Anticor muốn xác minh kê khai tài sản của ứng cử viên Macron

Anticor kiến nghị Cơ quan cấp cao Minh bạch về đời sống công, yêu cầu xác minh việc kê khai tài sản của ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron do "thiếu nhất quán" kê khai tài sản.
Anticor muốn xác minh kê khai tài sản của ứng cử viên Macron ảnh 1Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc vận động tranh cử ở Lille ngày 14/3. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Pháp ngày 16/3 cho biết, Hiệp hội chống tham nhũng Pháp (Anticor) đã kiến nghị lên Cơ quan cấp cao Minh bạch về đời sống công (HATVP), yêu cầu xác minh việc kê khai tài sản của ứng cử viên tổng thống Emmanuel Macron do có sự "thiếu nhất quán" giữa thu nhập thực tế và giá trị tài sản kê khai của ứng cử viên này.

Thông cáo của Anticor cho biết, trong kê khai tài sản vào tháng 10/2014, ông Macron khai báo có tổng thu nhập 3,3 triệu euro trước thuế trong khoảng thời gian từ 2009-2014; trong đó 2,8 triệu euro từ 2009 đến tháng 5/2012 với tư cách lãnh đạo ngân hàng Rothschild và phần còn lại là trong thời gian ông đảm nhiệm cương vị Phó Tổng Thư ký Văn phòng Tổng thống Pháp trước khi trở thành Bộ trưởng Kinh tế trong Chính phủ của Thủ tướng Manuel Valls vào tháng 8/2014.

Theo Anticor, trong khai báo tài sản để đăng ký tham gia tranh cử tổng thống, ứng cử viên Macron thông báo tổng tài sản chỉ là 1,2 triệu euro; trong đó có khoản nợ 1 triệu euro. Như vậy là tài sản ròng của ông chỉ còn lại 200.000 euro.

Anticor cho rằng sự khác biệt quá lớn trong hai bản kê khai này khiến dư luận đặt câu hỏi.

Trả lời phỏng vấn tờ La Croix, ứng cử viên Macron giải thích sở dĩ có sự khác biệt trên là do trước đây, khi còn làm trong ngân hàng, ông phải tự chủ các khoản chi.

Một phần quan trọng thu nhập của ông được dành để trả các khoản phí đóng góp của ngân hàng, phí tiền lương và thuế thu nhập. Những khoản đóng góp này ngày càng tăng khiến thu nhập thực tế của ông giảm mạnh và ông không kiếm đủ để trả tiền thuế.

Ông cũng cho biết là khi về làm việc tại Phủ Tổng thống, ông đã chấp nhận mức thu nhập giảm 15 lần.

Trong các năm 2011-2012, ông cũng đã chi nhiều tiền để sửa ngôi nhà đang ở cùng vợ khiến số tiền còn lại rất ít.

Phản ứng sau các thông tin này, Chủ tịch Hiệp hội Anticor Jean-Christophe Picard cho rằng ứng cử viên Macron cần có cơ sở để chứng minh cho lời giải thích này của mình.

Vụ việc kê khai tài sản cùng quyết định mở cuộc điều tra sơ bộ ngày 13/3 vừa qua của Cơ quan Công tố Paris với tội danh "thiên vị," liên quan đến một chuyến công du của ứng cử viên Macron, với tư cách là Bộ trưởng Kinh tế tại Triển lãm Hàng điện tử tiêu dùng được tổ chức tháng 1/2016 ở Las Vegas của Mỹ đang ít nhiều ảnh hưởng đến ứng cử viên Macron. Mặc dù vậy, uy tín của ứng cử viên phong trào "Tiến bước" vẫn tiếp tục tăng.

Theo kết quả một cuộc thăm dò do Hãng Elabe tiến hành cho Kênh BFMTV ngày 15/3, 29% số người được hỏi cho rằng chương trình tranh cử của ứng cử viên Macron được đánh giá là tốt nhất.

Trong khi tỷ lệ này là 22% và 18% đối với các ứng cử viên Marine Le Pen và Francois Fillon.

Các tỷ lệ tương ứng đối với các ứng cử viên Benoit Hamon và Jean-Luc Melanchon là 15% và 13%.

Cũng trong ngày 15/3, một cuộc thăm dò khác do Hãng IFOP-Fiducial tiến hành cho Tạp chí Paris Match, Kênh truyền hình CNews và Đài Radio Sud, bà Marine Le Pen - Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) - tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ là 26,5%.

Ứng cử viên Emmanuel Macron vững vàng ở vị trí thứ hai (25,5%) và đang nới rộng khoảng cách so với người đứng thứ ba là ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon (18,5%).

Theo thăm dò, chỉ có 50% số người được hỏi khẳng định chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông Macron, 50% còn lại trả lời là vẫn có thể thay đổi lựa chọn của mình.

Giới phân tích cho rằng, điều này có thể do ứng cử viên Macron không có một đảng hậu thuẫn phía sau mà chỉ có một phong trào (phong trào Tiến bước)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục