Apple đang dùng camera để che dấu sự 'hụt hơi' trong sáng tạo iPhone

Apple vốn được coi là công ty tiên phong tạo ra điện thoại thông minh thời hiện đại, lại đang dựa vào các công nghệ quen thuộc với khách hàng như máy ảnh và thụt lại phía sau trong đổi mới công nghệ.
Mẫu điện thoại iPhone 11 Pro của Apple được trưng bày tại cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 21/9/2019. (Nguồn: THX/ TTXVN)
Mẫu điện thoại iPhone 11 Pro của Apple được trưng bày tại cửa hàng ở New York, Mỹ, ngày 21/9/2019. (Nguồn: THX/ TTXVN)

iPhone 11 Pro và 11 Pro Max là những chiếc điện thoại mới nhất của Apple và cả hai đều có ba camera phía sau.

Nhưng điều này không phải là mới. Trên thực tế, Apple là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh cuối cùng có ống kính góc rộng trên điện thoại.

Trước đó, LG đã bổ sung ống kính góc rộng cho điện thoại G5 và V20 vào năm 2016 và Samsung đã giới thiệu trên Galaxy S10 và S10 + vào đầu năm 2019. Và bên cạnh máy ảnh, Samsung đã thử nghiệm màn hình gập, giao diện máy tính để bàn di động, điều khiển bằng cử chỉ và nhiều công nghệ mới khác trong năm qua.

Trong khi đó, Apple vốn được coi là công ty tiên phong tạo ra điện thoại thông minh thời hiện đại, lại đang dựa vào những công nghệ đã vô cùng quen thuộc với khách hàng như máy ảnh và thụt lại phía sau trong đổi mới công nghệ điện thoại thông minh. 

[Người tiêu dùng sẽ không nhận thấy sự khác biệt trong điện thoại 5G]

Dường như Apple đang dùng một chiến thuật nhường sân chơi sáng tạo công nghệ mới cho các đối thủ và chọn cách ở lại phía sau, sẵn sàng góp nhặt, cải tiến các công nghệ quen thuộc của đối thủ cho dòng sản phẩm iPhone.

Thực tế đã cho thấy các công ty sản xuất thiết bị Android có một danh sách các công nghệ đầu tiên trên điện thoại thông minh mà sau đó phải vài năm sau những công nghệ này mới xuất hiện trên các sản phẩm của Apple. Ví dụ như Motorola đã tích hợp cảm biến vân tay vào điện thoại Atrix 4G vào năm 2011, 2 năm trước khi iPhone 5S đánh dấu lần đầu tiên TouchID xuất hiện trên iPhone.

Cũng trong năm 2011, Samsung đã đưa các điện thoại lớn trở thành dòng sản phẩm chủ đạo với dòng Note của mình, tạo ra các phablet - máy tính bảng lai điện thoại. Và 3 năm sau, Apple đã chấp nhận loại công nghệ điện thoại mới này với các phiên bản iPhone Plus và Max, bắt đầu từ 6 Plus năm 2014.

Nhưng đôi khi những đổi mới này đến với chi phí chất lượng. Lấy ví dụ về Samsung Galaxy Fold. Mặc dù Samsung là công ty điện thoại đầu tiên phát hành điện thoại thông minh có thể gập lại, nhưng đây là công ty lớn nhất làm điều đó và tạo ra tiếng vang lớn nhất xung quanh công nghệ này ở Mỹ. Nhưng dòng điện thoại độc đáo này đã không ở trạng thái tốt, xuất hiện nhiều vấn đề với màn hình và bản lề.

Apple biết khách hàng của mình muốn gì. Theo một nghiên cứu gần đây, camera là một trong năm tính năng quan trọng nhất trong điện thoại thông minh dành cho khách hàng. Và Apple đã chọn camera để tập trung phát triển trên dòng sản phẩm iPhone 11 Pro.

Một cuộc điều tra tương tự cũng cho thấy thời lượng pin, dễ sử dụng, bộ nhớ và độ bền là những tiêu chí quan trọng đối với người mua điện thoại. Tất cả những tiêu chí này hầu hết được đề cập trong thông báo ra mắt iPhone 11 vào tháng 9.

Sự phụ thuộc vào những công nghệ quen thuộc cho phép Apple tập trung vào các dự án mới, như Apple TV+ và các thiết bị và dịch vụ khác mà Apple chưa công khai.

Nhìn vào lịch sử của Apple với tư cách là người tạo ra điện thoại thông minh hiện đại, thật đáng thất vọng khi thấy sự thiếu đổi mới trên những chiếc iPhone mới nhất. Nhưng cũng thật khó tranh luận với các quyết định của Apple trong khi hãng này nắm giữ 41% thị phần điện thoại thông minh ở Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục