"Anh Văn và truyền thông" từ năm đầu kháng chiến

Hiểu rõ sức mạnh truyền thông nên ở cương vị lãnh đạo, dù bộn bề công việc Đại tướng vẫn đặc biệt chú ý đến tuyên truyền đối ngoại.
Trong kháng chiến chống Pháp, cơ quan Thông tấn xã Việt Nam mới manh nha, chưa có nhiều bản tin đầy đủ như ngày nay. Nếu như giờ đây, đọc bản tin Thông tấn xã nhiều người phải đọc “chéo,” nghĩa là lướt qua từ đầu trang đến cuối trang, trước khi dừng lại ở những đoạn mình quan tâm thì bấy giờ, ở cơ quan Phòng Bí thư, Văn phòng Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh, chúng tôi phải “săn tin” sốt dẻo qua chiếc đài bán dẫn “Xiung Mao” cổ lỗ sĩ để hàng ngày báo cáo với anh Văn (bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). [Lời hịch của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp] Anh dặn chúng tôi chú ý nghe đài “địch” (tức đài phương Tây, chủ yếu là BBC của Anh, VOA của Mỹ và tất nhiên cả RFI của Pháp) để hiểu “địch” hơn giữa rừng đại ngàn Việt Bắc, dưới bóng những cây cổ thụ ít nhất hàng trăm năm tuổi, nếu không nói là ngàn năm. Bóng cây không những che lấp mặt trời mà còn cách ly chúng tôi với thế giới bên ngoài. Việc theo dõi tin tức quốc tế là công việc thú vị nên tôi đã say sưa, cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. Và có lẽ điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến hướng đi của tôi sau này: lĩnh vực thông tin báo chí. Nói vui, có thể chiếc đài nhỏ xíu, đầy tạp âm nên rất khó nghe những năm đó đã đưa tôi vào nghề sẽ chọn sau này: làm báo. Tôi muốn nói thêm rằng, anh Văn không chỉ là vị Tướng huyền thoại mà còn là nhà lỗi lạc. Anh làm báo rất sớm, từ những ngày còn ở ghế nhà trường Khải Định và trên bục giảng trường Thăng Long. Anh rất hiểu sức mạnh của truyền thông và trên cương vị lãnh đạo của mình, dù công việc bề bộn anh vẫn luôn quan tâm công tác truyền thông, đặc biệt chú ý đến tuyên truyền đối ngoại.
"Anh Văn và truyền thông" từ năm đầu kháng chiến ảnh 1

Từ ngày 12/2 đến ngày 5/3/1972, Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Samdech Norodom Sihanouk và Bà hoàng Norodom Monineath Sihanouk thăm hữu nghị Việt Nam. Trong ảnh: Quốc trưởng Norodom Sihanouk gặp thân mật Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Ngọc Khanh/TTXVN)
Các phóng viên nước ngoài luôn tìm cơ hội gặp gỡ, phỏng vấn anh và thường đặt những câu hỏi “lắt léo.” Cách đây nhiều năm, phóng viên kỳ cựu Pháp Patrice de Beer gặp Đại tướng ở Nhà khách Chính phủ đã hỏi: “Theo Đại tướng, Chủ nghĩa xã hội là gì?” Anh đã trả lời rất bình dị, đại ý: “Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ nghĩa xã hội là cơm no, áo ấm, được học hành, được sống trong hòa bình và hạnh phúc.” Đại tướng đã ra đi. Chúng ta, toàn dân ta tiễn biệt Người với niềm thương yêu vô hạn. Để nhận rõ điều đó, bạn hãy cùng tôi đến trước ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Mấy ngày qua ở đó luôn có những đoàn người lặng lẽ xếp hàng, nước mắt lưng tròng chờ đến lượt vào thắp hương cho vị “khai quốc công thần” gần gũi nhất với Bác Hồ./. Phạm Khắc Lãm (*) (Vietnam+)(*): Nguyên Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, người từng có 7 năm làm việc tại Văn phòng Đại tướng, từ mùa Thu năm 1948 đến mùa Xuân năm 1954.

Tin cùng chuyên mục