APEC với mục tiêu "Định hình tương lai châu Á-Thái Bình Dương"

APEC diễn ra trong một tuần từ ngày 5-11/11 vừa qua tại Bắc Kinh đã nói lên tầm quan trọng của liên kết khu vực vì các mục tiêu kinh tế trong giai đoạn mới.
APEC với mục tiêu "Định hình tương lai châu Á-Thái Bình Dương" ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Lễ khai mạc APEC. (Ảnh: Quang Đức-Hải Yến/TTXVN)

Chủ đề “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương” của Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra trong một tuần lễ từ ngày 5 đến 11/11 vừa qua tại Bắc Kinh đã nói lên tầm quan trọng của liên kết khu vực vì các mục tiêu kinh tế trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, con đường đi tới nhất thể hóa kinh tế khu vực mà trọng điểm là đẩy mạnh việc xây dựng Khu vực Mậu dịch Tự do châu Á-Thái Bình Dương còn không ít chông gai.

Trả lời phỏng vấn TTXVN, tiến sỹ Bùi Thành Nam, Phó Trưởng Khoa Quốc tế học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã đưa ra những đánh giá của mình về những rào cản trong hành trình kết nối khu vực và cơ hội đối với Việt Nam.

- Thưa ông Bùi Thành Nam, không thể phủ nhận tầm quan trọng của liên kết khu vực, song những khoảng cách về kinh tế, địa lý và chính trị đang ảnh hưởng thế nào đến việc “định hình tương lai” của khu vực châu Á-Thái Bình Dương?

Ông Bùi Thành Nam: Các thành viên của APEC hiện nay rất nỗ lực trong phong trào toàn cầu hóa. Tuy nhiên, con số 40 Hiệp định thương mại tự do được ký kết trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thể hiện khoảng cách trong APEC là rất lớn. Khoảng cách thứ nhất là về quy mô và trình độ phát triển.

Thứ hai là khoảng cách về công nghệ. Sự phân cấp trong chuỗi sản xuất cho thấy rằng còn rất nhiều vấn đề mà muốn tiến tới một mẫu số chung nào đó trong quá trình phát triển thì những khoảng cách về mặt địa lý, kinh tế, văn hóa-xã hội sẽ gây ra những cản trở với APEC trong khi các nước trong khu vực đang muốn hướng tới chuẩn mực chung.

Một khó khăn nữa đối với APEC là nhận thức của các nước đối với Hiệp định Thương mại tự do còn có khoảng cách. Ví dụ như các Hiệp định Thương mại tự do mà có Trung Quốc tham gia là những hiệp định rất đơn giản về mặt nội dung, về quy mô cũng như tầm vóc tự do hóa.

Trong khi những Hiệp định thương mại do Mỹ khởi xướng thường đặt ra những hàm lượng cải cách và yêu cầu mở cửa rất rộng, không chỉ là thương mại tự do ở lĩnh vực hàng hóa mà còn trong lĩnh vực dịch vụ, bao hàm cả những nội dung kỹ thuật và có tính chất thể chế mạnh như là bản quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề môi trường, công đoàn. Với những khoảng cách về nhận thức, khoảng cách về kinh tế, rõ ràng có những rào cản trong quá trình nhất thể hóa kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

- Theo ông, còn những rào cản nào khác đang và sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhất thể hóa kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai?

Ông Bùi Thành Nam: Theo tôi có một số vấn đề xuất phát từ lịch sử. Nhiều năm rồi nhưng các nước ở Đông Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều tranh cãi liên quan đến lịch sử không mấy vui vẻ giữa những nước láng giềng này và những hệ lụy từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Bên cạnh những vấn đề có yếu tố lịch sử, những vấn đề khác như chủ quyền ở khu vực Hoa Đông và khu vực Biển Đông. Các bên liên quan như Nhật Bản và một số nước trong ASEAN cũng gây ra những hạn chế trong việc đối thoại cũng như đàm phán để hướng tới một chuẩn mực chung.

Cũng như vậy, chúng ta đang chứng kiến một câu chuyện không liên quan trực tiếp đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhưng lại ảnh hưởng đến sự thống nhất trong quan điểm của các nước trong khu vực, đó là vấn đề các nước phương Tây trừng phạt Nga liên quan đến chủ đề Ukraine mà Nga là thành viên của châu Á-Thái Bình Dương.

- Hiệp định Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) được Bắc Kinh thúc đẩy tại Hội nghị APEC 2014 có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với tương lai của kinh tế Trung Quốc và của cả khu vực?

Ông Bùi Thành Nam: Cho đến giờ, Trung Quốc chưa từng đưa ra một sáng kiến thương mại nào lớn và ngay cả sáng kiến thành lập Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) cũng chỉ là bước kế tiếp của một cái đề xuất từ năm 2006 khi mà Hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam.

Trung Quốc lựa chọn FTAAP vì có một số lý do sau. Thứ nhất, Trung Quốc theo đuổi các hiệp định thương mại một cách khá sơ sài và hiệu ứng thương mại chủ yếu xuất phát từ thương mại hàng hóa và một số tư liệu sản xuất nhỏ. Khi mà theo đuổi một Hiệp định thương mại tự do có tính chất toàn khu vực, có những đối tác đàm phán ở trình độ phát triển cao hơn và có những đòi hỏi cao như Mỹ, Nhật Bản hoặc Australia, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong quá trình đàm phán.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải tham gia quá trình này bởi hầu hết các nước trong khu vực đang theo đuổi Hiệp định Thương mại tự do và trong đó 12 nước trong khu vực đang đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Khi hiệp định này ra đời mà theo thông tin mà tôi nhận được có thể đàm phán ký kết hiệp định này sẽ hoàn tất trong năm 2015, nếu Trung Quốc không tham gia tiến trình này, về mặt kinh tế học, Trung Quốc sẽ bị phân biệt đối xử với các nước tham gia thị trường này. Nếu quy tắc xuất xứ được các nước thành viên thực thi một cách nghiêm chỉnh thì thương mại giữa Trung Quốc với các nước trong nhóm TPP sẽ có xu hướng suy giảm.

Thứ hai là trong nhiều năm qua, kinh tế Trung Quốc vẫn dựa theo mô hình tăng trưởng dựa vào thương mại và chi tiêu công. Vì vậy, nếu Trung Quốc thiếu đi một phần trong những động lực tăng trưởng này thì sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Vì vậy, việc Trung Quốc thúc đẩy FTAAP nằm trong chiến lược phát triển ổn định của họ.

Đối với kinh tế khu vực, FTAAP sẽ tạo ra sự kết nối giữa các nước thành viên. Bất cứ một liên kết nào đều tạo ra những tác động cả về lý thuyết và thực tế. Đó là sự tăng trưởng trong thương mại, dẫn tới tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên. Tôi nghĩ rằng nếu FTAAP được ký kết sẽ là một động lực mới không chỉ đối với quá trình toàn cầu hóa mà còn cả quá trình khôi phục và phát triển kinh tế của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

- Đối với Việt Nam, FTAAP đặt ra cho nền kinh tế nước ta những thuận lợi và thách thức nào một khi hiệp định này có hiệu lực trong tương lai xa, dự kiến vào năm 2025?

Ông Bùi Thành Nam: Khả năng đến năm 2025, tức là hơn 10 năm nữa, FTAAP mới được thực thi. Quá trình phát triển kinh tế của các nước sẽ dẫn tới những thay đổi trong cơ cấu kinh tế. Với sự phát triển kinh tế, sự biến động của tình hình chính trị thế giới và khu vực cũng như sự phát triển của công nghệ sẽ dẫn tới lợi thế cạnh tranh khác biệt. Vì vậy, nếu đưa ra đánh giá về thuận lợi và khó khăn cho năm 2025 thì hơi khó.

Tuy nhiên, có một mẫu số chung khi tăng cường hội nhập. Việt Nam đã có được những thuận lợi khi hội nhập ASEAN, tham gia APEC và sau đó là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những thuận lợi cơ bản vẫn chưa đổi. Đó là việc Việt Nam có thể tiếp cận thị trường lớn hơn của các nước thành viên APEC. Bên cạnh đó là khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cũng tăng lên. Tất nhiên kèm với thuận lợi là những thách thức mà thách thức lớn nhất ở đây là sự tham gia của nền kinh tế khổng lồ bên cạnh là Trung Quốc.

Hiện nay, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nghiêng về phía Trung Quốc và Việt Nam phải nhập rất nhiều nguyên vật liệu của họ.

Khi Trung Quốc tham gia tiến trình này chúng ta có thể không được hưởng lợi từ việc nhập khẩu nguyên vật liệu giá rẻ của Trung Quốc để xuất khẩu sang những nước khác bởi quy tắc xuất xứ hàng hóa hoặc chính bản thân các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc cũng không mặn mà chuyển nguyên liệu sang các nền kinh tế thứ cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu nữa. Đấy là những thuận lợi và thách thức cơ bản mà mỗi khi bước vào một Hiệp định Thương mại nào đó chúng ta cũng phải trải qua.

- Ông có thể làm một phép so sánh về hiệu quả giữa FTAAP và Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với kinh tế Việt Nam cho khán giả hiểu rõ hơn tầm quan trọng của kết nối kinh tế khu vực?

Ông Bùi Thành Nam: TPP là Hiệp định Thương mại tự do giữa 12 quốc gia có GDP chiếm 40% GDP toàn cầu và thương mại cũng chiếm khoảng 40% thương mại toàn cầu. Trong khi FTAAP nếu được thực thi sẽ quy tụ tới 21 thành viên, chiếm quy mô thương mại tới 44% và GDP chiếm 54% tổng GDP toàn cầu. Rõ ràng là quy mô rất khác biệt và mức độ tiếp cận thị trường cũng như đầu tư nước ngoài cũng vậy.

Tuy nhiên, đối với TPP, chúng ta đang trong quá trình đàm phán và có một số định hình nhất định về những đòi hỏi từ đối tác, còn FTAAP mới chỉ trong giai đoạn thúc đẩy để cụ thể hóa sáng kiến từ APEC 2006 mà thôi và vẫn chưa định hình được nội dung đàm phán cụ thể là những gì.

Chúng ta cần đợi những chỉ dẫn cụ thể hơn trong tương lai khi các nước hiện thực hóa sáng kiến bằng vòng đàm phán của họ. Tuy nhiên, về cơ bản quy mô thị trường, cách tiếp cận thị trường và thu hút đầu tư nước ngoài, FTAAP có quy mô lớn hơn và TPP có quy mô nhỏ hơn về lợi ích đối với kinh tế Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục