Anh: Tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ ngang với Công đảng

Tỷ lệ ủng hộ đối với hai đảng cùng là 36%, trước khi mỗi đảng tiến hành đại hội thường niên để hoạch định chiến lược bầu cử.
Lần đầu tiên trong 18 tháng qua, tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Anh David Cameron đã lên ngang với Công đảng đối lập nhờ những dấu hiệu cải thiện của nền kinh tế "Xứ sở Sương mù."

Kết quả thăm dò của hãng YouGov công bố ngày 19/9, cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với hai đảng này cùng là 36%, trước khi mỗi đảng tiến hành đại hội thường niên để hoạch định chiến lược bầu cử trước thềm cuộc tổng tuyển cử quốc gia vào năm 2015 tới. Đây là lần đầu tiên hai chính đảng này đạt tỷ lệ ủng hộ ngang nhau kể từ tháng 2/2012.

Các cuộc thăm dò khác cho thấy Công đảng vẫn đang dẫn trước đảng Bảo thủ khoảng 6 điểm phần trăm, nhưng khoảng cách này ngày một co lại sau một tranh cãi quanh vụ gây quỹ Công đảng, dẫn tới những nghi vấn về vai trò lãnh đạo của thủ lĩnh Công đảng Ed Miliband và sự suy giảm tỷ lệ ủng hộ cá nhân ông.

Có một số ý kiến cho rằng việc các nghiệp đoàn có quá nhiều ảnh hưởng đối với chính sách của Công đảng đã kéo tỷ lệ ủng hộ đảng này xuống. Một số nhân vật cấp cao trong Công đảng đã công khai chỉ trích ông Miliband không đưa ra được những chính sách riêng của đảng này.

Trong khi đó, đảng Dân chủ Tự do (LD), nằm trong liên minh cầm quyền, được dự báo giành được 10% số phiếu, thấp hơn so với 12% của đảng Độc lập Anh (UKIP) có tư tưởng chống Liên minh châu Âu (EU).

Thủ lĩnh LD, Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg, trong tuần này cho biết ông có ý định phá vỡ "khuôn mẫu hai đảng" của nền chính trị Anh và quyết tâm giữ LD trong liên minh cầm quyền, một mục tiêu mà ông có khả năng đạt được nếu Công đảng và đảng Bảo thủ vẫn “ngang tài ngang sức” và không đảng nào giành được đa số cách biệt.

Tỷ lệ ủng hộ cao hơn mà Công đảng có được hiện nay được "tiếp sức" bởi những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế sau một thời kỳ suy thoái kéo dài khiến Anh phải thực hiện những chính sách khắc khổ. Tuy nhiên, trong nội bộ đảng Bảo thủ vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn.

Tháng trước, một số nghị sỹ “nổi loạn” đã làm thất bại chính sách can dự quân sự của đảng Bảo thủ vào Syria và trước đó, trong năm nay, cũng có các “cuộc nổi dậy” chống lại kế hoạch trưng cầu ý kiến về tư cách thành viên EU và các kế hoạch hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục