APEC cam kết theo đuổi mô hình kinh tế mới

Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC cam kết từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và sẽ theo đuổi chiến lược phát triển mới.
Trong ngày làm việc cuối cùng, chiều 15/11, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cam kết từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và sẽ theo đuổi một chiến lược phát triển mới sau khi thế giới trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Tuyên bố chung của hội nghị nêu rõ, các nước APEC kiên quyết loại bỏ mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời tái khẳng định cam kết tiếp tục mở cửa thị trường cũng như hạn chế đưa ra các rào cản mới đối với đầu tư hoặc thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Chúng ta cần một mô hình tăng trưởng và hội nhập kinh tế mới. Chúng ta sẽ theo đuổi tăng trưởng cân bằng, toàn diện và bền vững, dựa trên cơ sở đổi mới và một nền kinh tế tri thức nhằm đảm bảo rằng phục hồi sẽ tạo ra công ăn việc làm và mang lại lợi ích cho người dân".

Các nhà lãnh đạo APEC đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách kích thích kinh tế cho tới khi kinh tế thế giới đạt được sự phục hồi bền vững.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo APEC cam kết ủng hộ và phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn chiếm tới 90% số lượng doanh nghiệp tại các nền kinh tế APEC) để họ có cơ hội tốt hơn tiếp cận với khoa học-công nghệ, tài chính và các thị trường toàn cầu, đồng thời coi việc tạo công ăn việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế.

Tuyên bố nhấn mạnh các nhà lãnh đạo APEC sẽ nỗ lực hoàn tất vòng đàm phán thương mại toàn cầu Doha vào năm 2010.

Liên quan tới vấn đề biến đổi khí hậu, các nhà lãnh đạo cam kết hợp tác để đạt được "kết quả đầy tham vọng" tại hội nghị Liên hợp quốc về khí hậu sẽ diễn ra tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng tới.

Tuy nhiên, 21 nền kinh tế thành viên APEC bỏ qua mục tiêu cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 so với mức của năm 1990.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các nhà lãnh đạo châu Á cơ cấu lại nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu của mình và tái cân bằng tăng trưởng toàn cầu để tránh nguy cơ "chuyển từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác".

Ông cũng khẳng định Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để giảm thâm hụt ngân sách, dự kiến có thể lên tới 1.502 tỷ USD trong tài khóa 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục