Apple lên tiếng về tuyên bố mở khóa được iPhone của FBI

Ngay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ và FBI tuyên bố đã bẻ khóa được chiếc iPhone 5c của hung thủ gây ra vụ xả súng ở San Bernardino, Apple đã ra tuyên bố phản hồi.
Apple lên tiếng về tuyên bố mở khóa được iPhone của FBI ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Ngày 28/3, ngay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố đã bẻ khóa được chiếc iPhone 5c của hung thủ gây ra vụ xả súng ở San Bernardino, Apple đã ra tuyên bố phản hồi.

Trong thông cáo báo chí mà chuyên trang công nghệ The Verge thu được, Apple tái khẳng định việc họ từ chối hợp tác với FBI là đúng đắn.

"Ngày từ đầu, chúng tôi đã phản đối yêu cầu của FBI về việc Apple tạo ra một phần mềm gián điệp (backdoor) vào bên trong iPhone bởi chúng tôi tin rằng đó là một điều sai trái và sẽ tạo một tiền đề nguy hiểm." - Apple tuyên bố.

Tuy nhiên, Apple cũng khẳng định họ sẽ vẫn hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật trong điều kiện cho phép của hãng đồng thời nhấn mạnh nhà sản xuất iPhone sẽ gia cố hệ thống bảo mật trên các sản phẩm của hãng.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ cơ quan thực thi pháp luật với các cuộc điều tra của họ, như chúng tôi đã làm tất cả mọi việc thời gian qua và chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường bảo mật các sản phẩm của chúng tôi trong bối cảnh các mối đe dọa và các cuộc tấn công dữ liệu của chúng tôi trở nên thường xuyên hơn và tinh vi hơn." - Apple khẳng định.

Mặc dù không đề cập trực tiếp tới tin cơ quan chức năng Mỹ mở được khóa iPhone, Apple tuyên bố: "Người dân Mỹ cũng như trên khắp thế giới xứng đáng được bảo vệ dữ liệu, bảo mật và đảm bảo quyền riêng tư. Việc hy sinh những tiêu chuẩn trên cho những mục đích khác sẽ chỉ đưa người dân và các quốc gia vào nguy cơ lớn hơn."

Kết thúc thông cáo báo chí, Apple cho biết vụ kiện pháp lý giữa hãng này và cơ quan chức năng Mỹ vừa qua xứng đáng được đẩy lên thành một cuộc tranh luận quốc gia về "quyền tư do dân sự và an ninh chung của cộng đồng cũng như quyền riêng tư cá nhân."

Apple tuyên bố hãng này sẽ tham gia các cuộc tranh luận này.

Vụ kiện tụng giữa Apple và các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ bắt đầu vào ngày 16/2 khi một thẩm phán liên bang Mỹ đã ra phán quyết buộc Apple hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật truy nhập vào chiếc iPhone thuộc sở hữu của một trong những hung thủ gây ra vụ xả súng ở thành phố San Bernardino. bang California cuối năm ngoái.

Theo hồ sơ tòa án, Apple đã từ chối tự nguyện cung cấp trợ giúp kỹ thuật cho FBI trong việc tiếp cận chiếc iPhone 5C thuộc sở hữu của Syed Farook, hung thủ sát hại 14 người tại một phòng khám sức khỏe ở Bernardino vào ngày 2/12 cùng với vợ Tashfeen Malik.

Ngày 17/2, Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook tuyên bố sẽ chống lại phán quyết của tòa án Mỹ buộc hãng này phải trợ giúp FBI xâm nhập vào iPhone của nghi phạm xả súng ở San Bernardino.

Trong bức thư được công bố trên trên trang web của Apple (apple.com), ông Cook nói chính quyền Mỹ đang buộc Apple làm một việc vượt quá khả năng của họ, đó là phá khóa bảo mật của iPhone, qua đó làm suy yếu những nền tảng bảo mật vốn đã tạo nên uy tín, danh tiếng của hãng và gọi đây là một tiền lệ nguy hiểm.

Ông Cook còn tố FBI đề nghị hãng này tạo ra một phần mềm gián điệp để cài vào máy iPhone người dùng.

Tuyên bố trên của ông Cook được coi như là một lời "tuyên chiến" khai màn cho cuộc chiến mã hóa kéo dài hơn một tháng qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục