Anh và Liên minh châu Âu sẽ "chốt hạ" trong vấn đề Brexit?

Theo lời các quan chức cấp cao của châu Âu, họ đang tìm cách ký một thỏa thuận về Brexit vào cuối năm nay để có thể phê chuẩn vào cuối tháng 3/2019, thời điểm Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu.
Anh và Liên minh châu Âu sẽ "chốt hạ" trong vấn đề Brexit? ảnh 1Cờ Anh (phía trên) và cờ EU tại thủ đô London, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nytimes.com (Brussels 15/8), từ khi bắt đầu các cuộc đàm phán về Brexit, các cuộc đàm phán đã đi theo một chiều hướng quá quen thuộc. Châu Âu lên chương trình nghị sự; nước Anh thúc đẩy để châu Âu có những nhượng bộ hoặc đạt được thỏa thuận đặc biệt, trong khi cố gắng thực hiện được điều họ thực sự muốn. Châu Âu nói không và tỏ ra khá cứng rắn.

Nhưng giờ đây, với 85% nội dung của một thỏa thuận đã được hoàn tất và những vấn đề khó khăn nhất đang tồn tại, các quan chức châu Âu lại bày tỏ sự lo ngại rằng Chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May bị chia rẽ và mong manh đến mức có thể sụp đổ, phá tan cơ hội đạt được một thỏa thuận và gây thiệt hại cho nền kinh tế Lục địa Già.

Vì vậy, theo lời các quan chức cấp cao của châu Âu, họ đang tìm cách ký một thỏa thuận về Brexit vào cuối năm nay để có thể phê chuẩn vào cuối tháng 3/2019, thời điểm Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) bất kể có đạt được thỏa thuận hay không.

Như vậy, nước Anh sẽ chính thức "ly hôn" với EU sau hơn 40 năm chung sống. Nhưng một số vấn đề khó khăn nhất sẽ được để lại cho giai đoạn đàm phán "quá độ" dự kiến kéo dài thêm 19 tháng nữa, cho đến cuối năm 2020.

Các vấn đề lớn vẫn đang được giải quyết, trong đó vấn đề biên giới Ireland được đặt lên hàng đầu. Châu Âu cho biết họ có thể đồng ý với cách diễn đạt mơ hồ trong tuyên bố chính trị của thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU - cùng với những dòng "tiến tới đàm phán về quan hệ đối tác thân thiết nhất có thể."

[Vấn đề Brexit: Thủ tướng Anh tiếp tục tin tưởng đạt thỏa thuận với EU]

Mục tiêu là làm giảm những tranh cãi chính trị trong nội bộ nước Anh về việc làm sao để giữ lời hứa không có đường biên giới cứng giữa Ireland, nước vẫn ở trong EU, và Bắc Ireland sẽ rời EU do Brexit.

Tân Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt mới đây đã có chuyến công du Bắc Âu để vận động hành lang cho lập trường của Anh, cảnh báo về một sự hỗn loạn nếu không đạt được thỏa thuận về Brexit, và thúc giục Brussels "thay đổi cách tiếp cận."

Một điểm mấu chốt lớn là làm thế nào để xử lý các tranh cãi giữa Anh và EU, do bà May, bị thúc ép bởi những người ủng hộ tích cực Brexit, không muốn đưa bất cứ vấn đề nào của Anh ra Tòa dân sự tối cao châu Âu một khi nước này rời EU. Nhưng vấn đề hóc búa nhất là bản chất của đường biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland, bởi vì quy chế của đường biên giới này phụ thuộc hoàn toàn vào một số thỏa thuận không chính thức về quan hệ thương mại trong tương lai giữa Anh và EU, hiện vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Tại phiên họp nội các ở Chequers hồi tháng Bảy vừa qua, Thủ tướng May đã ủng hộ khái niệm "khu vực thương mại tự do hàng hóa" - không bao gồm dịch vụ - có thể được thực hiện bởi điều mà bà gọi là một "thỏa thuận thuế quan thuận tiện." Các quan chức châu Âu cho biết tuyên bố Chequers ít nhất đã làm rõ, lần đầu tiên, điều mà nước Anh mong muốn, ngay cả khi họ bác bỏ đề xuất về thuế quan của bà May.

Điều khó chịu, theo các quan chức châu Âu, là các nhà đàm phán của Anh không đề cập "quan hệ đối tác kinh tế" với EU như một phần của thị trường hàng hóa đơn lẻ. Châu Âu đã nói rõ rằng Anh không thể giữ lại những gì họ được hưởng với tư cách một thành viên trong EU mà không thực hiện nghĩa vụ của một quốc gia thành viên, đặc biệt là sự tự do lưu thông hàng hóa cũng như vốn, dịch vụ và nhân công. Anh cũng không thể nằm trong một liên minh hải quan chính thức nếu họ muốn thực hiện các giao dịch kinh doanh riêng, như bà May tiếp tục đòi hỏi.

Theo các quan chức châu Âu, Anh đã không hiểu được rằng chính EU cảm thấy bị đe dọa từ bên ngoài như thế nào kể từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit - bởi những thách thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Nga và Trung Quốc, cũng như sự nổi lên của các nhà lãnh đạo độc tài ở Hungary và Ba Lan và những nhân vật theo chủ nghĩa dân túy nói chung, phần lớn là chống lại Brussels, cũng như các chính trị gia ở Italy.

Do đó, hiện nay các bên thậm chí ít có thiện chí hơn để thỏa hiệp về các nguyên tắc chủ chốt của EU, và một mong muốn, đặc biệt là từ Pháp, làm rõ một nguyên tắc là các quốc gia thành viên có những đặc quyền mà các nước khác không có.

Cũng có một sự chán nản ngày càng gia tăng đối với Anh và bà May, người dường như đang được cho là quá yếu đuối về mặt chính trị nên không thể nói chuyện một cách thẳng thắn với các công dân của mình về ý nghĩa thực sự của Brexit. Vì vậy, châu Âu đang thảo luận một thỏa thuận không rõ ràng về một mối quan hệ trong tương lai, với hy vọng rằng nó sẽ đủ để khiến Anh chấp nhận rằng cần có một thỏa thuận bổ sung để đảm bảo không đường biên giới cứng hoặc biên giới hữu hình ở Ireland.

Các quan chức châu Âu cũng đang tìm kiếm sự thỏa hiệp. Nếu một liên minh thuế quan chính thức là điều không thể thì theo các quan chức châu Âu, một giải pháp có thể là một thỏa thuận tự do thương mại với EU, tương tự như hiệp định giữa Canada và Nhật Bản với EU, nhưng là một thỏa thuận có thể cho phép lưu thông hàng hóa không bị gây trở ngại qua biên giới giữa Anh và Ireland.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng một hiệp định thương mại tự do như vậy sẽ nhanh chóng hoặc dễ dàng đạt được. Thông thường các hiệp định như vậy phải mất nhiều năm đàm phán.

Ngoài ra, còn có thảo luận về việc hạn chế thẩm quyền của Tòa dân sự tối cao châu Âu và các quan chức hải quan EU ở Bắc Ireland như là một phần của thỏa thuận "bổ sung", mà Ireland (với sự ủng hộ của Brussels) đã nhấn mạnh rằng điều này phải được nêu trong hiệp ước về Brexit.

Nếu Anh và Brussels không thể kịp thời nhất trí được về mối quan hệ thương mại trong tương lai, thỏa thuận bổ sung sẽ thiết lập về cơ bản một biên giới giữa toàn bộ Ireland và phần còn lại của Anh, liên quan đến thuế quan, các tiêu chuẩn ban hành văn bản dưới luật và thuế giá trị gia tăng. Do những khó khăn này, một số ý kiến ở Anh dự báo sẽ không đạt được thỏa thuận nào hết. Song các quan chức cấp cao châu Âu cho rằng vẫn có nhiều khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận hơn là không, nếu cả hai bên cùng "biết điều"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục