Ảnh hưởng dịch COVID-19, thưởng Tết doanh nghiệp giao thông sẽ ra sao?

Ảnh hưởng COVID-19, thưởng Tết doanh nghiệp giao thông sẽ ra sao?

Với việc sản xuất kinh doanh thua lỗ, nhiều cán bộ, công nhân viên lao động của các doanh nghiệp giao thông đang đứng trước nguy cơ sẽ không có thưởng Tết.
Công nhân ngành đường sắt đang trông ngóng tiền thưởng Tết và hy vọng năm tới doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Công nhân ngành đường sắt đang trông ngóng tiền thưởng Tết và hy vọng năm tới doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Với tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19 trong năm vừa qua, người lao động trong các doanh nghiệp ngành vận tải gặp nhiều khó khăn và việc thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ khác rất nhiều so với những năm trước.

Co kéo các nguồn để lo thưởng Tết

Với lượng hành khách đi tàu hỏa chỉ bằng 47,5% năm ngoái, doanh thu vận tải hành khách giảm 51,7% so với cùng kỳ và mức lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, các công ty cổ phần của ngành đường sắt đang co kéo các nguồn để chăm lo Tết cho cán bộ, công nhân viên lao động.

Cả hai vợ chồng đều làm tiếp viên trên tàu, chị Nguyễn Thị Thủy, Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội cho biết năm 2020, ảnh hưởng dịch COVID-19 và bão lũ, hai vợ chồng chị đã phải nghỉ không lương, giãn cách hợp đồng hàng tháng.

“Dịp Tết đến tăng chuyến, hai vợ chồng cố gắng đi nhiều để có thêm thu nhập. Nhưng cả năm vừa rồi ít tàu, chắc cũng không được bao nhiêu. Lương, thưởng Tết cũng chưa thấy đơn vị thông báo,” chị Thủy lo lắng.

Anh Hoàng Ngọc Sơn, lái tàu Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội cho hay, năm 2020, thu nhập công nhân lái tàu của xí nghiệp giảm từ 25-50% so với năm 2019. Là Tổ trưởng sản xuất nhưng anh Sơn thực lĩnh chỉ khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, còn anh em phụ lái có người chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng.

“Tết gần đến, anh em cũng mong nhận được lương, thưởng Tết nhưng chưa nhận được thông báo từ đơn vị vì còn phụ thuộc vào phân bổ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Tết năm ngoái được khoảng 15 triệu đồng các khoản, người ít cũng được chừng 10 triệu đồng nhưng năm nay chắc khó vì trong năm không có tàu, doanh thu thấp,” anh Sơn thở dài nói.

[Ngành đường sắt quyết liệt thực hiện tái cơ cấu để không 'chết chìm']

Theo ông Vũ Thanh Bình, Giám đốc Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội, đoàn tiếp viên chủ yếu làm công tác phục vụ, không trực tiếp sản xuất nên việc trả lương, thưởng Tết do Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cân đối trên tinh thần cố gắng ít nhất một tháng lương cho người lao động. Riêng đoàn tiếp viên sẽ cân đối từ nguồn lương dự phòng, trả thêm mỗi người khoảng 2-3 triệu đồng.

“Tàu không chạy thì không có cách gì để trả lương hay thưởng cho người lao động, tuy nhiên việc chăm lo quà Tết, hỗ trợ anh em làm việc ngày Tết vẫn được lo đầy đủ,” ông Bình nhấn mạnh.

Ở khu vực phía Nam, ông Phạm Văn Bảy, Trạm trưởng Trạm công tác trên tàu Sài Gòn (Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam) cho hay, về chi trả lương Tết, đơn vị sẽ cố gắng lo được ít nhất tháng lương thứ 13 và đầu tháng 2/2021 sẽ ứng tiền cho người lao động để yên tâm bước vào chiến dịch Tết.

Với các đơn vị bảo trì hạ tầng như các Công ty cổ phần, thông tin tín hiệu vẫn giữ được mức trả lương, thưởng như năm ngoái, có đơn vị hơn một chút do trúng được thầu xây lắp gói 7.000 tỷ đồng, trung bình trên 10 triệu đồng/người.

Khẳng định tổ chức công đoàn vẫn tìm mọi nguồn để chăm lo, hỗ trợ thêm cho người lao động, theo ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam, Công đoàn Đường sắt sẽ dành khoảng 500 triệu đồng hỗ trợ các trường hợp người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức từ 1-2 triệu đồng/người.

Ngoài ra, Công đoàn cũng tổ chức chương trình “Tết sum vầy”, trao quà Tết cho các khu ga đèo dốc, heo hút; trao hỗ trợ 150 cặp vé tàu cho các đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 3 năm liền chưa về quê ăn Tết với gia đình.

Chia sẻ khó khăn khi không có thưởng Tết

Với vận tải xe ôtô khách, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ Minh Thành Phát - đơn vị sở hữu thương hiệu vận tải Sao Việt cho biết, những năm trước, doanh nghiệp còn thưởng cho cán bộ, lái xe tháng lương thứ 13 (khoảng hơn 10 triệu đồng). Với những cá nhân xuất sắc còn được thưởng thêm 5-10 triệu đồng.

Tuy nhiên, năm nay doanh thu vận tải giảm mạnh, chỉ bằng 60% so với năm 2019, Công ty chỉ đủ để chi trả lương cho người lao động và các chi phí đầu vào, không có lãi, thậm chí là lỗ khi phải trả lãi ngân hàng.

“Giữ được công ăn việc làm cho người lao động đã là thành công, không dám nghĩ đến thưởng Tết. Doanh nghiệp đã thông báo cho cán bộ công nhân viên Công ty là không có thưởng Tết. Hiểu được tình cảnh đó, nên người lao động cũng chia sẻ và không đòi hỏi,” ông Bằng chia sẻ.

Đại dịch COVID-19 là một sự kiện thế kỷ, làm chấn động và ảnh hưởng tới cuộc sống của tất cả mọi người trên thế giới và bản thân tiếp viên trưởng Vietnam Airlines Trần Thị Phương Ly cũng không nằm ngoài ngoại lệ.

Công tác ở căn cứ Đà Nẵng, vì đại dịch mà những chuyến bay ở thành phố này bị ít lại, nguồn lực dư thừa, Ly và các đồng nghiệp đã phải nghỉ không lương liên tục trong 6 tháng, trải qua 2 lần giãn cách xã hội. Đó quả là một khoảng thời gian dài khó khăn với nhiều người khi không hề có thu nhập để trang trải cuộc sống.

Ảnh hưởng COVID-19, thưởng Tết doanh nghiệp giao thông sẽ ra sao? ảnh 1Tiếp viên Vietnam Airlines năm nay sẽ không có thưởng Tết do khó khăn vì đại dịch COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo Ly, hiện tại, tập thể tiếp viên ở căn cứ Đà Nẵng đã được luân phiên làm nhiệm vụ, được trở lại với bầu trời, được cống hiến. Ai ai cũng thấy dù khó khăn nhưng luôn nghĩ rằng vẫn còn quá may mắn khi được tiếp tục với công việc cùng niềm đam mê của mình. Vì thế, bản thân chị và các đồng nghiệp nhận thức rõ ngành đang khó khăn ra sao nên cũng không đòi hỏi, mà mình cần phải chung tay, chia sẻ với ngành.

[COVID-19 bẻ gãy đà phát triển, ngành giao thông tìm ‘thuốc hồi sinh’]

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết thêm, do khó khăn vì đại dịch COVID-19, hãng này chủ động cắt giảm lương, thưởng của người lao động trong suốt năm 2020 và năm nay sẽ không có thưởng Tết cho người lao động.

Theo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines, đến cuối tháng 12/2020, doanh thu hợp nhất năm 2020 của đơn vị này ước đạt hơn 42.500 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ ước đạt hơn 32.900 tỷ đồng, đều vượt so với kế hoạch, lần lượt là 1.937 tỷ đồng (4,8%) và 448 tỷ đồng (1,4%). Số lỗ hợp nhất dự kiến ở mức hơn 14.400 tỷ đồng, trong đó số lỗ của Công ty mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, giảm lỗ 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch.

Với việc đường bay quốc tế đến nước ta chưa thể mở cửa, sản lượng điều hành bay quá cảnh luôn duy trì ở mức thấp do tình hình dịch bệnh, tần suất chuyến bay nội địa khiến Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, phía VATM không có lợi nhuận để trích quỹ khen thưởng, phúc lợi và các quỹ khác theo quy định. Được biết, tổng quỹ tiền lương của tổng công ty năm 2020 tối đa là 816 tỷ bằng 69% so với năm 2019.

Để đảm bảo kết quả kinh doanh, bảo toàn phát triển vốn, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, trong đó giảm quỹ lương từ 15-45%. ACV vẫn cố gắng lo thưởng Tết cho người lao động, trung bình 3,6 triệu đồng/người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục