Ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với địa kinh tế châu Á

Ảnh hưởng từ cuộc chiến và cả chế độ trừng phạt đối với nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu đã rất rõ rệt, song sẽ còn để lại những hậu quả lâu dài đối với địa kinh tế của châu Á.
Ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với địa kinh tế châu Á ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: thediplomat.com)

Trang mạng thediplomat.com đưa tin cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kích hoạt hàng loạt lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây và nhiều quốc gia khác, có tác động rộng rãi trong tương lai ngay cả khi cuộc xung đột chấm dứt nhanh chóng.

Ảnh hưởng từ cuộc chiến và cả chế độ trừng phạt đối với nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu đã rất rõ rệt, song sẽ còn để lại những hậu quả lâu dài đối với địa kinh tế của châu Á và hành lang thương mại Đông-Tây vốn cần được kiểm chứng kỹ hơn.

Đến nay, cụm từ “địa kinh tế” chưa được giới học thuật định nghĩa chính xác. Nó chủ yếu được sử dụng để nói đến các nền kinh tế bị biến thành công cụ cho các mục đích an ninh quốc gia.

Ở đây, tác giả bài viết dùng cụm từ này để nói đến cách các nước tận dụng địa lý để đạt được tham vọng kinh tế trên cơ sở các vấn đề an ninh.

Định nghĩa này gần hơn với quan điểm của các học giả coi địa kinh tế là cầu nối giữa kinh tế và địa chính trị.

Tác giả cho rằng có 3 xu hướng giao thoa bắt nguồn từ cuộc xung đột Ukraine và làn sóng trừng phạt chưa từng có của phương Tây đối với Moskva, vốn định hình lại bản đồ thương mại châu Á.

Cuối cùng, Iran trở thành nước hưởng lợi chính từ những thay đổi này.

Cầu nối Á-Âu mới trên đất liền và BRI

Hai tác động đầu tiên liên quan mật thiết đến thực tế rằng xung đột Ukraine và các lệnh cấm vận kinh tế đã tạo ra những trở ngại lớn cho Cầu nối Á-Âu mới trên đất liền (NELB).

Mặc dù Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh dựa trên sự bí ẩn của Con đường tơ lụa cổ đại, song tuyến đường chính đưa sáng kiến này đến các thị trường mục tiêu ở Tây Âu đều đi qua NELB, qua Trung Á và Nga tới lục địa châu Âu.

[Liệu quá trình toàn cầu hoá có thành công nếu thiếu Nga?]

Tuyến đường này quan trọng đến mức các quan chức châu Âu từng lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào Nga trong lĩnh vực vận tải. Giờ đây, những nỗi lo này có thể lường trước được. Như nhiều chuyên gia đã lưu ý tuyến đường NELB ngày càng có nhiều vấn đề.

Ngoài các vấn đề an ninh bắt nguồn từ cuộc xung đột Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga ngày càng khó hợp tác.

Các công ty vận tải lớn đã rút khỏi Nga từ trước khi bị ép buộc bởi các lệnh trừng phạt, trong khi nhiều nước châu Âu như Ba Lan và Ukraine, vốn từng có tham vọng trở thành trung tâm chủ chốt của NELB, đã né tránh quan hệ kinh tế với Moskva và áp đặt lệnh trừng phạt do ưu tiên các nhu cầu an ninh.

Tất cả các yếu tố này khiến Trung Quốc cần hướng đến con đường thứ yếu của BRI, đó là đi qua Iran.

Con đường này cũng đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran xuyên suốt quá trình tồn tại của BRI.

Mặc dù chính phủ Trung Quốc sẵn sàng chống lại chỉ thị của Mỹ cấm can dự kinh tế với Iran, song khu vực tư nhân và cả các doanh nghiệp được nhà nước bảo hộ của Trung Quốc, vốn đóng góp phần lớn tài chính cho BRI, vẫn chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt.

Hàng lang thương mại Đông-Tây sẽ phụ thuộc vào Iran?

Xu hướng thứ hai, vốn liên quan chặt chẽ với trở ngại của NELB, là hoạt động vận tải ngày càng nhiều của các nước châu Á khác, đặc biệt là Trung Á và Nam Á, nhằm hướng tới các thị trường mục tiêu ở phương Tây thông qua Iran.

Trong những tuần qua, hoạt động thương mại mở rộng qua Iran và các nước láng giềng phía Tây đang ngày càng nhộn nhịp.

Điều này được thúc đẩy nhờ tham vọng của chính quyền Tổng thống Iran Ebrahim Raisi về việc mở rộng quan hệ kinh tế với các nước trên khắp châu Á, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến quan hệ ngoại giao với Trung Á, vốn là các vấn đề mà giới bảo thủ Iran thường cho rằng chính quyền tiền nhiệm Rouhani đã bỏ qua.

Chiến lược “Hướng Đông” của Nga và INSTC

Xu hướng thứ ba và có lẽ được ít người nhận ra nhất là chiến lược “Hướng Đông” của Nga nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách đa dạng hóa thương mại ra ngoài các nền kinh tế phương Tây, vốn ngày càng quan tâm đến việc vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau.

Mặc dù con đường của Nga đến Trung Quốc hay Trung Á đều ngắn, song con đường đến Ấn Độ, một đối tác thương mại chủ chốt từ chối tham gia liên minh trừng phạt của phương Tây, lại phức tạp hơn nhiều.

Ấn Độ, vốn tiếp giáp với các đối thủ Pakistan và Trung Quốc, chỉ có thể đến bằng đường biển.

Trong khi thương mại Nga-Ấn phần lớn đều thông qua kênh đào Suez, việc thiếu đi một con đường trực tiếp hơn có thể trở thành điểm yếu, đặc biệt là trong môi trường chính trị nhiều biến động như hiện nay.

Điều này khiến tầm quan trọng của Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam (INSTC) - vốn đi qua Caucasus, nối Nga với cảng Bandar Abbas của Iran trên Eo biển Hormuz - ngày càng lớn, cho phép đi qua con đường biển ngắn hơn đến Ấn Độ.

Điều này không chỉ giúp giảm thời gian vận chuyển hàng hóa giữa Nga và Ấn Độ, mà còn tránh được những con đường có nguy cơ bị chi phối bởi yếu tố chính trị.

Chẳng hạn, Trung Quốc đang lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào thương mại hàng hải qua Eo biển Malacca.

Nếu nhu cầu ngày càng lớn của các nước châu Á và Nga dẫn đến việc mở rộng đầu tư và sử dụng các tuyến đường thương mại kể trên, Iran có thể trở thành một trung tâm thương mại lớn của thế giới.

Đặc biệt, nếu các cuộc đàm phán hiện nay giúp nới lỏng các lệnh trừng phạt theo thỏa thuận hạt nhân Iran, lợi ích đầu tư và thương mại sẽ tăng đáng kể.

Điều quan trọng là Nga cũng đã bày tỏ mong muốn sử dụng INSTC để kết nối với Pakistan.

Điều này có nhiều tác động đến dự án BRI. Các dự án của BRI tại Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á thường tách biệt và có những khái niệm riêng.

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã nhận thấy tiềm năng kinh tế và hỗ trợ thương mại ở Nam Á và Trung Á, đồng thời ngày càng hứng thú với những liên kết giữa hai khu vực này.

Hiện tại, hai khu vực này kết nối thông qua một tuyến đường dài ở miền Tây Trung Quốc. Đây là vấn đề lớn bởi các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Pakistan chủ yếu nằm ở tỉnh miền Tây Balochistan và cảng Gwadar, vốn rất gần với biên giới Iran, trong khi phần lớn dân số và tiềm năng kinh tế của Trung Á đều nằm ở Uzbekistan và Kazakhstan, tiếp giáp Biển Caspi.

Một con đường phù hợp hơn là đi qua miền Đông Iran. Con đường này hiện là vị trí được quan tâm nhiều hơn do Nga muốn kết nối INSTC với Pakistan.

Điều trớ trêu là cơ sở hạ tầng vận tải ở Iran dường như lại là mục tiêu chính của Ấn Độ, vốn coi việc kết nối với cảng Chabahar ở Đông Nam Iran là con đường thương mại tốt nhất sang Afghanistan và Trung Á.

Sự can dự của Ấn Độ trong dự án cảng Chabahar đã bị đình trệ kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, song có thể được nối lại nếu có một thỏa thuận mới.

Vẫn còn nhiều rào cản lớn trước khi Iran trở thành một trung tâm thương mại chính, trong đó rào cản lớn nhất là việc nới lỏng các lệnh trừng phạt theo Kế hoạch Hành động chung Toàn diện.

Tuy nhiên, Iran cần lên một kế hoạch chiến lược hơn, cũng như một phương hướng thay đổi các tuyến đường thương mại sang các hành lang kinh tế có lợi cho người dân nước này.

Nếu Tehran có thể giải quyết thách thức này, họ sẽ đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển của châu Á và hành lang thương mại Đông-Tây thời gian tới./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục