APEC: Hai mươi năm năng động và phát triển

Từ 12 thành viên, đến nay APEC đã mở rộng gồm 21 nền kinh tế có trình độ phát triển đa dạng, không chỉ có các nền kinh tế phát triển cao mà còn có cả những nền kinh tế mới nổi.
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ra đời, ông Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao có bài viết đánh giá về diễn đàn này.

Sau đây là toàn bộ nội dung bài viết:

APEC - Diễn đàn hợp tác kinh tế liên khu vực quan trọng

Hai mươi năm trước, tháng 11/1989, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ra đời trong bối cảnh xu hướng liên kết kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhất là ở châu Âu với việc EU đẩy mạnh liên kết nội khối và châu Mỹ với sự ra đời của Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) gồm Mỹ, Canada và Mexico.

Phát triển kinh tế, đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, chia sẻ kinh nghiệm mô hình phát triển, thúc đẩy vòng đàm phán Uruguay bị bế tắc sau Hội nghị cấp Bộ trưởng ở Montreal, Canada (12/1988), ngăn chặn bảo hộ mậu dịch… trở thành những ưu tiên trong quan hệ hợp tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong tình hình ấy, APEC đã ra đời và đáp ứng kỳ vọng của các nền kinh tế khu vực là thiết lập một cơ chế hợp tác nhằm nắm bắt những cơ hội, ứng phó với những thách thức mới do những chuyển biến của tình hình thế giới và khu vực; đẩy mạnh tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế thành viên.

Trong hai mươi năm tồn tại và phát triển, APEC đã trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ. Từ chỗ chỉ là diễn đàn cấp Bộ trưởng, sau bốn năm hoạt động, năm 1993 tại Seattle (Hoa Kỳ), APEC đã nâng cấp thành hội nghị thượng đỉnh hàng năm.

Từ chỗ chỉ có 12 thành viên, đến nay APEC đã mở rộng gồm 21 nền kinh tế có trình độ phát triển đa dạng, không chỉ có các nền kinh tế phát triển cao như Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc, mà còn có cả những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Nga, Việt Nam.

Vì vậy, hợp tác APEC có những nét rất đặc thù dựa trên các nguyên tắc "đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc". Năm 1994, tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ hai tại Bogor, Indonesia, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã ra tuyên bố Bogor, xác định mục tiêu và tầm nhìn dài hạn của APEC đến năm 2020 với hai "dấu mốc" quan trọng là thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư tại châu Á-Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020.

Hợp tác APEC, với ba trụ cột là tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại-đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật (ECOTEC), đã giành được nhiều thành tựu to lớn. Ngày nay APEC đã trở thành một diễn đàn liên khu vực quan trọng, kết nối nhiều nền kinh tế năng động và đóng góp cho sự phồn vinh và phát triển bền vững trong khu vực cũng như trên thế giới.

Mặc dù phải ứng phó với những tác động sâu sắc của toàn cầu hóa, phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 và cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008, APEC vẫn đứng vững và thể hiện rõ sức sống của một khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới. Hơn 60% GDP, 50% thương mại và 70% tăng trưởng toàn cầu là có sự đóng góp của hai mươi mốt thành viên APEC.

Không những thế, APEC tiếp tục được đánh giá là nơi có nhiều nền kinh tế năng động nhất trên thế giới, có khả năng phục hồi mạnh mẽ nhất sau khủng hoảng, và được kỳ vọng sẽ là động lực của kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Sau khi đề ra mục tiêu Bogor, hai mươi năm qua APEC đã thực thi nhiều biện pháp tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại/đầu tư hướng đến mục tiêu xuyên suốt này và đạt được những bước tiến đáng kể, tiêu biểu là việc thuế quan khu vực giảm từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5% năm 2007.

APEC cũng đã hoàn thành mục tiêu giảm 5% chi phí thương mại trong giai đoạn 2001-2006 và đang tiếp tục giảm thêm 5% nữa trong giai đoạn 2007-2010.

Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố và sự gia tăng của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đặt ra những thách thức mới cho khu vực, sự quan tâm của APEC không chỉ giới hạn trong hợp tác kinh tế mà đã mở rộng sang các vấn đề an ninh và chính trị của khu vực. Lãnh đạo APEC đã ra hai tuyên bố riêng về chống khủng bố năm 2001, 2002 và một tuyên bố về biến đổi khí hậu năm 2007.

Cho tới nay APEC đã thông qua hàng loạt sáng kiến trong các lĩnh vực an ninh hàng không, đường sắt, hàng hải, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, thiên tai…

Là một cơ chế đối thoại mở dựa trên các nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện, không ràng buộc và linh hoạt, APEC đã chứng tỏ mình là một cơ chế hợp tác quan trọng ở châu Á-Thái Bình Dương, bổ sung một cách hiệu quả cho các cơ chế hợp tác khu vực khác như ASEAN, ASEAN+3 (10 nước ASEAN và ba nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), và Cấp cao Đông Á (EAS).

Các nước ASEAN đóng vai trò quan trọng trong hợp tác APEC, đồng thời tìm thấy ở APEC một diễn đàn hiệu quả để khẳng định vị thế của mình và tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của châu Á-Thái Bình Dương.

Không chỉ dừng lại ở những thành tựu khu vực, APEC hai mươi năm qua còn có nhiều đóng góp mang ý nghĩa toàn cầu. Ngay từ Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên tại Canberra, APEC đã kêu gọi hoàn thành Vòng đàm phán Uruguay về thương mại đa phương; và đã góp phần tích cực vào việc kết thúc thành công vòng đàm phán này, đặt nền móng cho sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Việc APEC đạt được thỏa thuận về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghệ thông tin chính là cơ sở để WTO đạt được Thỏa thuận về Công nghệ Thông tin (ITA).

Trong nhiều năm qua, APEC đã góp tiếng nói quan trọng vào quá trình củng cố hệ thống thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO và kiên trì thúc đẩy Vòng đàm phán Doha.

Các nhà lãnh đạo APEC đã hơn một lần tuyên bố khẳng định sự nhất trí của APEC trong việc ủng hộ Vòng đàm phán Doha, trong đó có tuyên bố riêng về Nghị trình Phát triển Doha được thông qua ở Hội nghị Cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện thành công, APEC cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là sự xuất hiện của nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống (khủng bố, dịch bệnh, thiên tai, an ninh năng lượng, an toàn thực phẩm…) và mặt trái của toàn cầu hóa với sự gia tăng khoảng cách kinh tế và công nghệ giữa các nền kinh tế thành viên.

Hơn nữa, APEC đã và đang phải đối mặt với một thách thức lớn là hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được những biến động của tình hình, cũng như chưa phát huy tối đa được vị thế của mình so với các diễn đàn và cơ chế khác trong khu vực.

Nếu như 15 năm qua, mục tiêu Bogor luôn luôn là đích phấn đấu của các nền kinh tế thành viên, thì đường lối và chiến lược sau 2020 của APEC được coi là một trong những thách thức lớn nhất của diễn đàn.

Để vượt qua những thách thức mới, nhất là trong bối cảnh hậu khủng hoảng, APEC đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động thông qua các Kế hoạch hành động tập thể (CAP) và quốc gia (IAP).

Nội dung chính của những kế hoạch này là các cam kết hạ thấp hàng rào thuế quan, cắt giảm chi phí giao dịch, cải cách kinh tế, chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, nhằm bảo đảm APEC tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững vì tương lai và hạnh phúc của 2,6 tỉ người dân khu vực.

Những năm gần đây APEC đã có những nỗ lực để nâng cao năng lực liên kết, tính năng động và hiệu quả hợp tác nhằm giúp APEC vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trước sự thay đổi nhanh chóng của môi trường khu vực và thế giới. Trong đó, đáng kể nhất là việc tiến hành cải cách thể chế, hoàn thiện hoạt động của các nhóm công tác, và kiện toàn bộ máy của Ban Thư ký APEC với việc bổ nhiệm giám đốc điều hành chuyên trách kể từ 2010.

Việt Nam hơn một thập niên đóng góp vì một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc cho mọi người dân

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam chính thức gia nhập APEC tháng 11/1998. Nhìn lại toàn bộ quá trình hơn 10 năm tham gia APEC, có thể thấy đây là một diễn đàn có đóng góp quan trọng đối với Việt Nam trên con đường hội nhập.

Cùng với ASEAN, ASEM và nhiều cơ chế khác, APEC đã mang đến cho Việt Nam những lợi ích thiết thực cả về kinh tế, chính trị và văn hóa trong hợp tác đa phương, đồng thời là một kênh hiệu quả để đẩy mạnh hợp tác song phương với các nền kinh tế thành viên APEC.

Mặc dù là không phải là thành viên sáng lập và trình độ phát triển còn thấp so với nhiều nền kinh tế APEC khác, nhưng Việt Nam đã chủ động tham gia, đóng góp tích cực cho nhiều hoạt động hợp tác của APEC với tinh thần trách nhiệm cao.

Những nỗ lực này đã góp phần không nhỏ nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện rõ nét nhất ở việc Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Năm APEC 2006, ghi đậm dấu ấn Việt Nam trong tiến trình hợp tác APEC.

Bên cạnh việc Hội nghị cấp cao ra Tuyên bố riêng ủng hộ Nghị trình Phát triển Doha, APEC 2006 còn được các thành viên đặc biệt đánh giá cao, coi đây là năm bản lề của cải cách APEC. Việc Việt Nam tổ chức chu đáo trên 100 sự kiện lớn nhỏ, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh và nhiều hội nghị cấp Bộ trưởng, đã thể hiện sự lớn mạnh cả về thế và lực của đất nước, giành được sự tin tưởng và tôn trọng của bạn bè quốc tế.

Không chỉ giới hạn trong năm 2006, mà trong suốt quá trình là thành viên của APEC, với phương châm “biết mình, biết người,” Việt Nam đã năng động tham gia vào các lĩnh vực mà ta có điều kiện phát huy vai trò trong một diễn đàn kinh tế đa dạng về trình độ phát triển và phong phú về nội dung hợp tác như APEC.

Việt Nam đã tham gia một số Kế hoạch hành động tập thể (CAPs) ở các lĩnh vực Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Thủ tục Hải quan, Kinh tế kỹ thuật (ECOTECH), Chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC (ABTC).

Thông qua những hoạt động phong phú đó, Việt Nam đã góp phần củng cố và tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên, chia sẻ kinh nghiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, phát triển hạ tầng, chuyển giao công nghệ. Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào việc giải quyết những thách thức đang đặt ra cho APEC. Năm 2009, các thành viên đã rà soát, đánh giá chính sách của Việt Nam trong việc mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trên cơ sở Kế hoạch Hành động Quốc gia (IAP) hàng năm của Việt Nam.

Hội nghị Cấp cao APEC 17: Duy trì tăng trưởng và kết nối khu vực

Trong vài ngày tới đây, Tuần lễ Cấp cao APEC 2009 mà sự kiện trọng tâm là Hội nghị Cấp cao APEC 17 sẽ diễn ra tại Singapore. Sự kiện này diễn ra đúng vào thời điểm trọng đại APEC tròn 20 tuổi, đồng thời là năm chuẩn bị hướng đến việc thực hiện các cam kết của mục tiêu Bogor.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng, Hội nghị các nhà Lãnh đạo Kinh tế (AELM) lần thứ 17 tại Singapore có sứ mệnh quan trọng là tìm ra các giải pháp để duy trì tăng trưởng, phục hồi kinh tế và phát huy những thế mạnh cũng như tăng cường sự kết nối của các nền kinh tế thành viên, nâng hợp tác của APEC lên một tầm cao mới năng động và hiệu quả hơn, phấn đấu vì mục tiêu “Duy trì tăng trưởng và kết nối khu vực” mà chủ nhà Singapore đã đề xuất làm chủ đề cho APEC 2009.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2009 tại Singapore đã bắt đầu, chuẩn bị khép lại một năm APEC sôi động. Ngày 14 - 15/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ cùng các nhà lãnh đạo APEC thảo luận, đưa ra các biện pháp cụ thể để tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững, toàn diện của các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy hơn nữa hiệu quả hợp tác APEC hiện nay và trong thời gian tới.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia APEC và hơn 20 năm đổi mới kinh tế, với những nỗ lực và bài học đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, Việt Nam tự tin và quyết tâm sát cánh cùng các nền kinh tế thành viên duy trì tăng trưởng và tăng cường kết nối giữa các nền kinh tế, đưa APEC trở thành một diễn đàn hàng đầu về thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, phấn đấu vì một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc cho mọi người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục