Áp dụng công nghệ vào giáo dục: Từ kinh nghiệm của Singapore

Bộ Giáo dục Singapore cho rằng sử dụng sách giáo khoa điện tử tạo ra “khả năng học tập hữu ích hơn sách in,” do học sinh ngày nay có nhiều hiểu biết về công nghệ.
Áp dụng công nghệ vào giáo dục: Từ kinh nghiệm của Singapore ảnh 1Một giờ học tại trường nữ sinh Crescent Girls’ School. (Nguồn: crescent.edu.sg)

Đầu tư vào công nghệ giáo dục là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển quốc gia của Singapore trong hai thập kỷ gần đây và được nhiều chuyên gia xem đây là lý do khiến Đảo quốc Sư tử gặt hái nhiều thành công trong các kỳ thi quốc tế.

Ngay từ cuối thập niên 1990, Bộ Giáo dục Singapore (MOE) đã công bố kế hoạch tổng thể về áp dụng công nghệ trong giáo dục, gồm ba bước.

Giai đoạn đầu tiên nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ và đưa máy tính vào trường học. Ở giai đoạn hai và ba những năm 2000, MOE tập trung đào tạo giáo viên cách sử dụng công nghệ và lựa chọn một số trường để thí điểm dự án FutureSchools, áp dụng công nghệ trong dạy và học.

Vài năm qua, MOE đã thăm dò khả năng sử dụng sách giáo khoa điện tử, cho rằng nó tạo ra “khả năng học tập hữu ích hơn sách in,” do học sinh ngày nay có nhiều hiểu biết về công nghệ cũng như dễ dàng tiếp cận thông tin trực tuyến.

Hiện loại sách giáo khoa điện tử được thí điểm ở Singapore là amBook. Đây là một ứng dụng có tính tương tác, hợp nhất văn bản (bao gồm câu hỏi tương tác), video, hình họa và các đường link kết nối Internet trên cùng một trang, cung cấp cho học sinh nội dung đầy đủ và sinh động về chủ đề cần học.

Ambook được xem là sách giáo khoa điện tử thế hệ mới so với những loại sách giáo khoa điện tử vốn chỉ là bản sao mềm của sách giáo khoa truyền thống.

Đến nay, đã có hàng nghìn học sinh và giáo viên tại Singapore sử dụng ứng dụng amBook trong việc dạy và học các môn Toán, Địa lý và Khoa học cấp trung học.

MOE cũng phát triển nhiều dự án khác để đưa công nghệ vào trường học. Chẳng hạn như không gian ảo do nhà nghiên cứu Kenneth Lim thuộc Viện Giáo dục Singapore (NIE) thiết kế. Theo đó, môi trường học tập ảo này có thể áp dụng cho bất kì bài giảng nào mà giáo viên muốn.

Chương trình được thiết kế giống như thế giới này là không hoàn thiện và học sinh được tự do “điền vào chỗ trống.”

Áp dụng công nghệ vào giáo dục: Từ kinh nghiệm của Singapore ảnh 2Thiết bị điện tử trong trường học là phương tiện gắn kết học sinh cùng nhau học tập tại Singapore. (Nguồn: crescent.edu.sg)

Singapore giờ đây tìm cách vượt qua văn hóa kiểm tra vốn gây áp lực lớn cũng như trình trạng học gạo phổ biến ở nước này và nhiều quốc gia châu Á khác.

Nhà chức trách muốn tập trung phát triển các kỹ năng mềm, như hợp tác và lòng tin, cho thế hệ tương lai. Và công nghệ, giống như chương trình ảo của Kenneth Lim, là một cách để các em học sinh rèn luyện tư duy mà không quá phải bận tâm chuyện sai đúng.

MOE không hề gây áp lực cho các trường phải áp dụng công nghệ vào bất kỳ môn học cụ thể nào. Thay vào đó, họ khuyến khích các trường tự do lựa chọn, song phải “thông minh, sáng suốt.” Đây là cách tiếp cận cẩn trọng trong việc đưa thiết bị điện tử vào lớp học tại Singapore.

Phó Giáo sư Pak Tee Ng, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu chính sách NIE, cho rằng Singapore tin tưởng vào việc áp dụng công nghệ trong giáo dục, song công nghệ chỉ là công cụ chứ không phải mục đích. Thay vào đó, họ quan tâm hơn đến việc công nghệ có thể thay đổi tư duy học tập và bồi dưỡng năng lực cho học sinh.

Thiết bị điện tử trong trường học phải là phương tiện gắn kết học sinh cùng nhau học tập, thay vì biến mỗi em thành một “ốc đảo.” Chính vì thế, vai trò của giáo viên trong thời đại công nghệ hiện nay có ý nghĩa quan trọng. Giáo viên có thể giúp sinh viên tiếp nhận một khối lượng lớn thông tin và phân loại thông tin hữu ích, từ đó thu nhận những hiểu biết thực sự.

Theo phó Giáo sư Pak Tee Ng, một trong những tác động chính của công nghệ tại Singapore là sự thay đổi tư duy của các nhà giáo dục. Thay vì dựa vào các bài giảng truyền thống, giờ đây Singapore thử nghiệm nhiều hơn với các cách tiếp cận môđun, lớp học “vui vẻ” và nội dung học tập vượt ngoài biên giới Singapore.

Song, cùng với việc khuyến khích thử nghiệm công nghệ, Singapore cần tiếp tục duy trì cách tiếp cận cân bằng hiện nay, không chỉ chú ý đến công cụ (công nghệ) mà còn là chuyện xây dựng năng lực trong bối cảnh môi trường thay đổi.

Ông Pak Tee Ng khẳng định áp dụng công nghệ và thay đổi nội dung giảng dạy cần phải được thúc đẩy song song nhằm đạt được hiệu quả cao nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục