"Áp thuế phá giá xe đạp Việt là thiếu khách quan"

"Việc EC áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU trong thời gian qua là thiếu khách quan."
Trong 5 năm qua, kể từ tháng 7/2005, Ủy ban châu Âu (EC) đã tiến hành áp thuế chống bán phá giá ở mức 15,8-34,5% đối với xe đạp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 19/3 vừa qua, EC đã chính thức thông báo việc thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam sẽ hết hiệu lực vào 15/7/2010. Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp châu Âu (EBMA) đã đệ đơn yêu cầu tiến hành rà soát cuối kỳ đối với xe đạp xuất khẩu từ Việt Nam và hiện EC đang xem xét đơn này.

Ông Nguyễn Tất Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế Đa phương, Bộ Ngoại giao đã trả lời câu hỏi của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về ý kiến của các cơ quan hữu quan Việt Nam trước việc trong một tháng nữa Ủy ban châu Âu sẽ quyết định có tiến hành rà soát cuối kỳ để xem xét việc có tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu hay không.

Theo đó, ông cho biết việc EC áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU trong thời gian qua là quyết định thiếu khách quan, hết sức bất công và hoàn toàn không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và EU.

"Việc làm này đã có tác động hết sức tiêu cực đối với ngành sản xuất, kinh doanh xe đạp của Việt Nam cũng như đời sống của những người lao động trong ngành này. Việc EC áp thuế ở mức 15,8-34,5% trong suốt 5 năm qua gần như đã triệt tiêu lượng xe đạp xuất khẩu của nước ta sang EU, làm cho nhiều doanh nghiệp xe đạp Việt Nam đã bị phá sản hoặc phải chuyển đổi sản xuất," ông nói.

Ông Thành cũng cho biết tổng số lao động trong ngành sản xuất xe đạp Việt Nam giảm hơn 400% so với giai đoạn trước khi bị áp thuế chống bán phá giá, gây ra những hậu quả to lớn về mặt xã hội, đặc biệt trong khi Việt Nam lại đang phải ứng phó với những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu.

"Vì vậy, các Bộ ngành hữu quan và các Cơ quan đại diện của ta tại EU đã và sẽ tiếp tục tích cực đấu tranh yêu cầu EC và các hiệp hội xe đạp của châu Âu không tiến hành rà soát cuối kỳ đối với xe đạp của Việt Nam và chấm dứt việc áp thuế, phù hợp với lợi ích của cả hai bên cũng như lợi ích của người lao động, doanh nghiệp Việt Nam và người tiêu dùng, các nhà kinh doanh của EU,” ông nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục