Anh cam kết hỗ trợ Libya giải quyết nạn di cư bất hợp pháp

Anh cam kết hỗ trợ Libya thúc đẩy ổn định và phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác song phương cũng như hỗ trợ các nỗ lực chấm dứt nạn di cư bất hợp pháp.
Anh cam kết hỗ trợ Libya giải quyết nạn di cư bất hợp pháp ảnh 1Người di cư trái phép được đưa tới căn cứ hải quân ở Tripoli, sau khi được cứu trên biển. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 9/4, Anh cam kết hỗ trợ Libya thúc đẩy ổn định và phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác song phương cũng như hỗ trợ các nỗ lực chấm dứt nạn di cư bất hợp pháp.

Nhân chuyến thăm tới Libya, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi của Anh, Alistair Burt, đã gặp và trao đổi với Thủ tướng Fayez Serraj cùng bộ trưởng các bộ ngoại giao, tư pháp và nội vụ Libya.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung tại thủ đô Tripoli với Ngoại trưởng nước chủ nhà Mohammed Sayala, ông Burt cho biết chuyến thăm nằm trong khuôn khổ thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế song phương, cũng như thảo luận giải pháp đối với nạn di cư bất hợp pháp.

Quan chức trên nêu rõ London sẵn sàng triển khai các chương trình giúp ổn định và đóng góp nhiều dự án kinh tế để hỗ trợ nền kinh tế Libya.

[Hơn 16.000 người di cư mắc kẹt ở Libya được hồi hương]

Bên cạnh đó, Anh nhận thức tầm quan trọng cũng như nghiêm trọng của nạn di cư bất hợp pháp. Chính phủ Anh đã dành 75 triệu bảng Anh (gần 106 triệu USD) để hỗ trợ các chương trình chống di cư bất hợp pháp tại Libya. Ngoài ra, trong hai năm trở lại đây, nước này còn giải ngân 170 triệu bảng (240 triệu USD) để hỗ trợ quản lý khủng hoảng tại các nước Địa Trung Hải nói chung.

Ông Burt cho biết hai bên đã thảo luận về các phương thức mà London có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật và chuyên gia cho Libya, đặc biệt là đối với những nỗ lực quản lý tuyến đường di cư từ khu vực Nam Sahara sang Libya. Quan chức này khẳng định điều quan trọng là cần ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động buôn người và lợi dụng làn sóng di cư của các nhóm tội phạm.

Libya rơi vào bất ổn sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi hồi năm 2011. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị giữa Quốc hội miền Đông và chính quyền miền Tây.

Bên cạnh đó, Libya còn trở thành điểm xuất phát chính của những người di cư bất hợp pháp muốn vượt Địa Trung Hải để tới các nước châu Âu. Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), năm 2017, đã có trên 3.100 người thiệt mạng khi tìm cách vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục