Anh bồi thường 1,54 tỷ USD cho ngân hàng Iran vì trừng phạt trái luật

Hồi tháng 6/2013, Tòa án tối cao của Anh bác bỏ quyết định của Bộ Tài chính nước này trừng phạt Ngân hàng Mellat của Iran vì cáo buộc có liên quan tới chương trình tên lửa của Tehran.

Ngày 4/10, Iran thông báo một trong các ngân hàng của nước này đã được giới chức Anh bồi thường vì trừng phạt "không đúng luật."

Theo báo The Times của Anh, London đã bồi thường cho Ngân hàng Mellat của Iran 1,25 tỷ bảng Anh (1,54 tỷ USD) kèm theo lãi suất.

Thông tin về việc bồi thường sau đó cũng được Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad xác nhận trên Twitter cá nhân. Đại sứ này cho biết khoản bồi thường đã được thanh toán nhưng không nêu rõ giá trị cụ thể đồng thời khẳng định đây là một chiến thắng pháp lý quan trọng dành cho Tehran.

Trước đó, hồi tháng 6/2013, Tòa án tối cao của Anh bác bỏ quyết định của Bộ Tài chính nước này trừng phạt Ngân hàng Mellat vì cáo buộc có liên quan tới chương trình tên lửa của Tehran.

[Iran hối thúc châu Âu duy trì cam kết thỏa thuận hạt nhân]

Trong phán quyết, các thẩm phán cho rằng các biện pháp này là "trái luật."

Theo The Times, Chính phủ Anh, hồi tháng Sáu vừa qua, đã đạt một thỏa thuận riêng với Iran về tổng số tiền phải bồi thường cho Ngân hàng Mellat sau phán quyết kể trên.

Cũng theo báo này, phía Mellat yêu cầu bồi thường 3,2 tỷ bảng bảng nhưng con số cuối cùng được hai bên thỏa thuận là 1,25 tỷ bảng kèm theo lãi suất. Hãng thông tấn Iran (IRNA) đưa tin khoản bồi thường được hai bên thống nhất là 1,6 tỷ USD. The Times đưa tin khoản bồi thường cho Mellat đã được thực hiện thông qua một quốc gia thứ 3 để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt của Bộ Tài chính Anh nhằm vào ngân hàng Mellat là một trong hàng loạt các biện pháp tương tự mà các quốc gia phương Tây áp đặt với Iran sau khi cáo buộc Tehran phát triển vũ khí nguyên tử dưới vỏ bọc một chương trình hạt nhân dân sự.

Những biện pháp này sau đó đã được gỡ bỏ khi Tehran và Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) ký kết thỏa thuận năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của quốc gia này.

Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Một năm sau,Tehran tuyên bố thu hẹp quy mô tuân thủ thỏa thuận đồng thời nêu điều kiện chỉ tuân thủ đầy đủ thỏa thuận nếu các quốc gia châu Âu giúp Iran ứng phó với tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đặc biệt là với ngành xuất khẩu dầu mỏ nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục