Ảnh hưởng từ biện pháp trừng phạt đến mục tiêu kinh tế của Triều Tiên

Giáo sư Koh Yu-hwan thuộc Đại học Dongguk cho rằng dù Triều Tiên đã nỗ lực né tránh trừng phạt nhưng nếu biện pháp trừng phạt không được nới lỏng, thì mục tiêu kinh tế của Kim cũng phải chịu thất bại.
Ảnh hưởng từ biện pháp trừng phạt đến mục tiêu kinh tế của Triều Tiên ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Sinuiju, Triều Tiên, ngày 30/11/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo hãng AFP, giới phân tích nhận xét những nỗ lực của Triều Tiên nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc lẽ ra nên được sử dụng với mục đích nhằm giảm nhẹ tác động của chúng, song Triều Tiên lại không đưa ra giải pháp dài hạn nào để thoát khỏi sự cô lập kinh tế ngày càng siết chặt.

Nới lỏng các lệnh trừng phạt là ưu tiên hàng đầu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa diễn ra tại Hà Nội.

Nhưng, cuộc gặp đó đã thất bại khi không ra được tuyên bố chung, thậm chí hai nhà lãnh đạo còn không dùng bữa trưa, do bất đồng liên quan đến việc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng trừng phạt.

Triều Tiên gần như không công khai các số liệu kinh tế của họ, tuy nhiên theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu (của Triều Tiên) sang đối tác thương mại lớn nhất của nước này đã giảm mạnh, tới hơn 90%.

Tính đến năm 2016 - thời điểm mà các dữ liệu thống kê cho thấy Triều Tiên đã bán cho Trung Quốc khối lượng hàng hóa trị giá 2,5 tỷ USD, các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc chủ yếu nhằm vào những công nghệ mà Bình Nhưỡng có thể sử dụng để phát triển vũ khí.

Kể từ đó, các biện pháp trừng phạt mới đã nhắm vào nhiều lĩnh vực kinh tế lớn, bao gồm một số hoạt động giao dịch bằng ngoại tệ của Bình Nhưỡng (như xuất khẩu than, quặng sắt, hải sản và các mặt hàng cấm khác), kinh doanh trong lĩnh vực dệt may bị ngăn cản và hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và nhiên liệu.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, lượng hàng hóa Triều Tiên xuất sang Trung Quốc chỉ đạt 213 triệu USD trong năm 2018, mặc dù một số nhà quan sát nghi ngờ về tính xác thực của con số này.

Ủy ban chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc tuần trước đã công bố một báo cáo cho biết Bình Nhưỡng đang sử dụng nhiều biện pháp ngày càng tinh vi để phá vỡ các lệnh trừng phạt, bao gồm "tàu chở dầu ngụy trang" và thay cờ hiệu của nước khác một cách trái phép, cũng như dùng mạng lưới các tàu thuyền để vận chuyển bất hợp pháp hàng hóa trên biển.

[Chỉ dựa vào tài nguyên, kinh tế Triều Tiên liệu có thể tăng tốc?]

Hugh Griffiths, điều phối viên của ủy ban trên, đã ví những nỗ lực của Bình Nhưỡng với hành động của những kẻ trốn thuế siêu hạng và các tập đoàn đa quốc gia.

Trao đổi với AFP, quan chức này nói: "Họ đang khai thác những vùng biển quốc tế và hoạt động kinh tế ở nước ngoài."

Báo cáo của ủy ban Liên hợp quốc cho biết Triều Tiên sử dụng cách thức chuyển hàng hóa từ tàu lớn sang tàu bé trong "hầu hết các giao dịch chuyển nhượng than đá liên quan đến đường biển của nước này," đồng thời bổ sung rằng "những vụ vận chuyển bất hợp pháp như vậy đã trở nên thường xuyên trong năm 2018."

Tuy nhiên, ông Griffiths cũng nêu rõ: "Không có quốc gia thành viên nào cung cấp cho tôi bằng chứng cho thấy các quốc gia thành viên khác trong khu vực đang cho phép hoặc nhận thấy bất cứ hoạt động nhập khẩu than nào vào lãnh thổ nước họ.

Tất cả đều diễn ra trong vùng biển quốc tế thông qua mạng lưới tàu thuyền. Việc này cần thêm nhiều thời gian, nhiều nỗ lực và nhiều tiền hơn."

Cũng theo báo cáo, Triều Tiên đang sử dụng "các kỹ xảo trốn tránh ngày càng tinh vi" để phá vỡ lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh luyện, ước tính lên tới 500.000 thùng/năm.

Báo cáo miêu tả ví dụ về hành vi gian lận vận chuyển này là "trường hợp tinh vi nhất" mà họ từng thấy, nó đã "làm thất bại những nỗ lực kiên trì của một công ty xuất nhập khẩu hàng hóa hàng đầu trong khu vực," các ngân hàng của Mỹ và Singapore cũng như "một công ty bảo hiểm hàng đầu của Anh.

Trong một tuyên bố gửi AFP, công ty APM-Maersk có trụ sở tại Copenhagen (Đan Mạch) cho biết chính sách của công ty là "không giao dịch với Triều Tiên" và họ đã có "những hướng dẫn và cách thức thực thi để đảm bảo tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế và kiểm soát thương mại."

Tuy nhiên, theo ông Griffiths, trong khi các lệnh trừng phạt đang "được né tránh một cách trót lọt hết lần này đến lần khác, các hoạt động gian lận này đã có hiệu quả và điều đó rất rõ ràng tại Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội. Yêu cầu duy nhất của Triều Tiên là gì? Đó là các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ."

Theo các nhà phân tích, 5 lệnh trừng phạt mà Triều Tiên muốn dỡ bỏ tại Hà Nội đã tạo ra nhiều sức ép đưa nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngồi vào bàn đàm phán, và nếu không có các biện pháp này thì Mỹ có thể mất đòn bẩy.

Chuyên gia Jeong Hyung-gon thuộc Viện Chính sách Kinh tế quốc tế Triều Tiên cho rằng các biện pháp trừng phạt hiện nay là "khắc nghiệt nhất" mà Triều Tiên từng đối mặt, và việc sụt giảm "đáng kể" trong kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc "cho thấy hiệu quả của sức ép từ Bắc Kinh."

Cheong Seong-Chang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Sejong của tư nhân, cho biết các giao dịch thương mại ngầm không thể bù đắp được nguồn thu chính thức bị mất đi. Và nguồn thu nhập đó là "không đủ" cho Triều Tiên, đặc biệt là với giới cầm quyền, ông nói thêm.

Tháng 4/2018, Kim Jong-un đã tuyên bố sự phát triển chương trình hạt nhân đã hoàn tất và cho biết "xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa" đang là ưu tiên hàng đầu của Bình Nhưỡng.

Ông đã đưa ra một số cải cách kinh tế tự do trong những năm gần đây, và Triều Tiên thường xuyên nhấn mạnh rằng họ muốn cải thiện đời sống của người dân Triều Tiên.

Tuy nhiên, giáo sư Koh Yu-hwan thuộc Đại học Dongguk cho rằng "bất kể chế độ Bình Nhưỡng đã nỗ lực vất vả để né tránh trừng phạt," nếu các biện pháp trừng phạt không được nới lỏng, thì các mục tiêu kinh tế của Kim cũng "phải chịu thất bại"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục