An ninh là chủ đề của Hội nghị liên minh châu Phi

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần 19 đã khai mạc tại Addis Ababa, Ethiopia nhằm thảo luận tình hình nóng trong khu vực.
Ngày 15/7, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh các nước châu Phi lần thứ 19 đã khai mạc tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia nhằm thảo luận tình hình các điểm nóng trong khu vực.

An ninh là chủ đề thảo luận ưu tiên tại hội nghị lần này, đặc biệt là tình hình bất ổn tại Mali, bạo lực tái diễn tại Cộng hòa dân chủ Congo và khủng hoảng giữa Sudan và Nam Sudan.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban AU (AUC) Jean Ping cho biết, AU đã sẵn sàng điều lực lượng an ninh đến khu vực miền Đông Cộng hòa dân chủ Congo nhằm duy trì nền hòa bình, cũng như chấm dứt các hoạt động bạo lực của các nhóm phiến quân.

Kể từ tháng 3/2012, khu vực miền Đông Cộng hòa dân chủ Congo vẫn chìm trong bạo lực do hàng trăm binh sỹ chính phủ đào ngũ phát động, tạo điều kiện cho các phiến quân chiếm đất đai.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ping đồng thời bày tỏ quan ngại đối với các điểm nóng khác tại châu Phi, đặc biệt là cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn tại Mali.

Ông Ping nhấn mạnh tình hình bất ổn tại miền Bắc Mali là đáng báo động, đồng thời coi đây là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất đe dọa tình hình an ninh và sự ổn định của châu lục này.

Trước đó, các nhà lãnh đạo châu Phi ngày 14/7 đã kêu gọi một cuộc chuyển giao chính trị nhanh chóng hơn tại Mali, theo đó Mali cần thành lập một chính phủ do Tổng thống Mali lưu vong Amadou Toure, đứng đầu, hoặc sẽ phải đối mặt với cuộc can thiệp quân sự của quốc tế.

Hội nghị cấp tổng thống của Hội đồng Hòa binh và An ninh AU họp tại Addis Ababa bên lề Hội nghị thượng đỉnh AU cũng kêu gọi giải thể chính quyền quân sự đã thâu tóm quyền lực tại Mali.

Bên cạnh những nội dung nghị sự chính, Hội nghị thượng đỉnh AU lần này cũng tập trung bầu ra chức Chủ tịch AUC trong bối cảnh Bộ trưởng Nội vụ Nam Phi, bà Dlamini Zuma, tiếp tục thách thức chiếc ghế Chủ tịch AU của ông Ping sau khi cả hai ứng cử viên này đều không giành được 2/3 số phiếu cần thiết trong cuộc bỏ phiếu bầu người lãnh đạo khối tại Hội nghị thượng đỉnh AU hồi đầu năm.

Trong khi đó, các thành viên của AUC đang kêu gọi các ứng cử viên mới tham gia nếu bà Duma và ông Ping không chiếm được số phiếu cần thiết. Tuy nhiên, nếu chức chủ tịch AUC không được quyết định trong hội nghị lần này, ông Ping sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo đến khi Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 20 diễn ra, dự kiến vào tháng 1/2013.

Ngoài sự tham gia của các nhà lãnh đạo các nước trong khu vực, tham dự Hội nghị còn có sự góp mặt của Tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi.

Với sự kiện này, ông Morsi đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Ai Cập tham dự Hội nghị thượng đỉnh AU kể từ năm 1995 khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak thoát chết trong một cuộc mưu sát do các phiến quân Hồi giáo thực hiện tại thủ đô Addis Ababa./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục