Anh kêu gọi G20 chống khủng hoảng tài chính

Ngày 30/1, phát biểu với các phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Anh Gordon Brown đã kêu gọi các nước G20 tiến hành một cuộc "cách mạng chung" để xây dựng một cấu trúc tài chính toàn cầu mới nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Ngày 30/1, phát biểu với các phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Anh Gordon Brown đã kêu gọi các nước G20 tiến hành một cuộc "cách mạng chung" để xây dựng một cấu trúc tài chính toàn cầu mới nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
 
Đề ra chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh G20 (gồm những nước giàu và đang nổi) do ông chủ trì tại London (Anh) vào tháng 4 tới, Thủ tướng Brown nhấn mạnh sẽ thúc đẩy những sự thay đổi nhằm tăng cường cho các thể chế toàn cầu và thúc đẩy sự hợp tác quốc tế.
 
Ông nêu rõ đã đến lúc thế giới cùng hợp sức lại thành một khối thống nhất để cùng tiến hành một cuộc cách mạng chung giải quyết những vấn đề thực tế hiện nay, và cho rằng những gì đang diễn ra cho thấy cần phải thực hiện đề xuất được đưa ra từ 10 năm nay là cần có một thể chế tài chính toàn cầu với sự giám sát và trách nhiệm giải trình đúng đắn cùng một hệ thống cảnh báo sớm phù hợp.
 
Thủ tướng Anh cho biết những ưu tiên của Hội nghị G20 tới là tìm kiếm sự đồng thuận về một hệ thống cảnh báo sớm những rủi ro trong nền kinh tế thế giới và thay thế "mảnh chắp vá của quy định hiện hành". Dự kiến tân Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tham dự hội nghị này.
 
Mặt khác, Thủ tướng Brown cũng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện "chủ nghĩa trọng thương tài chính" (financial mercantilism) - điều sẽ dẫn đến một kiểu chủ nghĩa bảo hộ mới, từ bỏ toàn cầu hóa và giảm các hoạt động thương mại xuyên biên giới.
 
Nhà lãnh đạo Anh cũng cho rằng thế giới không nên "lợi dụng" khủng hoảng kinh tế để "thất hứa" về những cam kết chống nghèo đói và biến đổi khí hậu toàn cầu.
 
G20 gồm nhóm các nước công nghiệp phát triển và các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Trung Quốc và Nga. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của G20 chiếm tới 85% GDP của toàn thế giới./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục