Ẩn ý việc Triều Tiên thử tên lửa ngay trước tái đàm phán với Mỹ

Theo các nhà phân tích, thời điểm của vụ thử tên lửa gần đây, ngay trước khi nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ, cho thấy Triều Tiên có cách đặt cược của riêng mình.
Ẩn ý việc Triều Tiên thử tên lửa ngay trước tái đàm phán với Mỹ ảnh 1Vụ thử tên lửa đạn đạo kiểu mới Pukguksong-3 từ tàu ngầm của Triều Tiên ở ngoài khơi Vịnh Wonsan ngày 2/10/2019. (Nguồn: YONHAP/TTXVN)

Với việc Triều Tiên vừa thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, báo The Straits Times ngày 3/10 có bài phân tích cho rằng động thái này là lời nhắc nhở có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ.

Theo bài viết, vụ thử tên lửa tầm trung của Triều Tiên ngày 2/10 đã nhấn mạnh thực tế là Bình Nhưỡng, trong khi không giảm bớt năng lực vũ khí hạt nhân của nước này, đã bình thường hóa việc thử vũ khí dưới hình thức các vụ thử tên lửa hạt nhân và tầm xa.

Theo các nhà phân tích, thời điểm của vụ thử lần này, ngay trước khi nối lại các cuộc đàm phán với Mỹ, cho thấy Triều Tiên có cách đặt cược của riêng mình.

Tiến sỹ Mira Rapp-Hooper, chuyên gia cấp cao nghiên cứu về châu Á thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đang nhắc nhở Washington rằng họ đang đàm phán từ thế mạnh và đang trở nên ngày càng mạnh mẽ.

Còn giáo sư Lee Sung-yoon thuộc Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thì đánh giá đây là sự thao túng về tâm lý. Thông qua nhiều vụ thử tên lửa mà không phải gánh chịu hậu quả, Triều Tiên đã buộc Mỹ phải coi việc nước này thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn là chuyện thường ngày. Tiếp theo sẽ là tên lửa tầm cận trung và tầm trung.

Giáo sư Vipin Narang thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Thông điệp lớn nhất mà Bình Nhưỡng gửi cho Mỹ là: Chúng tôi không đơn phương giải trừ vũ khí, vì vậy các ông thậm chí đừng nghĩ đến việc sử dụng bất kỳ cụm từ 'giải trừ vũ khí hạt nhân' nào trong tuần này khi chúng ta bắt đầu lại các cuộc đàm phán. Nó là một phần trong chiến dịch gây sức ép tối đa của chính nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.”

Cụm từ có ý nghĩa lớn đối với Mỹ là “phi hạt nhân hóa”. Nhưng trong khi Triều Tiên không đe dọa tấn công Mỹ kể từ cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump hồi tháng 6 năm ngoái tại Singapore, Bình Nhưỡng cũng không đáp ứng những mong đợi của Mỹ đối với tiến trình phi hạt nhân hóa.

John Bolton, người cho tới tháng 8 vừa qua vẫn còn là Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, đã khẳng định rằng điều rõ ràng là nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên không đưa ra một quyết định chiến lược nhằm từ bỏ vũ khí hạt nhân của nước này.

Kim Jong-un sẽ làm bất kỳ việc gì mà ông ta có thể làm để duy trì năng lực vũ khí hạt nhân có thể chuyển giao, phát triển và tăng cường hơn nữa năng lực này. Ông ta có thể tìm cách làm giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt quốc tế. Ông ta có thể đưa ra một vài nhượng bộ, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay ông ta sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Một số nhà phân tích khác cho rằng Triều Tiên đã nhiều lần khôi phục chiến lược "cây gậy và củ cà rốt" của mình đối với Mỹ với sự thành công lớn. Chu kỳ khiêu khích, giảm leo thang, đàm phán và nhượng bộ do Bình Nhưỡng điều khiển đã đem lại hàng chục tỷ đôla cho Triều Tiên.

Triều Tiên đã buộc Mỹ và Hàn Quốc phải đình chỉ một số cuộc tập trận quân sự thông thường giữa hai nước; giảm bớt việc thực thi các biện pháp trừng phạt; tiếp tục phụ thuộc vào các cuộc gặp không thường xuyên với Triều Tiên; chấp nhận nguyên trạng vốn đang thay đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho Bình Nhưỡng; và chấp nhận việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn như một thực tế cuộc sống.

Trong khi đó, Kim Jong-un đã thể hiện một cách hiệu quả hình ảnh ấn tượng là một nhà lãnh đạo biết điều mà Mỹ có thể giao thiệp.

Các cuộc đàm phán ở cấp chuyên gia- có thể diễn ra ở Thụy Điển- có thể là một bàn đạp để tiến tới cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa ông Trump và ông Kim. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Trump muốn đạt được một kết quả tại cuộc gặp thứ ba, không giống như cuộc gặp thượng đỉnh chính thức mới đây tại Hà Nội hồi tháng 2/2019.

Ở Hà Nội, Mỹ đã sẵn sàng ký một hiệp định hòa bình chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên- về mặt kỹ thuật chỉ được tạm dừng thông qua Hiệp định đình chiến năm 1953. Mỹ cũng đã sẵn sàng tiếp tục đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Triều Tiên cũng đã sẵn sàng đóng cửa các cơ sở hạt nhân của nước này ở Yongbyon, nhưng muốn Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và Mỹ đã không đồng ý.

Ông Trump đã phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp: “Họ muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhưng họ không sẵn sàng phi hạt nhân hóa khu vực mà chúng tôi mong muốn. Họ sẵn sàng đưa ra cho chúng tôi một số khu vực nhưng không phải là những khu vực mà chúng tôi mong muốn.”

Trump và Kim đã gặp lại nhau hồi tháng 6 khi Tổng thống Trump, trong chuyến thăm Hàn Quốc, đã đi bộ vượt qua biên giới ở Khu phi quân sự, trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất Triều Tiên.

Tuần trước, phát biểu bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Trump cho biết cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba với ông Kim “có thể sớm diễn ra,” và ông cũng muốn biết cuộc gặp đó có thể đem lại kết quả gì./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục