Anh không muốn “chậm chân” mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á

Khu vực ASEAN có thể còn xa lạ với nhiều người Anh, nhưng sẽ có rất nhiều lợi ích đạt được nếu mối quan hệ giữa Anh và ASEAN phát triển.
Anh không muốn “chậm chân” mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Anh David Cameron chứng kiến Lễ ký kết Hợp đồng bảo dưỡng máy bay theo giờ bay giữa Tổng công ty hàng không Viêt Nam và Tập đoàn Rolls-Royce. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Thủ tướng Anh David Cameron vừa kết thúc chuyến thăm bốn ngày tại bốn quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đây là chuyến công du đầu tiên ngoài châu Âu của ông kể từ khi tái đắc cử Thủ tướng Anh hồi tháng Năm.

Mục đích chính của chuyến thăm là tăng cường quan hệ thương mại giữa Anh với các nền kinh tế đang có triển vọng trong khu vực, bên cạnh đó là tạo dựng một liên minh từ xa để chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Với việc Cộng đồng ASEAN dự kiến ra đời vào cuối năm nay, sức hút của một khu vực với Tổng sản phẩm nội khối (GDP) khoảng 2.600 tỷ USD sẽ ngày càng lớn, kèm theo đó là vô số những cơ hội đầu tư kinh doanh.

Với dân số 630 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 6%/năm trong 15 năm qua, ASEAN đang được xem là cột trụ thứ ba của nền kinh tế châu Á. Thị trường và sức tiêu dùng của người dân ASEAN cũng vô cùng hấp dẫn. Số người thuộc tầng lớp trung lưu tại ASEAN dự báo sẽ lên tới 400 triệu người vào năm 2020.

Xét về mọi chỉ số, ASEAN hiện là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng, nhiều tiềm năng hàng đầu thế giới. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà tháp tùng Thủ tướng Cameron trong chuyến công du này là một đoàn doanh nghiệp hùng hậu gồm 30 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Anh trong hầu hết các lĩnh vực. Chỉ trong bốn ngày, một loạt hợp đồng với tổng trị giá 1,2 tỷ USD đã được ký kết.

Lâu nay, nước Anh vẫn được đánh giá là khá thờ ơ với những thị trường mới xa xôi mà chủ yếu chỉ tập trung đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư với Mỹ và các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU).

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế EU đang lâm vào khủng hoảng, người dân Anh cảm thấy mệt mỏi và chán nản với sự trì trệ của liên minh này và dự kiến sẽ tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai của nước Anh trong EU vào năm tới.

Thủ tướng Cameron có lẽ đã nhận ra rằng ông cần nhìn ra bên ngoài châu Âu, không chỉ Ấn Độ và Trung Quốc, mà cả những nơi đầy tiềm năng ở Đông Nam Á. ASEAN hiện là nền kinh tế thứ 7 thế giới và được kỳ vọng sẽ vươn lên vị trí thứ 4 vào năm 2050.

Rõ ràng, các nền kinh tế đang bùng nổ ở Đông Nam Á là những thị trường tốt cho hàng hóa và dịch vụ của Anh, đồng thời có thể trở thành những nguồn đầu tư trực tiếp của Xứ sở Sương mù.

Chuyến thăm Indonesia, Singapore, Việt Nam và Malaysia của Thủ tướng Cameron có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là khi xuất khẩu của Anh sang khu vực này hiện ở mức rất khiêm tốn là 10 tỷ bảng/năm, kém xa so với tiềm lực của nền kinh tế Anh và các đối tác Đông Nam Á.

Ngoài ra, việc mở rộng hoạt động thương mại sang Đông Nam Á cũng có vai trò quan trọng trong mục tiêu mà chính phủ của ông David Cameron đưa ra là nâng gấp đôi giá trị xuất khẩu của Anh từ nay đến năm 2020 lên mức 1.000 tỷ bảng/năm.

Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư sang ASEAN, chuyến thăm của ông Cameron cũng nhằm xúc tiến Hiệp định tự do thương mại giữa ASEAN và EU mà theo tính toán của London thì nếu được ký kết sẽ mang lại cho nước Anh thêm 3 tỷ bảng mỗi năm nhờ xuất khẩu.

Hiện EU đã có hiệp định tự do thương mại với Singapore - quốc gia thịnh vượng nhất trong ASEAN, nhưng Thủ tướng Cameron đang muốn một thỏa thuận rộng lớn hơn giữa 28 nước thành viên EU với toàn bộ 10 nước ASEAN.

Thủ tướng Anh cho rằng thỏa thuận tự do thương mại EU-ASEAN nếu ra đời sẽ có sức nặng không thua kém gì thỏa thuận thương mại tự do mà EU và Mỹ đang đàm phán.

Cùng với các vấn đề kinh tế, Thủ tướng Anh cũng đạt được mục đích khác trong chuyến công du Đông Nam Á lần này là kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Trong các cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Malaysia Najib Razak, ông Cameron đã đề cập đến mối đe dọa của IS – lực lượng hiện đang kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn tại Syria và Iraq.

Indonesia - quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới - ước tính có khoảng 500 công dân bị IS lôi kéo sang Trung Đông. Khoảng 200 công dân Malaysia cũng đã gia nhập IS tại Iraq và Syria. Những đối tượng này có thể sẽ gây ra những hiểm họa đối với khu vực trong tương lai.

Thủ tướng Cameron khẳng định rằng Anh có thể giúp Indonesia và Malaysia đối phó IS thông qua việc ngăn chặn các chiến binh nước ngoài, điều tra các nguy cơ khủng bố tiềm năng và cải thiện an ninh hàng không. Ngược lại, Anh có thể học hỏi những kinh nghiệm của hai nước này trong việc xây dựng một xã hội hài hòa hơn.

Tình hình Biển Đông cũng đã được Thủ tướng Anh đề cập trong chuyến thăm Đông Nam Á vừa qua.

Trong các cuộc hội đàm với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ông Cameron bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và đặc biệt quan ngại về các hoạt động xây dựng trên quy mô lớn, thay đổi nguyên trạng các đảo đá ngầm ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.

Khu vực ASEAN có thể còn xa lạ với nhiều người Anh, nhưng sẽ có rất nhiều lợi ích đạt được nếu mối quan hệ giữa Anh và ASEAN phát triển. Nước Anh chắc chắn không muốn “chậm chân” so với các cường quốc khác trong việc tăng cường quan hệ, mở rộng ảnh hưởng tại khu vực giàu tiềm năng và có vị trí địa chiến lược này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục