"Gánh nặng" cho ngân sách

Áp lương tối thiểu vào Luật lao động, dễ hay khó?

Bài toán tinh giản biên chế bộ máy hành chính lại được đặt ra, trong khi đang có nhiều ý kiến ủng hộ áp mức sống tối thiểu vào luật.
Cần chọn lọc, tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước để có thể đủ nguồn ngân sách mỗi lần tăng mức lương tối thiểu trong khu vực nhà nước.

Đó là ý kiến mà ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đưa ra tại Hội thảo diễn ra ngày 12/4 về mức sống tối thiểu và những vấn đề đặt ra với việc xác định mức lương tối thiểu, lương đủ sống cho người lao động.

[Đề xuất tăng lương gần với mức sống tối thiểu hơn]

Bộ máy kém hiệu quả

Tăng mức lương tối thiểu trong khu vực nhà nước luôn trở thành "gánh nặng" đối với ngân sách nhà nước. Vì vậy, mức tăng lương trong khu vực nhà nước hiện nay không cao và lương trong khu vực nhà nước mới chỉ bằng 70% lương khu vực doanh nghiệp.

Tại cuộc hội thảo do Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội tổ chức, ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá: “Tiền lương khu vực công căn cứ vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, năng suất lao động trong khu vực công còn thấp. Giải pháp nâng cao thu nhập khu vực công là phải tăng năng suất lao động và cải cách, tổ chức lại bộ máy hành chính.”

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng nguyên nhân cơ bản khiến mỗi lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu khu vực hành chính sự nghiệp gặp nhiều khó khăn là do bộ máy hành chính cồng kềnh, năng suất lao động thấp nên chưa thể có đủ nguồn. Bài toán cực kỳ khó khăn đặt ra hiện nay là phải tinh giản bộ máy biên chế thật gọn nhẹ với năng suất lao động cao.

“Bộ máy hành chính hiện nay quá cồng kềnh, biên chế quá lớn trong khi năng suất lao động thấp thì làm sao có thể cân đối ngân sách để điều chỉnh tiền lương tối thiểu. Cốt lõi là phải nâng cao được năng suất lao động, chất lượng của công chức, viên chức và hướng tới trả lương theo vị trí làm việc” ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Công đoàn chưa đủ sức mạnh

Tại hội thảo, về vấn đề lương khu vực ngoài nhà nước, ông Lê Xuân Thành, Vụ Phó Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quá trình thực hiện luật lao động về tiền lương tối thiểu, do sức ép việc làm, năng lực thỏa thuận của người lao động, vai trò của công đoàn còn hạn chế nên một số doanh nghiệp đã ép tiền lương sát với mức lương tối thiểu, thậm chí dùng mức lương tối thiểu để trả cho lao động có trình độ.

“Mức lương tối thiểu còn thấp trong khi chi phí sinh hoạt tăng, vì vậy đời sống của một bộ phận người lao động vẫn khó khăn dẫn đến quan hệ lao động diễn biến khá phức tạp. Năm 2012 đã xảy ra 506 cuộc đình công mà 80% là nguyên nhân tranh chấp về tiền lương, phụ cấp lương. Do đó, cần có các giải pháp tuyên truyền, nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong thương lượng, thỏa thuận tiền lương,” Ông Lê Xuân Thành nói.

Đồng tình với ông Lê Xuân Thành, Viện trưởng viện Công nhân (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) ông Đặng Quang Điều cũng thừa nhận mặc dù bộ luật lao động sắp có hiệu lực quy định hội đồng lương ba bên (Cơ quan nhà nước, chủ sử dụng lao động và lao động) nhưng hiện tại đội ngũ công đoàn chưa có đủ sức mạnh để đàm phán lương và cần tăng cường tính độc lập của công đoàn trong thương lượng thực tế.

“Tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hầu như không quản lý được về lương, lao động phải tự đình công để đòi lương và điều chỉnh tiền lương bằng thương lượng tập thể. Tuy nhiên, khả năng đàm phán, thương lượng của lao động hiện nay còn rất yếu. Mặt khác, công đoàn vẫn ăn lương của chủ sử dụng lao động, không được bảo vệ nên rất khó trong quá trình đàm phán về lương,” ông Đặng Quang Điều nhấn mạnh.

Trước tình trạng này, các chuyên gia cho rằng cần quy định cụ thể, chi tiết về mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu để làm cơ sở thỏa thuận lương giữa chủ sử dụng lao động và lao động, và để làm được điều này thì cần có con số chính xác về mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, các con số về mức lương tối thiểu, mức sống tối thiểu hiện nay lại không được các chuyên gia đánh giá cao.
Cần con số chính xác

Mặc dù cũng đã có những nghiên cứu về mức lương tối thiểu, mức sống tối thiểu, nhu cầu sống tối thiểu của Viện Công nhân-Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) và Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhưng theo nhiều chuyên gia thì những nghiên cứu này chưa thể phản ánh chính xác về đại đa số lao động.

Muốn có được con số chính xác về mức lương tối thiểu, mức sống tối thiểu, nhu cầu sống tối thiểu để quy định trong luật phù hợp với đại đa số người lao động thì các chuyên gia cho rằng cần có cuộc khảo sát quy mô lớn, vì các cuộc khảo sát hiện này mới chỉ ở quy mô nhỏ, mẫu được chọn chưa mang tính đại diện nên chưa thể đại diện cho tình hình của tất cả lao động.

“Độ chính xác và bền vững của số liệu hiện nay chưa có. Chúng ta đang phải tổ chức nhiều buổi hội thảo khoa học tiếp thu kinh nghiệm của các nước khác, các tổ chức nước ngoài để tìm ra phương pháp khoa học nhất, chính xác nhất để xác định được mức lương tối thiểu, mức sống tối thiểu,” ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.

Tại hội thảo, đa số đại biểu đều ủng hộ việc đưa mức lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu vào Luật lao động, nhưng các đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện được điều này là hết sức khó khăn đỏi hỏi cơ quan quản lý phải có những khảo sát chính xác từ thực tế để khi quy định chi tiết, cụ thể trong luật đảm bảo được lợi ích cao nhất cho người lao động./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục