Áp lực điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách vì nhiều yếu tố bất lợi?

Giá dầu thô thế giới giảm mạnh, các nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trở nên khó khăn đã khiến các kế hoạch thu ngân sách buộc phải có sự điều chỉnh về thu nội địa.
Áp lực điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách vì nhiều yếu tố bất lợi? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Giá dầu thô thế giới giảm mạnh kể từ cuối năm 2014 trở lại đây, thêm vào đó là các nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng trở nên khó khăn, điều này đã khiến các kế hoạch thu ngân sách buộc phải có sự điều chỉnh.

Hướng về nội địa

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) cho biết, tỷ lệ thu nội địa dự toán tăng nhanh trong hai năm gần đây, từ mức 70 % (năm 2015) lên 77,4% và 81,7% (năm 2016 và năm 2017).

Theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý 1 từ VERP, một số khoản thu nhỏ trước đây đã được điều chỉnh tăng khá mạnh, bao gồm thu từ phí và lệ phí (trước bạ tăng từ 1,7% lên 2,2%), thuế bảo vệ môi trường (1,4% lên 3,7%), thu từ nhà đất (tiền sử dụng đất tăng từ 4,3% lên 5,3%).

Quay lại, con số dự toán thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu lại có sự sụt giảm rõ rệt.

Cụ thể, dự toán thu ngân sách từ dầu thô (năm 2017) là  38.300 tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng thu song thực tế giảm từ mức 10,2% (năm 2015) và 5,4% (năm 2016).

Trong khi, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không có sự thay đổi về giá trị tuyệt đối (175.000 -180.000 tỷ đồng), điều này làm giảm đáng kể về tỷ trọng trong tổng thu dự toán.

Ông Thành chỉ ra, tổng thu ngân sách quý 1 ước đạt 280.900 tỷ đồng (23,2% dự toán), các nguồn thu có tỷ trọng lớn đó là tiền sử dụng đất đạt tới 22.600 tỷ đồng (chiếm 35,5% dự toán năm), thuế thu nhập cá nhân  24.600 tỷ đồng (30,3% dự toán), dầu thô 11.100 tỷ đồng (28,9% dự toán).

Một điểm đáng lưu ý được ông Thành nhấn mạnh, nguồn thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết trong quý đã đạt con số rất lớn 10.000 tỷ đồng (41,5% dự toán).

“Nặng” chi thường xuyên

Tại Báo cáo, tổng chi ngân sách của quý ước đạt 284.960 tỷ đồng (16,5% dự toán). Trong đó, chi thường xuyên 211.200 tỷ đồng (23,6% dự toán) và chiếm 74,1% tổng chi ngân sách.

Điều này khiến chi dành cho đầu tư phát triển tiếp tục giữ ở mức khá thấp, ước tính ở mức 44.200 tỷ đổng (12,4% dự toán).

Tại sao có tình trạng trên, theo ông Thành, quá trình phân bổ dự toán chi tiêu đầu tư công tại cái địa phương còn chậm và đây là nguyên nhân chính khiến tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội trong quý chỉ đạt mức thấp.

Cụ thể, tổng đầu tư toàn tế ước đạt 297.800 tỷ đồng (bằng 108,8% cùng kỳ) và thấp hơn mức 109,7% (năm 2015) và 110,7% (năm 2016).

Điểm sáng xuất phát từ khu vực kinh tế tư nhân, với khối lượng vốn 117.400 tý̉ đồng (116,8% cùng kỳ). Ngược lại, cả khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu suy yếu. Vốn đầu tư khu vực nhà nước tăng danh nghĩa 3,2% so với quý 1/2015, sau khi tăng trưởng nhanh trong năm 2016 và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp chỉ tăng 5,5%/năm và đạt 80.500 tỷ đồng.

Áp lực điều chỉnh kế hoạch thu ngân sách vì nhiều yếu tố bất lợi? ảnh 2

Giai đoạn “gập gềnh”

Đánh giá bức tranh chung, mặc dù kinh tế thế giới đang có sự phục hồi với sự cải thiện rõ nét về tăng trưởng của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, tuy nhiên ông Thành rất quan ngại về những bất chắc trong các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thêm vào đó, sự thắng thế của phe bảo hộ thị trường tại châu Âu có thể tạo ra những khó khăn mới cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Theo công bố số liệu từ Tổng cục Thống kê, hầu hết các ngành công nghiệp bắt đầu suy giảm và  khiến cho mức tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng, giá trị tăng trưởng đang phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và nằm ở một số tập đoàn lớn như Samsung.

Ông Thành lo ngại, “một khuynh hướng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế vào một số ít tập đoàn đa quốc gia và ngành hàng chính. Trong khi đó, ngành công nghiệp trong đang kém đi về sức cạnh tranh và ngày càng thu hẹp, ​cảnh báo sự thất bại trong hội nhập vào thị trường thế giới”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục