Anh kêu gọi Argentina tôn trọng người dân Falkland

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 12/3 đã lên tiếng kêu gọi Argentina tôn trọng mong muốn của người dân trên quần đảo Falkland.
Thủ tướng Anh David Cameron ngày 12/3 đã lên tiếng kêu gọi Argentina tôn trọng mong muốn của người dân trên quần đảo Falkland sau khi họ đã bỏ phiếu ủng hộ duy trì quy chế của quần đảo này tiếp tục là vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh.

Phát biểu ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 10-11/3 về tương lai của quần đảo Falkland mà phía Argentina gọi là Malvinas đang tranh chấp giữa hai nước, ông Cameron nhấn mạnh người dân trên quần đảo Falkland đã không thể nói rõ hơn được nữa. Họ muốn thuộc về Anh và quan điểm đó phải được mọi người tôn trọng, kể cả Argentina.

Theo Thủ tướng Cameron, Argentina nên "lưu ý" kết quả cuộc trưng cầu dân ý và Anh sẽ luôn bảo vệ quần đảo Falkland.

Ông Dick Sawle, ủy viên Hội đồng lập pháp của Falkland, cho rằng cuộc bỏ phiếu đã gửi “thông điệp mạnh mẽ nhất có thể tới thế giới về quyền tự quyết của chúng tôi.”

Trước đó, Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner đã tuyên bố nước này không công nhận cuộc trưng cầu dân ý, gọi đây là một hành động không có giá trị pháp lý.

Đại sứ Argentina tại Anh, bà Alicia Castro, cũng nhấn mạnh rằng Argentina tôn trọng nguyện vọng tiếp tục là công dân Anh của người dân trên đảo Malvinas, song lãnh thổ mà họ sinh sống không phải là của Anh.

Theo kết quả mới được công bố, trong số 1.517 người đi bỏ phiếu trong tổng số 1.672 người trên quần đảo đủ tư cách bỏ phiếu thì chỉ có 3 người không ủng hộ duy trì quy chế nói trên.

[Argentina phản đối trưng cầu ý dân về đảo tranh chấp]

Quần đảo Malvinas/Falkland bị quân đội Anh chiếm từ năm 1833. Đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ chiếm giữ quần đảo này trong 74 ngày, sau đó lại bị đánh bại. Cuộc xung đột vũ trang này đã cướp đi sinh mạng của 649 binh sĩ Argentina và 255 lính Anh.

Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, nhưng Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo Falkland và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện mong muốn.

Bất đồng ngoại giao giữa Argentina và Anh gia tăng căng thẳng kể từ năm 2010, khi London cho phép tiến hành hoạt động thăm dò dầu mỏ tại vùng biển quanh quần đảo tranh chấp.

Với tổng diện tích vùng biển bao quanh có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000km2, Malvinas/Falkland được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng dầu khí khổng lồ./.

Huy Hiệp/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục