An toàn thực phẩm: Nhiều người sẵn sàng nộp phạt để vi phạm

Dù đã có nhiều quy định xử phạt về an toàn thực phẩm nhưng làm chưa đến nơi đến chốn, tính răn đe trong việc xử phạt chưa cao dẫn đến tình trạng nhiều người sẵn sàng vi phạm và nộp phạt...
An toàn thực phẩm: Nhiều người sẵn sàng nộp phạt để vi phạm ảnh 1Đại biểu Lưu Thành Công trao đổi với báo chí về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5.065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do ngộ độc thực phẩm/năm.

Giai đoạn 2011 - 2016, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70.000 người chết và hơn 200.000​ ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc kiểm soát An toàn thực phẩm hiện nay mới làm được phần ngọn, trong khi việc kiểm soát theo chuỗi vẫn chưa thực sự làm tốt và nhiều người tiêu dùng đang thiếu lòng tin về thực phẩm An toàn.

Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 diễn ra sáng nay (5/6), đại biểu Lưu Thành Công, (đoàn Vĩnh Long) đã có một số trao đổi với phóng viên về việc kiểm soát An toàn thực phẩm được thực hiện trong thời gian qua.

[Mất an toàn thực phẩm, trách nhiệm chính là cơ quan quản lý Nhà nước]

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc kiểm soát An toàn thực phẩm trong thời gian qua?


Đại biểu Lưu Thành Công:
Thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã rất tập trung cho công tác thực hiện an toàn thực phẩm, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tôi thấy còn một số hạn chế xung quanh lĩnh vực này, đơn cử như công tác tuyên truyền dù thực hiện nhiều nhưng mới chỉ tuyên truyền trên bình diện rộng, chưa đi vào chiều sâu, chưa đề cao đạo đức con người trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho nên vì lợi nhuận vẫn còn một số hộ kinh doanh, cá nhân đưa thực phẩm bẩn vào thị trường tiêu thụ, gây tác động rất lớn đến đời sống của người dân.

Quan trọng hơn, việc kiểm soát An toàn vệ sinh thực phẩm còn bất cập, trong đó các trang thiết bị phục vụ cho an toàn thực phẩm còn rất thiếu và một số văn bản quy định của Chính phủ xung quanh lĩnh vực này còn chưa bao quát hết.

Do vậy, trong thời gian tới để kiểm soát an toàn thực phẩm, theo tôi cần hoàn thiện được bộ tiêu chí đánh giá, kiểm tra các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ nông sản ở địa phương, ở nông thôn vì lĩnh vực này hiện nay chúng ta còn đang bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, một số văn bản quy định của Chính phủ chưa bao quát hết các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm trong thời điểm hiện nay, chẳng hạn quy định hành vi vi phạm việc bơm nước hoặc đưa tạp chất vào vật sau khi giết mổ chỉ được phạt tới 6 triệu đồng, có nghĩa là bao nhiêu con, hay đưa bao nhiêu tạp chất vào nhiều gia súc cũng chỉ có thể phạt tối đa 6 triệu đồng, như vậy quy định này chưa có tính răn đe.

Chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền mà đặc biệt là đề cao đạo đức của người sản xuất kinh doanh gắn với việc tuân thủ pháp luật. Đây là tội ác chúng ta không thể chấp nhận được nếu vi phạm thì căn cứ vào bộ luật hình sự để xử lý.

- Thưa ông, khung xử phạt với loại tội phạm này cũng đã được đề xuất nâng lên, nhưng làm sao để việc triển khai có thể đạt hiệu quả cao, bởi thực tế thời gian qua mức độ vi phạm gia tăng nhưng số vụ xử lý hình sự lại rất ít?

Đại biểu Lưu Thành Công: Thời gian qua đã có nhiều quy định xử phạt về an toàn thực phẩm nhưng chúng ta làm chưa đến nơi đến chốn, tính răn đe trong việc xử phạt chưa cao. Thực tế việc chúng ta xử phạt nhẹ dẫn đến nhiều người sẵn sàng nộp phạt để thực hiện hành vi vi phạm này.

Trong chăn nuôi chế biến theo kiểu nhỏ lẻ thế này còn rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát nên tôi đề nghị phải có những văn bản quy định các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, bán lẻ ở nông thôn một cách rõ ràng để quản lý và xử phạt khi có vi phạm.

[An toàn thực phẩm: Không thể để "vấn đề nhức nhối thì hô hào"]

- Lực lượng thanh tra chuyên ngành không thiếu, thậm chí thời gian qua công tác tuyên truyền cũng thực hiện nhiều. Nhưng tại sao vấn nạn "thực phẩm bẩn" vẫn không giảm. Vậy theo ông nguyên nhân do đâu và cần giải quyết như thế nào?

Đại biểu Lưu Thành Công: Công tác tuyên truyền mình làm tốt nhưng chỉ làm chủ yếu theo chiều rộng chứ chưa sâu, thực tế việc chúng ta đi đến từng hộ dân để tuyên truyền về đạo đức con người để sản xuất kinh doanh thì chưa làm.

Theo tôi mô hình thành lập Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của tỉnh, thành phố và Ban chỉ đạo an toàn này có trách nhiệm về bộ máy, hoạt động để tăng cường giám sát kiểm tra tại các địa phương là rất cấp thiết.

An toàn thực phẩm: Nhiều người sẵn sàng nộp phạt để vi phạm ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cá nhân tôi cũng đề nghị Chính phủ có hỗ trợ tín dụng cho khâu sản xuất lớn, liên kết theo chuỗi sản phẩm để có thể kiểm tra được an toàn thực phẩm một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, các Ban an toàn vệ sinh thực phẩm của từng tỉnh, thành phố sẽ có trách nhiệm kiểm tra giám sát và xử lý quá trình thực hiện của chuỗi sản xuất đó.

- Xin cảm ơn ông./.

Đại biểu Lưu Thành Công nói về việc kiểm soát thực phẩm theo chuỗi.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục