ANZ với chiến lược mở rộng hoạt động tại châu Á

Ngân hàng ANZ cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động tại châu Á nhằm tăng phần đóng góp của khu vực này vào lợi nhuận của ngân hàng.
Ngân hàng ANZ, nhà cho vay lớn thứ tư Australia, cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động tại châu Á nhằm tăng phần đóng góp của khu vực này vào lợi nhuận của ngân hàng, đồng thời nắm bắt các cơ hội trong bối cảnh thị trường toàn cầu không chắc chắn.

Ban lãnh đạo của ANZ muốn đưa ngân hàng này trở thành một nhà cho vay tầm cỡ khu vực ở châu Á, cùng với ngân hàng HSBC và Standard Chartered.

ANZ đặt chỉ tiêu tăng gấp đôi lợi nhuận thu được từ các hoạt động kinh doanh không phải tại Australia và New Zealand lên khoảng 25-30% vào năm 2017, tăng 14% so với năm 2010.

Đây là bước mở rộng thứ hai của ANZ tại châu Á sau lần mở rộng đầu tiên vào năm 2007 với mục tiêu đẩy doanh thu từ thị trường châu Á chiếm 20% lợi nhuận vào năm 2012 trong bối cảnh sức tăng trưởng và các cơ hội tại thị trường chủ chốt Australia đã giảm xuống.

Trưởng bộ phận nghiên cứu của ATI, Công ty quản lý tài sản có cổ phần tại ANZ, ông David Liu cho biết, kế hoạch trên phù hợp với chiến lược hiện nay của ANZ và củng cố lòng tin tại khu vực.

Giám đốc điều hành của ANZ, người từng đứng đầu văn phòng của ngân hàng HSBC tại châu Á và là kiến trúc sư trưởng của kế hoạch mở rộng hoạt động của ANZ tại châu Á, ông Michael Smith nhấn mạnh, ngân hàng này sẽ áp dụng chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) một cách thận trọng và tận dụng mọi cơ hội. Theo ông, các nhà cho vay phương Tây sẽ phải bán bớt tài sản tại châu Á và đó chính là cơ hội của ANZ.

ANZ đang tập trung vào các dòng thương mại đang gia tăng ở châu Á, khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và nhắm vào các thị trường vốn vay mượn, tập đoàn cho vay, phòng hộ, gây quỹ thương mại hàng hoá và nông nghiệp. Nhưng sự phát triển mạnh của châu Á cũng có nghĩa là các nhà cho vay cũng gia tăng sự tập trung vào khu vực này nhằm tăng cường bảo vệ thị phần của mình. Điều này có nghĩa là các cơ hội mua lại ít và khó khăn hơn.

Hiện ANZ là nhà cho vay lớn thứ tư khu vực châu Á, sau các ngân hàng HSBC, Standard Chartered và Citigroup, nhưng phần lợi nhuận từ châu Á chỉ chiếm 10% tổng lợi nhuận và ngân hàng này vẫn dựa vào thị trường Australia (chiếm gần 34% tổng lợi nhuận). Trong khi lợi nhuận từ thị trường châu Á của Standard Chartered chiếm 4/5 tổng lợi nhuận, còn hơn một nửa lợi nhuận của HSBC là từ thị trường này.

Các nhà phân tích cho rằng, ANZ cần một thương vụ mua lại lớn hoặc một số thoả thuận nhỏ hơn để tăng cường hình ảnh của ngân hàng này tại châu Á. Nhưng giá trị tài sản cao cộng với việc các đối thủ đang tập trung sự chú ý vào châu Á tạo ra tình trạng khan hiếm các thương vụ.

Thời gian qua, ANZ đã đầu tư vào các hoạt động kinh doanh của mình tại châu Á, thiết lập chi nhánh tại các khu vực kinh doanh sôi động trêb khắp khu vực này để thúc đẩy thương hiệu.

ANZ đã đầu tư để duy trì cổ phần của mình tại các ngân hàng của Trung Quốc, đồng thời phê chuẩn việc mở chi nhánh tại Ấn Độ, hai nên kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Năm ngoái, ANZ đã thất bại vào phút chót trong thương vụ mua lại Ngân hàng Trao đổi Hàn Quốc (KEB) với giá 4 tỷ USD. Trong ba năm qua, ANZ đã cố gắng mua lại một số tài sản của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS) tại châu Á với giá 550 triệu USD.

Hiện Standard Chartered và HSBC đã cảm nhận được sự cạnh tranh từ phía ANZ. Hai ngân hàng này cho biết, họ phải đối mặt với việc thu hút và duy trì đội ngũ nhân viên tại các thị trường “nóng” ở châu Á, với việc các ngân hàng địa phương ngày càng trở nên quyết đoán, trong khi các ngân hàng quốc tế như ANZ đã "nhảy" vào cuộc chiến này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục