Anh hùng Đặng Thùy Trâm trở về từ “Đừng đốt”

Lâu lắm rồi nền điện ảnh Việt Nam mới lại có một tác phẩm lấy được nhiều nước mắt của người xem như “Đừng đốt” của Đặng Nhật Minh.
Lâu lắm rồi nền điện ảnh Việt Nam mới lại có một tác phẩm lấy được nhiều nước mắt của người xem như “Đừng đốt.”

Dưới bàn tay tài hoa và trái tim tâm huyết, nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh đã tái hiện thành công hình ảnh người chiến sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm.

Kỷ niệm ngày 27/7, sáng nay, tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tạp chí Văn Hiến đã kết hợp với Trung tâm Chiếu phim Quốc gia tổ chức hội thảo về bộ phim “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh với sự tham gia đông đảo của những nhà phê bình nghệ thuật có tên tuổi, cùng người thân của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Theo giáo sư Phong Lê đây là bộ phim hay và cảm động. Dù “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được nhiều người biết đến, ông cũng đã từng đọc, nhưng “Đừng đốt” vẫn “lấy được” nước mắt của ông trong cả hai lần xem.

Ông cũng thấy tính dân tộc được biểu hiện qua phim: “Có một con người Đặng Thùy Trâm, đằng sau Trâm là hình tượng của một thế hệ và đằng sau một thế hệ là hình ảnh cả một dân tộc.”

Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hữu Thức đánh giá cao tính chân thực của bộ phim “Đừng đốt”: “Nhân vật Thùy Trâm không bị đẩy lên thành mẫu người chiến thắng, mang tính tuyên truyền cứng nhắc như nhiều phim đã dựng về đề tài chiến tranh. Phim lột tả trung thành một tầng lớp trung gian (không phải người cầm súng) trong chiến trận ác liệt, mong đến hoà bình, trăn trở về gia đình và ước ao có tình yêu thương nhân loại”. 

Ông còn nhận thấy, bộ phim gần gũi và mang tính giáo dục thiết thực đến thế hệ trẻ ngày nay mà không bị giáo điều, khô khan. Bộ phim vượt ra ngoài biên giới của chiến trường Quảng Ngãi khốc liệt. Phim mở rộng biên độ sang Mỹ, thức tỉnh cả những người đã từng bị coi là kẻ thù của Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Mỗi cuộc chiến tranh là “món nợ” của tác phẩm nghệ thuật. Đặng Nhật Minh đã trả được món nợ này qua “Đừng đốt”

Chiến tranh không hề vui. Sau mỗi cuộc chiến tranh người ta tò mò cần biết “chiến tranh nước tôi đã buồn như thế nào?”. Bộ phim đã trả lời được câu hỏi ấy. Nỗi buồn của Đặng Thùy Trâm là thành thật, nỗi buồn rất trần thế. Quá khứ đã sống dậy bằng tác phẩm nghệ thuật mà cụ thể ở đây là bộ phim “Đừng đốt”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ cảm xúc của người lính: “Đây là bộ phim về đề tài chiến tranh rất hay và thành công. Tôi được xem phim muộn hơn nhưng bất ngờ và xúc động. Từng là người lính, tôi thấy phim xây dựng rất chân thật. Phim không chỉ hồi ức về chiến tranh mà còn làm cho những người xem ở thế hệ chúng tôi hồi ức về chính bản thân mình”.

Cái khó Đặng Nhật Minh đã làm được trong phim là chân thật mà nghệ thuật. Đạo diễn thuyết phục được khán giả bằng cách tạo ra sự cộng hưởng về hồi ức, gây xúc động.

Nhà báo Dương Đức Quảng đã từng đặt dấu chân trên chiến trường Quảng Ngãi khốc liệt, nơi mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã nằm xuống. Ông cũng là người may mắn được tiếp xúc sớm với cuốn nhật ký của chị. Ông xúc động chia sẻ, từ hình ảnh máy bay, họng súng hay xác chết, tiếng hát trong phim đã để lại cho những người như ông những tình cảm không thể quên, đánh thức những kỷ niệm tưởng đã ngủ quên trong ông.

Nghệ sĩ ưu tú Diễm Lộc trong vai mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tâm sự rằng, bà đã rất xúc động khi được nhận vai diễn này. Quá trình diễn bà luôn cố gắng để lột tả được tâm trạng người mẹ của một liệt sĩ dũng cảm.

Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, không nói gì nhiều, chỉ rưng rưng xúc động.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ khẳng định: “Đoàn làm phim đã cho ra đời một tác phẩm hiệu quả. Đây là món quà thiết thực cho các thương binh, liệt sĩ”./.

Thuý Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục