi trường cũng như quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trong và sau quá trình xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục