Đánh thuế nước ngọt liệu sẽ giúp người Việt có sức khỏe tốt hơn?

'Áp thuế 10% đối với đồ uống có đường là thực tiễn không phổ biến'

"Thực tế cho thấy việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường không giảm được tỷ lệ béo phì và đái tháo đường trong dân chúng trong khi lại gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội"
'Áp thuế 10% đối với đồ uống có đường là thực tiễn không phổ biến' ảnh 1Doanh nghiệp quan ngại về đề xuất áp thuế giá trị gia tăng lên sản phẩm đồ uống. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Việt Nam đã ký kết 75 hiệp định quốc tế về thuế quan, theo đó một số sắc thuế đã được điều chỉnh. Tuy nhiên tại Dự thảo đề xuất sửa đổi 5 luật thuế, Bộ Tài chính đề xuất đưa các mặt hàng nước giải khát có đường (trừ sữa) vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài lên tiếng “các chính sách thuế cần phải được xem xét cẩn trọng. Như, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là một thực tiễn không phổ biến.”

[VCCI lo tăng thuế giá trị gia tăng tác động tiêu cực tới nền kinh tế]

Để làm rõ hơn về điều này, VietnamPlus có cuộc trao đổi với ông Adam Stikoff – Giám đốc điều hành AmCham Vietnam.

- Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng béo phì đang gia tăng, song tại sao chỉ có “2% dân số trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương” bị áp dụng thuế này thưa ông?

Ông Adam Stikoff: Hiện trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương chỉ có 4 quốc gia đang áp dụng Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt, là Brunei, Campuchia, Lào và Thái Lan, các quốc gia này chiếm khoảng 2% tổng số dân của khu vực. Trước đó, một số quốc gia như Indonesia và Philipines cũng cân nhắc đánh vào sắc thuế này trong nhiều năm liền, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua và thực hiện.

Trong khi, tại những quốc gia với tỷ lệ béo phì cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, họ không đưa ra chính sách thuế áp lên nước ngọt, nguyên do chủ yếu là chưa có chứng minh cụ thể nào cho thấy các tác động từ sắc thuế này đảm bảo mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Hơn thế, thực tế cho thấy việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường không giảm được tỷ lệ béo phì và đái tháo đường trong dân chúng. Thêm vào đó, nó lại gây ra những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội đối với ngành công nghiệp nước giải khát nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Vì vậy, năm 2004, Chính phủ Indonesia đã chính thức bãi bỏ sắc thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt. Vì sau quá trình thực hiện, chính sách thuế này đã không đạt mục tiêu cải thiện sức khỏe cộng đồng thay vào đó ngành sản xuất nước giải khát của quốc gia này đã bị tê liệt.

Tương tự, Chính phủ Đan Mạch cũng bãi bỏ việc áp thuế tiêu thụ vào nước ngọt (năm 2013) nhằm tạo thêm việc làm và thúc đẩy nền kinh tế các địa phương.

Từ các nghiên cứu kinh tế, nhiều nhà phê bình đã cho rằng “việc sử dụng các loại thuế này đặc biệt không hiệu quả”. Cụ thể, khi Chính phủ New Zealand đang xem xét áp thuế đối với nước ngọt, Viện nghiên cứu kinh tế của nước này đã phân tích, đánh giá 47 nghiên cứu và đưa ra kết luận “không có bằng chứng thuyết phục chứng minh việc áp thuế đối với đồ uống có đường có thể giúp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt là giảm tỷ lệ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường.”

Vừa mới đây (tháng 6/2018), các nhà lập pháp tại bang California (Mỹ) đã bỏ phiếu “cấm ban hành các loại thuế địa phương đánh vào nước ngọt,” theo đó bất kỳ loại thuế mới nào đánh vào thực phẩm và đồ uống sẽ không được họ thông qua, ít nhất tới năm 2031.

Báo cáo mới nhất về các bệnh không lây nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng không đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào đánh thuế lên thực phẩm và đồ uống, do vậy sẽ có rất ít quốc gia áp dụng các chính sách thuế lên các sản phẩm này trong tương lai.

'Áp thuế 10% đối với đồ uống có đường là thực tiễn không phổ biến' ảnh 2Ông Adam Stikoff trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Vậy theo ông, một giải pháp hiệu quả cho việc kiểm soát tình trạng béo phì và tiểu đường tại Việt Nam là gì?


Ông Adam Stikoff:
Muốn kiểm soát những vấn đề về sức khoẻ, chúng ta cần hiểu rõ  các nguyên  nhân gây ra chúng.

Nhiều báo cáo y tế chỉ ra, thói quen ăn uống và lối sống không lành mạnh là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì và tiểu đường.

Vì vậy, chính phủ cần áp dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục đối với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ cải thiện thói quen ăn uống đi cùng một lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiêm khắc yêu cầu các nhà sản xuất cung cấp đầy đủ những thông tin dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm và đồ uống, để người tiêu dùng có lựa chọn đúng đắn theo nhu cầu và điều này là vô cùng cần thiết.

Ngoài ra, kinh nghiệm khác từ nhiều quốc gia cho thấy, các chương trình giáo dục tại trường học với các hoạt động vận động thể chất sẽ giúp trẻ em hình thành lối sống lành mạnh ngay từ nhỏ.

Ví dụ điển hình tại Singapore, Chính phủ cho áp dụng chương trình dán nhãn biểu tượng “Tốt cho Sức khỏe - Healthier choice – HCS” đối với các sản phẩm thực phẩm đóng gói nhằm giúp người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm theo nhu cầu.

Cụ thể, các tiêu chuẩn dinh dưỡng của nhãn “Healthier choice” đã được Ủy ban Nâng cao Sức khoẻ (HPB) của Chính phủ xây dựng theo từng loại sản phẩm, bao gồm tổng hàm lượng chất béo, chất béo bão hòa, chất béo chuyển vị, natri và đường thấp, và hàm lượng chất xơ ăn kiêng, ngũ cốc nguyên hạt và canxi cao.

Đến nay, có 9/10 số người dân sinh sống trên quốc đảo đã biết đến chương trình trên và 80% trong số họ lựa chọn những sản phẩm đề cao sức khỏe dựa theo chỉ dẫn.

- Theo ông, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên các mặt  nước giải khát của Bộ tài chính về việc sẽ tác động thế nào tới ngành sản xuất đồ uống?

Ông Adam Stikoff: Các doanh nghiệp trong ngành có vốn đầu tư nước ngoài đưa đưa ra các kiến nghị và đề xuất Chính phủ Việt Nam không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt, tránh gây những tác động tiêu cực lên ngành đồ uống.

Bởi, chưa có chứng minh nào cho thấy việc đánh thuế sẽ giúp cho người Việt Nam có sức khỏe tốt hơn, trong khi đã có bằng chứng về việc đánh thuế sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến các cơ hội việc làm của người dân. Chính sách Nhà nước không thể đột ngột cắt giảm nhu cầu tiêu dùng của một loại sản phẩm hàng hóa trên thị trường, trừ phi có đủ các lý do thuyết phục chứng minh về sự cần thiết phải làm như vậy.

Theo tôi biết, không phải là các quốc gia khác chưa nghĩ đến vấn đề này. Nhưng, tất cả các Bộ tài chính ở các quốc gia đó đều phải xem xét, việc áp thuế cần dựa trên các bằng chứng khoa học để có thể chứng minh đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt là giúp bảo vệ sức khỏe người dân. Đó là điểm mấu chốt của vấn đề.

Nếu một quốc gia áp mức thuế 10%, 20% và 30% lên nước ngọt, liệu sức khỏe của người dân có được cải thiện? Không có lý do gì để thông qua chính sách như vậy khi chưa có các bằng chứng khoa học.

Trong đời sống hiện đại, tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang phải đối mặt với tình trạng béo phì đang gia tăng. Chúng tôi ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc giáo dục người dân về lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện khỏe mạnh, đây là vấn đề quan trọng. Song, Chính phủ không nên sử dụng các biện pháp không khoa học như đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên một số sản phẩm với mục đích là bảo vệ sức khỏe cho người dân./.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục