Anh-TBN trở nên căng thẳng về vùng lãnh thổ Gibraltar

Quan hệ Anh và Tây Ban Nha căng thẳng về Gibraltar

Quan hệ giữa Anh và Tây Ban Nha gần đây trở nên căng thẳng khi quanh việc Tây Ban Nha thu phí qua biên giới với dân Gibraltar thuộc Anh.
Giới chức Anh ngày 9/8 cho biết ba tàu chiến của nước này, trong đó có tàu khu trục HMS Westminster, sẽ thăm Gibraltar vào cuối tháng này, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao đang gia tăng giữa Anh và Tây Ban Nha sau khi Madrid thông báo kế hoạch áp dụng thu phí 50 euro đối với những người đi lại qua biên giới với Gibralta - vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Tây Ban Nha, sau đó do Anh kiểm soát từ năm 1713.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh (MoD) khẳng định việc ba tàu chiến của nước này thăm Gibraltar là nằm trong kế hoạch từ lâu của lực lượng phản ứng nhanh thuộc Hải quân Hoàng gia. Theo MoD, Gibraltar là một căn cứ chiến lược của Anh và việc các tàu chiến của Hải quân Hoàng gia tới thăm vùng biển Gibraltar trong năm là một phần trong các hoạt động triển khai thường lệ.

Căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Tây Ban Nha leo thang sau khi cuối tháng trước, các nhà chức trách Tây Ban Nha đã tăng cường kiểm tra người và phương tiện qua lại biên giới giữa Tây Ban Nha và Gibralta khiến giao thông bị tắc nghẽn gần 6 giờ, làm ảnh hưởng đến hàng nghìn người dân thường xuyên đi lại qua đây.

Hơn nữa, trong trả lời phỏng vấn báo ABC của Tây Ban Nha số ra ngày 4/8, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Manuel Garcia-Margallo cho biết nước này đang xem xét khả năng áp dụng thu phí 50 euro đối với những người đi lại qua biên giới với Gibralta.

Trong khi đó, Tây Ban Nha cáo buộc việc Gibranta đặt các khối bê tông để tạo các vỉa đá ngầm nhân tạo trong lãnh hải của Gibranta làm ảnh hưởng đến các ngư trường của nước này.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm 7/8 vừa qua, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng tình hình ở biên giới Tây Ban Nha-Gibraltar là "không thể chấp nhận được."

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, ông Rajoy đã đồng ý giảm bớt các biện pháp kiểm tra ở biên giới dẫn tới tình trạng tác nghẽn kéo dài. Tuy nhiên, tuyên bố của Chính phủ Tây Ban Nha không đề cập gì đến bất cứ sự nhượng bộ nào như vậy và vẫn khẳng định rằng các thủ tục mà nước này thực hiện là phù hợp.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã lên tiếng cảnh báo Tây Ban Nha phải "tuân thủ đầy đủ quy định của Liên minh châu Âu (EU) và đảm bảo sự cân xứng" khi tiến hành kiểm tra người và phương tiện qua lại biên giới với Gibraltar. EC cho biết Gibralta không thuộc khu vực miễn thị thực Schengen, do đó Tây Ban Nha "có nghĩa vụ tiến hành kiểm tra người và hàng hóa," tuy nhiên việc này phải tuân thủ các quy định của EU.

Ngoài ra, EC cũng đề xuất tổ chức một "cuộc họp kỹ thuật" với nhà chức trách Tây Ban Nha về việc kiểm tra ở biên giới vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới đây.

Gibralta có diện tích 6,8km2, với khoảng 30.000 dân, nằm án ngữ ngay lối vào Địa Trung Hải duy nhất từ Đại Tây Dương. Tuy Anh và Tây Ban Nha đã có thỏa thuận chia sẻ chủ quyền vùng đất này, thêm vào đó người dân Gibranta cũng phản đối việc Gibranta trở về Tây Ban Nha trong hai cuộc trưng cầu ý dân năm 1967 và 2002, nhưng Tây Ban Nha được cho là vẫn gây áp lực để kiểm soát vùng lãnh thổ này./.

Huy Hiệp/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục