Áp lực tăng trưởng kinh tế ngày càng đè nặng lên Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng và giảm rủi ro được đặt ra do tác dụng quá mức của các biện pháp thúc đẩy kinh tế.
Áp lực tăng trưởng kinh tế ngày càng đè nặng lên Trung Quốc ảnh 1Đồng 100 nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo atimes.com, trong một sự thay đổi so với những tuyên bố trước đây, Bộ Chính trị - cơ quan đưa ra quyết định hàng đầu của Đảng cộng sản Trung Quốc - ngày 31/10 cho biết chính phủ Trung Quốc cần có những bước đi để thúc đẩy nền kinh tế vốn đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng.

Tân Hoa Xã - Hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc- dẫn nguồn tin từ cuộc họp Bộ Chính trị do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì tuyên bố: “Trung Quốc nên chú trọng đến tình hình hiện tại và chủ động hơn trong việc đưa ra những biện pháp đối phó với vấn đề này.” 

Cuộc họp của Bộ Chính trị trùng với thời điểm công bố số liệu sản xuất đáng thất vọng, cho thấy tăng trưởng trong các ngành đạt tỷ lệ thấp nhất trong hơn hai năm qua, không như dự báo của các nhà kinh tế.

Cuộc họp cũng diễn ra trong bối cảnh có những thông tin cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị áp đặt mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc trong vài tháng tới.

Trong tuyên bố sau cuộc họp, các nhà hoạch định chính sách viện dẫn những thay đổi “sâu sắc” trong môi trường bên ngoài.

Sự thừa nhận về những cơn gió ngược mà nền kinh tế đang phải đối mặt đi ngược lại một tuyên bố hồi tháng trước rằng đã xuất hiện những thay đổi “đáng lưu ý” trong môi trường bên ngoài.

Tuyên bố nêu rõ: “Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao, thực thi chính sách tài chính chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng, và hướng tới sự ổn định việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước và sự hy vọng để đương đầu với sự thay đổi của môi trường bên ngoài và đảm bảo sự phát triển kinh tế một cách ổn định.”

Cùng với những nhận xét tái khẳng định cam kết nỗ lực cải cách nhằm tái cấu trúc nền kinh tế, ít nhấn mạnh đến tăng trưởng nhanh và giải quyết các khoản nợ quá mức, ngôn từ cho thấy rằng các nhà lãnh đạo đang tiếp tục tìm cách cân bằng giữa tăng trưởng và giảm rủi ro được đặt ra do tác dụng quá mức của các biện pháp thúc đẩy kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách đã sẵn sàng đưa ra các biện pháp kích thích tăng trưởng trong năm nay, bao gồm cắt giảm thuế, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và cải cách văn bản dưới luật, tuy nhiên những nỗ lực vẫn thua xa so với thời điểm tăng trưởng chậm trước đó.

Trong lúc này, bất chấp cam kết đổi mới để hỗ trợ nền kinh tế, chưa rõ Bắc Kinh sẽ trượt khỏi con đường cải cách hiện nay bao xa, con đường vốn được Phó Thủ tướng Lưu Hạc - quan chức chính sách kinh tế hàng đầu chính phủ - ủng hộ.

[Trung Quốc thừa nhận kinh tế sụt giảm vì cuộc chiến thương mại với Mỹ]

Ông Lưu được coi là nhân tố chủ chốt ủng hộ các chính sách cắt giảm chi tiêu, và ông đã được bầu vào Bộ Chính trị và đề cử làm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế hồi năm ngoái.

Cuộc họp ngày 31/10 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết những khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt, cũng như thúc đẩy “sự phát triển thịnh vượng và dài hạn” của thị trường vốn.

Áp lực tăng trưởng kinh tế ngày càng đè nặng lên Trung Quốc ảnh 2Vận chuyển hàng hóa tại Liên Vận Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà hoạch định chính sách “sẽ thúc đẩy việc sử dụng tích cực và hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc,” tuyên bố bổ sung.

Theo BBC, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết đã thành lập một “nhóm nghiên cứu” về trí tuệ nhân tạo.

Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc phải thúc đẩy sự “phát triển lành mạnh” của công nghệ trí tuệ nhân tạo của riêng mình nhằm đảm bảo cho tương lai của Trung Quốc trong cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ tới đây.

Điều này cho thấy tham vọng thống trị về công nghệ của Trung Quốc bất chấp Mỹ cảnh báo nước này “đánh cắp” và “thực hành không công bằng” liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Trong khi các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động đúng thời điểm để thúc đẩy nền kinh tế, những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa có thể được đưa ra tại Hội nghị kinh tế trung ương - hội nghị thường niên diễn ra trong nhiều ngày và thường được tổ chức định kỳ vào tháng 12.

Sự kiện này lên chương trình nghị sự cho chính sách kinh tế và sẽ diễn ra sau cuộc gặp đã được lên kế hoạch giữa Tập Cận Bình với Donald Trump vào cuối tháng này, trong bối cảnh nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Hồi đầu tuần, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nếu hội đàm Trump-Tập thất bại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục