Ẩn ý của Ai Cập khi thiết lập căn cứ quân sự mới

Mục tiêu của Cairo khi thiết lập căn cứ này không chỉ là để củng cố sức mạnh của các lực lượng vũ trang và bảo vệ các lợi ích kinh tế, mà còn để đối phó với ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya.
Ẩn ý của Ai Cập khi thiết lập căn cứ quân sự mới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Tuần báo The Arab mới đây đăng bài phân tích về sự kiện Ai Cập khánh thành căn cứ Hải quân "Mùng 3/7" gần khu vực biên giới với Libya.

Bài viết nhận định rằng mục tiêu của Cairo khi thiết lập căn cứ này không chỉ là để củng cố sức mạnh của các lực lượng vũ trang và bảo vệ các lợi ích kinh tế, mà còn để đối phó với ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước láng giềng Libya.

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ngày 3/7 đã khánh thành Căn cứ Hải quân "Mùng 3/7" ở khu vực Gargoub, thuộc vùng duyên hải phía Tây Bắc nước này. Trải dài trên khu vực có diện tích 10 triệu m2, Căn cứ Hải quân "Mùng 3/7" được coi là căn cứ quân sự mới nhất của Ai Cập trên Địa Trung Hải.

Căn cứ nằm cách thành phố Alexandria 255km về phía Tây, gần khu vực biên giới với Libya. Trong một tuyên bố, người phát ngôn của tổng thống Ai Cập Bassam Rady cho biết căn cứ hải quân mới nói trên sẽ đảm trách nhiệm vụ bảo vệ các khu vực biên giới chiến lược ở phía Bắc và phía Tây Ai Cập.

Theo đó, căn cứ này sẽ củng cố cho hệ thống các căn cứ hải quân của Ai Cập và là một phần của kế hoạch phát triển toàn diện lực lượng Hải quân Ai Cập.

Căn cứ Hải quân "Mùng 3/7" được trang bị đầy đủ các thiết bị trên mặt nước, tàu ngầm và máy bay, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia theo các hướng chiến lược phía Bắc và phía Tây. Căn cứ cũng sẽ góp phần bảo vệ các lợi ích kinh tế và các tuyến hàng hải.

[Ai Cập khánh thành căn cứ hải quân hiện đại lớn nhất cả nước]

Đây cũng là nơi cung cấp các dịch vụ hậu cần cần thiết cho lực lượng Hải quân Ai Cập ở Biển Đỏ và Địa Trung Hải nhằm tăng cường năng lực ứng phó với những thách thức và các nguy cơ tiềm tàng trong khu vực, cũng như ngăn chặn nạn buôn lậu và nhập cư trái phép.

Lễ khánh thành Căn cứ Hải quân "Mùng 3/7" có sự tham dự của Thái tử Abu Dhabi Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, Tổng thống Hội đồng tổng thống Libya Mohamed Al-Menfi cùng các quan chức cấp cao khác của Ai Cập, trong đó có Thủ tướng Mostafa Madbouly cùng Bộ trưởng Quốc phòng và Sản xuất Quân sự Mohamed Zaki.

Tuần báo The Arab dẫn các nguồn tin Ai Cập cho rằng "sự vắng mặt của Thủ tướng Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) Abdelhamid al-Dbeibah cho thấy Cairo có sự do dự về lập trường chính trị của ông Dbeibah, đặc biệt là sự ủng hộ ngầm của ông đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục can thiệp vào đất nước Libya."

Theo các nguồn tin trên, việc thiết lập Căn cứ Hải quân "Mùng 3/7" trên khu vực gần biên giới Libya được coi là một trong những lựa chọn của Ai Cập nhằm đối phó với ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, trong bối cảnh Ankara vẫn cương quyết từ chối rút lực lượng của mình và lính đánh thuê khỏi Tripoli.

Ngoài việc hỗ trợ hậu cần cho lực lượng Hải quân Ai Cập trên Địa Trung Hải, Căn cứ "Mùng 3/7" còn là một trung tâm tình báo giúp đảm bảo an ninh cho khu vực biên giới trên đất liền phía Tây dài 1.145km giáp với Libya và ngăn chặn bất kỳ phần tử nào âm mưu xâm nhập biên giới Ai Cập.

Cũng trong ngày 3/7, Tổng thống Ai Cập El-Sisi đã tham dự cuộc diễn tập quân sự mang tên "Qadir 2021" tại Căn cứ Hải quân "Mùng 3/7."

Cuộc tập trận "Qadir 202" được coi là một trong những cuộc diễn tập huấn luyện quan trọng nhất do quân đội Ai Cập tiến hành.

Trong lễ khai mạc "Qadir 2021," Tư lệnh Hải quân Ai Cập - Trung tướng Ahmed Khaled -nhấn mạnh rằng căn cứ này nằm trong chiến lược phát triển tổng thể của các lực lượng vũ trang Ai Cập.

Ông Khaled nói: "Căn cứ hải quân mới là một thông điệp về hòa bình và phát triển của toàn bộ khu vực."

Lễ khánh thành căn cứ hải quân mới diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm ngày tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) chính thức bị loại khỏi chính trường Ai Cập. Điều này cũng phát đi thông điệp rằng bất kỳ âm mưu nào nhằm củng cố sự hiện diện của MB ở Libya đều sẽ vấp phải những hành động kiên quyết của Ai Cập.

Giới phân tích cho rằng việc khánh thành Căn cứ Hải quân "Mùng 3/7" vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang cố tình né tránh vấn đề rút lính đánh thuê khỏi Libya thể hiện ý định của Ai Cập nhằm tăng cường sự hiện diện và sự quan tâm của Cairo đối với những gì đang diễn ra ở biên giới phía Tây Ai Cập.

Trả lời phỏng vấn của tuần báo The Arab, Thiếu tướng Hamdi Bakheet - một chuyên gia quân sự Ai Cập - xác nhận rằng căn cứ mới nói trên được xây dựng nhằm đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào, chủ yếu đến từ khu vực biên giới phía Tây, và hoàn thiện "lớp vỏ bọc chiến lược" được tạo ra bởi các căn cứ khác cũng như các doanh trại ở phía Tây Bắc.

Tháng 7/2017, quân đội Ai Cập đã khánh thành căn cứ quân sự Mohamed Naguib ở khu vực phía Tây xa xôi, cũng gần biên giới Libya. Hai căn cứ quân sự tại khu vực quan trọng này có các nhiệm vụ bổ sung cho nhau.

Tuần báo The Arab dẫn lời Thiếu tướng Adel Al-Omda, cố vấn tại Học viện Quân sự Nasser, nói rằng Ai Cập đang nỗ lực đa dạng hóa các khu vực có sự hiện diện quân sự của họ nhằm đối phó với các mối đe dọa về an ninh, giữa lúc quốc gia Bắc Phi đang có các mối quan hệ kinh tế cởi mở với nhiều đối tác.

Ông Al-Omda chỉ ra rằng việc bảo vệ các dự án đầy tham vọng của Ai Cập đòi hỏi "mức độ sẵn sàng cao nhằm đối phó với mọi mối đe dọa từ bên ngoài."

Ai Cập trước đó đã xây dựng căn cứ quân sự Bernice trên Biển Đỏ, gần khu vực biên giới phía Nam giáp với Sudan, để bảo vệ tuyến hàng hải qua Kênh đào Suez và Eo biển Bab al-Mandab - một khu vực quan trọng và là trục để tiến vào vùng Sừng châu Phi.

Các chuyên gia quân sự đánh giá rằng căn cứ Bernice, cùng với căn cứ Đông Port Said (phía Đông Bắc Ai Cập), tạo thành các trung tâm quan trọng hỗ trợ cho các hạm đội phía Nam và phía Bắc Ai Cập về nhiều mặt như hành chính, kỹ thuật, chỉ huy và kiểm soát.

Ai Cập đã hiện đại hóa kho vũ khí quân sự trên bộ, trên biển và trên không trong vài năm qua. Điều này cho phép Cairo tái tổ chức các lực lượng quân đội và triển khai lực lượng trên một số mặt trận quan trọng, trong bối cảnh Ai Cập đang đối mặt với các nguy cơ ngày càng lớn ở bán đảo Sinai và khu vực biên giới phía Tây giáp với Libya.

Theo giới phân tích, việc Ai Cập thiết lập các căn cứ quân sự là nhằm củng cố sức mạnh của các lực lượng vũ trang, giúp quân đội thực hiện hiệu quả hơn các nhiệm vụ như bảo vệ an ninh cho các khu biên giới trên biển và đất liền, cũng như ngăn chặn mọi mối đe dọa từ bên ngoài./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục