Áp lực ngân sách đè nặng lên các nước tài trợ

Kế hoạch viện trợ các nước nghèo của WB hiện gặp nhiều khó khăn bởi ngay chính các nước giàu cũng đang chịu sức ép về tài chính.
Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cần phải sáng tạo trong việc huy động nguồn quỹ để giúp đỡ các nước nghèo nhất. Tuy nhiên, các kế hoạch tài trợ của WB đang đứng trước những khó khăn, bởi ngay cả những quốc gia giàu cũng đang gặp khó khăn về tài chính.

Năm 2007, WB đã huy động 42 tỷ USD cho Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), quỹ lớn nhất thế giới dành cho người nghèo của WB.

Để nỗ lực đạt được con số này trong năm 2010, thể chế tài chính đa phương toàn cầu này đang thâm nhập nguồn quỹ lớn hơn từ các những thị trường đang nổi, đồng thời cam kết giám sát chặt chẽ hơn vấn đề sử dụng nguồn tiền này và sẵn sàng cho phép những nước căng thẳng về tài chính đóng góp từng phần.

Ông Whitney Debevoise, cựu Giám đốc điều hành WB tại Mỹ và hiện công tác tại Hãng luật Arnold & Porter LLP có trụ sở tại Washington, nhận xét: "Tôi nghĩ rằng huy động được khoản tiền tương tự như năm 2007 sẽ là một nhiệm vụ hết sức khó khăn đối với WB, vì bản thân các nước tài trợ hiện nay cũng đang đối mặt với áp lực tài chính."

Giữa lúc các nhà tài trợ của IDA nhóm họp tại thủ đô Bamako (Mali) ngày 16/6, như một phần trong kế hoạch huy động quỹ ba năm một lần, số nước tài trợ đã tăng lên khoảng 50 so với 45 nước cuộc họp trước, khi Trung Quốc lần đầu tiên tham gia vào nỗ lực này của WB. Chile, Argentina và Peru cũng nằm trong danh sách các quốc gia tài trợ mới.

Các nước cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc "hiến quỹ" để giúp các nước nghèo đang trỗi dậy từ xung đột; giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và hỗ trợ các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các nước đang phát triển cũng thúc đẩy thành lập một cơ chế lâu dài thuộc khuôn khổ IDA nhằm trợ giúp các nước nghèo đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Nhưng ngay cả những mục tiêu "cao quý" nói trên cũng có thể chịu thua trước các nhu cầu ngân sách nội địa tại các nước tài trợ. Hầu hết các nhà tài trợ lớn nhất trên thế giới hiện đang chịu sức ép lớn về cắt giảm chi tiêu ngân sách, với cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp đang nhắc nhở về nguy cơ các nước khó thể tiếp tục cung cấp viện trợ.

Các cuộc thương lượng cuối cùng gần đây của IDA đã chứng kiến Anh vượt qua Mỹ trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho quỹ này. Trong khi tân chính phủ của Anh cam kết tiến hành bước "thay đổi cơ bản" trong chính sách tài trợ, chính sách này hiện không có vẻ gì cho thấy Anh giảm viện trợ nước ngoài.

Đây cũng là các cuộc đàm phán đầu tiên của IDA với chính quyền Obama, hiện đề nghị giảm 5% chi tiêu ngân sách trong nhiều bộ, ngành.

Tuyên bố chung mà các bộ trưởng tài chính nhóm G-20 đưa ra sau cuộc họp hôm 5/6 tại Hàn Quốc đã cam kết thúc đẩy một vòng đàm phán đầy tham vọng về vấn đề đóng góp tài chính cho IDA.

Tại một cuộc họp cuối tuần qua ở Canada, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20, các nước nhóm G8 đã cam kết dành tổng cộng 5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới nhằm giúp giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh ở các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, Tuyên bố chung được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh G-20 lại cho hay các nền kinh tế tiên tiến đã cam kết giảm một nửa thâm hụt ngân sách vào năm 2013 và ổn định hoặc giảm tỷ nợ công trên GDP vào năm 2016.

Như vậy, triển vọng viện trợ tài chính cho các nước nghèo đang trong giai đoạn bị đe dọa.

Ông Alex van Trotsenburg, nhà đàm phán trưởng của IDA, cho biết các nước tài trợ thừa nhận rằng việc giảm viện trợ sẽ hủy hoại các tiến bộ đạt được trong hàng thập kỷ qua tại các nước đang phát triển, nhưng cơ quan của ông cũng hiểu rằng các nhà tài trợ đang chịu các áp lực.

Trong khi các cuộc họp của những quốc gia tài trợ đến nay đều có tính xây dựng, ông Trotsenburg cho rằng WB cần phải làm việc với các nước để tìm ra một "công thức thuyết phục," đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên.

Theo quan chức này, có ý kiến cho rằng nên cho phép các nước giải ngân từng phần các khoản viện trợ trong một thời gian dài hơn. Trong khi đó, ông Debevoise nhận định những nhà tài trợ phương Tây đang đối mặt với các áp lực ngân sách ở trong nước sẽ đòi giám sát tốt hơn để đảm bảo các kết quả viện trợ tốt nhất.

Trung Quốc, một nền kinh tế đang nổi chủ chốt của thế giới, có thể được đề nghị đóng góp nhiều hơn. Nước này đã cấp khoản viện 30 triệu USD trong năm 2007, một con số khá lớn với một nước vẫn đang phải đối mặt với vấn đề nghèo đói nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đóng góp 100 triệu USD của Brazil.

WB có thể có thêm chút ít tác dụng đòn bẩy đối với Trung Quốc, nước hiện có quyền bỏ phiếu đã gia tăng trong thể chế cho vay toàn cầu này.

Một số chuyên gia khác cho rằng WB nên xem xét các biện pháp để huy động được nhiều. Ben Leo, một chuyên gia châu Phi hiện làm việc tại Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Washington, đã đề xuất các bước thay đổi mà ông tin là có thể huy động thêm 7,5 tỷ USD cho các nước nghèo, trong đó 5,5 tỷ USD dành cho châu Phi.

Ông Leo đề nghị Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD), một quỹ của các nước giàu hơn, cấp tín dụng cho những nước khá giả hơn thuộc khuôn khổ IDA, chẳng hạn như Ấn Độ và Việt Nam. IDA sẽ trả lãi cho IBRD, nhằm đảm bảo các nguồn vay.

Ông Leo nói: "Cách làm này sẽ tăng đáng kể các nguồn quỹ cho những nước nghèo nhất trong khi vẫn đảm bảo được rằng các nước khá hơn thuộc khuôn khổ IDA vẫn nhận đủ viện trợ từ WB theo đúng nghĩa."

Mặc dù nền kinh tế đang phát triển bùng nổ, nhưng Ấn Độ tiếp tục được xét là đủ tiêu chuẩn để nhận viện trợ từ IDA vì nước này có số dân khá lớn thuộc diện nghèo.

Chuyên gia Debevoise lưu ý rằng nếu các nhà tài trợ cần có thêm động lực để mở hầu bao, họ nên nhớ một điều rằng hạn chót để đạt các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vào năm 2015 đang trôi đi rất nhanh./.

Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục