Anh, Nhật Bản đề xuất trừng phạt lao động Triều Tiên ở nước ngoài

Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Matthew Rycroft cho biết London muốn các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên sẽ nhắm tới các lao động Triều Tiên ở nước ngoài.
Anh, Nhật Bản đề xuất trừng phạt lao động Triều Tiên ở nước ngoài ảnh 1Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Matthew Rycroft. (Nguồn: Reuters)

Ngày 30/8, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Matthew Rycroft cho biết London muốn các biện pháp trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên sẽ nhắm tới các lao động Triều Tiên ở nước ngoài, phần lớn là ở Nga và Trung Quốc. Thu nhập của những lao động này là một nguồn doanh thu của Bình Nhưỡng.

Phát biểu với các phóng viên, ông Rycroft cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần xem xét "khả năng chúng ta có thể có thêm nhiều hành động để ngăn chặn dòng tiền chảy vào Triều Tiên từ những công dân Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài."

Cùng ngày, Nhật Bản đã hối thúc Mỹ đề xuất lên Liên hợp quốc các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Các nhà ngoại giao cho biết những biện pháp này có thể nhắm tới lao động Triều Tiên ở nước ngoài, nguồn cung cấp dầu và mặt hàng dệt xuất khẩu.

[Pháp-Mỹ-Anh hối thúc HĐBA thông qua biện pháp trừng phạt Triều Tiên]

Trả lời báo giới, Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc Koro Bessho cho hay: "Chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận điều này với Mỹ."

Một số nhà ngoại giao ước tính có khoảng 60.000​-100.000 người Triều Tiên đang làm việc ở nước ngoài. Một nhà điều tra nhân quyền của Liên hợp quốc vào năm 2015 cho biết, có hơn 50.000 người Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, chủ yếu ở Nga và Trung Quốc, mang về nước khoảng 1,2​-2,3 tỷ USD mỗi năm.

Theo các nhà ngoại giao, mặt hàng dệt xuất khẩu của Bình Nhưỡng, nguồn cung cấp dầu cho chính phủ, quân đội và hãng hàng không quốc gia của Triều Tiên cũng sẽ là mục tiêu của bất cứ biện pháp trừng phạt mới nào của Liên hợp quốc.

Trong diễn biến liên quan, nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết vào cuối ngày 30/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm thứ 2 kể từ sau vụ phóng hôm tên lửa hôm 29/8 của Triều Tiên.

Hai nhà lãnh đạo đã cam kết phối hợp với cộng đồng quốc tế để gia tăng sức ép đối với Bình Nhưỡng.

Trước đó, ông Trump trên trang Twitter khẳng định "đàm phán không phải là câu trả lời" trong việc đối phó với Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục