Anh điều tàu chiến đến Vùng Vịnh: Diễn biến mới "đổ thêm dầu vào lửa"

Anh sẽ điều tàu chiến HMS Duncan đến Vùng Vịnh, tiếp quản từ tàu HMS Montrose nhiệm vụ đảm bảo tự do hàng hải ở khu này, là diễn biến mới "đổ thêm dầu vào lửa" giữa lúc leo thang căng thẳng với Iran.
Anh điều tàu chiến đến Vùng Vịnh: Diễn biến mới "đổ thêm dầu vào lửa" ảnh 1Tàu chiến HMS Duncan. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Anh sẽ điều tàu chiến HMS Duncan đến Vùng Vịnh, tiếp quản từ tàu HMS Montrose nhiệm vụ đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này.

Đây có thể là diễn biến mới "đổ thêm dầu vào lửa" giữa lúc leo thang căng thẳng với Iran sau khi Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar tuần trước.

Theo thông báo ngày 12/7 của Chính phủ Anh, việc điều tàu HMS Duncan tới Vùng Vịnh nằm trong kế hoạch luân chuyển tàu của nước này để đảm bảo sự hiện diện liên tục của tàu chiến Anh tại đây.

Theo đó, sau khi HMS Duncan có mặt, tàu HMS Duncan sẽ rút khỏi mọi nhiệm vụ cùng với thủy thủ đoàn. Điều này cũng thể hiện cam kết của Anh sát cánh cùng các đối tác quốc tế hỗ trợ tự do hàng hải tại Vùng Vịnh.

Ngoài ra, nguồn tin quan chức Anh cho biết từ đầu tuần tới, London sẽ nâng mức báo động an ninh đối với các tàu thuyền đi qua vùng biển của Iran lên mức cao nhất trong thang cảnh báo 3 cấp độ.

[Iran kêu gọi Anh lập tức thả tàu chở dầu bị bắt ngoài khơi Gibraltar] 

Mức này đồng nghĩa với việc Anh đánh giá các nguy cơ an ninh đe dọa các tàu thương mại di chuyển qua vùng biển của nước Cộng hòa Hồi giáo là "nghiêm trọng."

Trong một diến biến liên quan cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt tuyên bố, London không tìm cách leo thang tình hình với Iran.

Phát biểu với hãng tin Sky, ông Hunt nói: "Chúng tôi đang phản ứng với những gì đang diễn ra một cách có suy nghĩ và thận trọng và chúng tôi nêu rõ quan điểm với Iran rằng chúng tôi không tìm cách leo thang tình hình này."

Căng thẳng giữa Iran và phương Tây gia tăng một tuần sau khi Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh hôm 4/7 vừa qua bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran do nghi tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU). Chính quyền Tehran cho rằng việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran là hành động bất hợp pháp.

Kể từ cuối năm 2011, EU đã áp đặt các lệnh cấm nhằm vào Syria, trong đó có ngành sản xuất dầu mỏ và hoạt động đầu tư của nước này.

Khoảng 227 quan chức, bao gồm cả các bộ trưởng trong Chính phủ Syria cũng nằm trong trừng phạt của EU, trong khi đó tài sản của 72 thực thể và tài sản của Ngân hàng Trung ương Syria tại EU cũng bị phong tỏa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục