Anh: 11.700 người bị cưỡng ép làm nô lệ dưới nhiều hình thức

Theo ông Hyland, Ủy viên độc lập đánh giá kết quả việc thực hiện Đạo luật chống chiếm hữu nô lệ thời hiện đại, ước tính tại Anh hiện có khoảng 11.700 người bị cưỡng ép làm nô lệ dưới nhiều hình thức.
Anh: 11.700 người bị cưỡng ép làm nô lệ dưới nhiều hình thức ảnh 1Ảnh chỉ có tính m inh họa. (Nguồn: Shannon.cs)

Sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan hữu quan cùng với việc truy tố bất thành những người phạm tội đã hạn chế tiến bộ của Anh trong cuộc chiến chống hành vi chiếm hữu nô lệ thời hiện đại.

Kết luận này được ông Kevin Hyland đưa ra trong báo cáo đầu tiên trên cương vị Ủy viên độc lập đánh giá kết quả việc thực hiện Đạo luật chống chiếm hữu nô lệ thời hiện đại.

Theo ông Hyland, ước tính tại Anh hiện có khoảng 11.700 người bị cưỡng ép làm nô lệ dưới nhiều hình thức.

Trong vòng một năm qua (tính từ tháng 8 năm ngoái), cảnh sát Anh ghi nhận tổng cộng 956 vụ vi phạm đạo luật trên trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, chỉ có 127 vụ được đưa ra ánh sáng và các đối tượng phạm pháp bị luận tội hoặc bị triệu tập ra tòa. Con số này khá khiêm tốn so với số liệu của Cơ chế Truyền tin quốc gia (NRM), vốn được thiết lập để xác định các nạn nhân của tình trạng cưỡng ép làm nô lệ, theo đó ghi nhận tới 3.359 trường hợp trong cùng thời gian.

Ông Hyland kết luận Anh đã không tiến hành điều tra đầy đủ, để có thể tiến hành khởi tố những kẻ phạm tội.

Theo ông, đây là kết quả của việc thiếu hợp tác giữa các cơ quan chức năng, để lọt lưới những đối tượng phạm tội.

Để khắc phục tình trạng này, ông Hyland khuyến cáo Anh cần huy động mọi nguồn lực để đối phó với nạn buôn người, các cơ quan an ninh đều phải nhập cuộc và có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng các nước là nguồn cung nô lệ từ châu Phi (Nigieria), Đông Âu (Albania) hay một số quốc gia Đông Nam Á.

Với 30 năm kinh nghiệm điều tra tội phạm có tổ chức, ông Hyland đặc biệt nhấn mạnh sự phối hợp của các nước.

Theo thống kê, mỗi năm, tội phạm cưỡng ép nô lệ hiện đại kiếm lợi tới 150 tỷ USD, trong khi thế giới chỉ chi 1 tỷ USD cho cuộc chiến chống loại hình tội phạm này.

Đạo luật chống chiếm hữu nô lệ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2015. Các nhà hoạt động đã ca ngợi đạo luật này là bước đi lớn trong cuộc chiến đang ảnh hưởng 46 triệu người trên toàn thế giới.

Tháng Bảy vừa qua, Chính phủ Anh cam kết chi 42 triệu USD trong ngân sách viện trợ nước ngoài để giải quyết tình trạng chiếm hữu nô lệ ở những nước có nhiều công dân bị đưa tới Anh làm nô lệ.

Thủ tướng Anh cũng đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm liên ngành giám sát việc tuyển dụng và phân công lao động của các công ty trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục