Armenia, Azerbaijan khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận ngừng bắn

Tổng thống Azerbaijan và Tổng thống Armenia đã nhất trí về sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn và giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny Karabakh.
Armenia, Azerbaijan khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận ngừng bắn ảnh 1Quang cảnh cuộc gặp. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Trong khuôn khổ cuộc gặp với đại diện các nước trung gian Pháp, Nga và Mỹ tại Vienna (Áo) ngày 16/5, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Tổng thống Armenia Serzh Sarkisian đã nhất trí về sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn và giải pháp hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny Karabakh.

Theo thông báo chung của Pháp, Nga và Mỹ, tại cuộc gặp lần đầu tiên kể từ khi xảy ra xung đột hồi đầu tháng 4 vừa qua, hai nhà lãnh đạo Azerbaijan và Armenia đã nhất trí ấn định thời gian và địa điểm cụ thể cho cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong tháng 6.

Hai bên cũng nhất trí rằng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần nhanh chóng hoàn tất kế hoạch nhằm giám sát lệnh ngừng bắn tại khu vực Nagorny Karabakh.

Ông Aliyev và ông Sarkisian tái khẳng định cam kết của hai nước về thỏa thuận ngừng bắn cũng như quá trình giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Nagorny Karabakh.

Trong khi đó, giao tranh vẫn tiếp diễn giữa quân đội Azerbaijan và quân đội Armenia tại Nagorny Karabakh bất chấp thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian đạt được ngày 5/4 vừa qua.

Trước đó, chỉ trong 4 ngày giao tranh hồi đầu tháng 4 đã có ít nhất 110 người thuộc cả hai bên thiệt mạng và trở thành cuộc xung đột tồi tệ nhất ở khu vực này kể từ năm 1994.

Nagorny Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.

Tình trạng này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường, chủ yếu là người Azerbaijan, phải lánh nạn.

Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục