ASEAN cần tăng cường hợp tác vì một “tầm nhìn không khói bụi”

Thực hiện đầy đủ Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới sẽ giúp các nước ASEAN theo dõi, ngăn chặn và giảm thiểu cháy đất và cháy rừng nhằm kiểm soát ô nhiễm khói bụi.
ASEAN cần tăng cường hợp tác vì một “tầm nhìn không khói bụi” ảnh 1Phó Tổng Thư ký Vongthep Arthakaivalvatee. (Ảnh: Trần Hiệp/Vietnam+)

Khói mù, ô nhiễm không khí nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, kinh tế… là những gì người dân của nhiều nước trong khu vực ASEAN đang phải gánh chịu.

Giải quyết tình trạng tồi tệ trên không còn là vấn đề của riêng Indonesia, nơi xảy ra hàng ngàn đám cháy rừng dai dẳng trong nhiều tháng qua, mà đã trở thành vấn đề của chung khu vực ASEAN.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn tân Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa-xã hội, Vongthep Arthakaivalvatee về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Hàng loạt vụ cháy rừng tại Indonesia đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước láng giềng, ASEAN đã có động thái gì trước tình hình này, thưa ông?

Phó Tổng Thư ký Vongthep Arthakaivalvatee: Các vụ cháy rừng gây ra khói mù đã trở thành mối quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực. Với vai trò của mình, Ban Thư ký ASEAN cũng rất quan tâm theo dõi đến tình trạng này và tôi lưu ý rằng Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN có trụ sở tại Singapore, đã cảnh báo khả năng này và sau đó tiếp tục thường xuyên đưa ra thông tin về những điểm nóng.

Tất cả 10 thành viên ASEAN đã đạt được cam kết và đã tiến hành nhiều hợp tác về vấn đề khói mù xuyên biên giới trong những năm qua, ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thông qua các cơ chế hợp tác khu vực được thành lập theo khuôn khổ Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP), các nước ASEAN đã nhất trí và thực hiện họp thảo luận hàng năm về chiến lược và phương hướng thực hiện hiệu quả của AATHP cũng như việc tăng cường hợp tác ASEAN trong đối phó với nạn ô nhiễm khói mù.

Thực hiện đầy đủ Hiệp định sẽ giúp ASEAN tiếp tục nỗ lực tập thể của mình để ngăn chặn, theo dõi, và giảm thiểu cháy đất và cháy rừng xuyên biên giới nhằm kiểm soát ô nhiễm khói bụi.

Cụ thể các hỗ trợ mà các nước và ASEAN dành cho cho Indonesia bao gồm việc cung cấp thông tin về các điểm nóng và xu hướng mây mù do Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN báo cáo, các tiêu chuẩn để ngăn chặn cháy rừng và cháy than bùn đã được thông tin từ tháng 2/2015; thực hiện Chiến lược quản lý đất than bùn ASEAN, cũng như hỗ trợ kỹ thuật về giám sát và đánh giá chất lượng không khí.

ASEAN cần tăng cường hợp tác vì một “tầm nhìn không khói bụi” ảnh 2 Khói mù do cháy rừng từ Indonesia bao phủ trung tâm hành chính Putrajaya, Malaysia ngày 23/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Như một phần của nỗ lực hợp tác ứng phó khẩn cấp ASEAN, một số nước thành viên ASEAN, bao gồm Singapore, Malaysia và Thái Lan đã hỗ trợ Indonesia cả nhân lực và phương tiện trên không và mặt đất trong nỗ lực dập tắt cháy rừng và khói mù.

- Hiệp định Khói mù xuyên biên giới giữa các nước ASEAN có vai trò như thế nào và cam kết gì trong việc giải quyết tình trạng nói trên?

Phó Tổng Thư ký Vongthep Arthakaivalvatee: Như chúng ta đã biết, năm 2002, Chính phủ các nước thành viên ASEAN đã ký Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (AATHP).

Việc phê chuẩn của Indonesia là một bước đi tích cực nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa khói bụi trong khu vực theo khuôn khổ hợp tác ASEAN.

Liên quan đến lĩnh vực môi trường, ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác khu vực, đối thoại, chia sẻ thông tin và huy động các nguồn lực để giải quyết vấn đề khói mù xuyên biên giới trong khu vực.

Bản thân Indonesia cũng đã chủ động hơn trong việc đối phó với những thách thức của các đám cháy ở Sumatra và Kalimantan như chúng ta đã biết qua các phương tiện truyền thông.

ASEAN cần tăng cường hợp tác vì một “tầm nhìn không khói bụi” ảnh 3Máy bay trực thăng MI-17 tham gia dập lửa cháy rừng tại Ogan Komering Ilir, tỉnh Nam Sumatra ngày 17/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, hợp tác song phương giữa Indonesia với Malaysia và Indonesia với Singapore để giải quyết vấn đề khói mù đã được mở rộng hơn, trong đó có việc làm mới các dự án hợp tác song phương hiện có và mở rộng các hoạt động hợp tác với các địa phương khác như Sumatra đã được nhận được hỗ trợ từ Malaysia và Singapore và hoan nghênh của Indonesia.

Indonesia cũng đã tham gia tích cực trong việc thực hiện Chiến lược quản lý đất than bùn ASEAN.

Như vậy, có thể thấy AATHP đã đóng một vai trò quan trọng như là một công cụ hợp tác của ASEAN để chúng ta cùng nhau giải quyết thách thức khói bụi trong khu vực.

Hiệp định đã đề cập đến việc giải quyết dứt điểm tất cả các khía cạnh của lửa và khói mù bao gồm theo dõi, giảm nhẹ, phòng ngừa và phân tích những nguyên nhân cơ bản.

Điều đáng nói là quá trình triển khai Hiệp định đã đạt bước tiến quan trọng là thành lập được Quỹ kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới ASEAN.

Với những đóng góp của các nước thành viên, quỹ đã được sử dụng để tăng cường năng lực về hợp tác trong lĩnh vực chống khói mù.

Ngoài ra, Trung tâm Điều phối ASEAN về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới (Trung tâm ASEAN) cũng đã được thành lập theo Hiệp định để thực hiện các hoạt động phát sinh.

Hiện nay, các chức năng tạm thời đang được thực hiện bởi Ban Thư ký ASEAN và Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN thông qua báo cáo các tình huống khói mù và trang web chuyên đề.

- Vai trò của Ban thư ký ASEAN như thế nào trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong ASEAN với Indonesia nhằm hỗ trợ nước này đối phó với nạn cháy rừng và ngăn chặn các vụ cháy trong thời gian tới và các năm tiếp theo?

Phó Tổng Thư ký Vongthep Arthakaivalvatee: Tôi muốn nhấn mạnh đến một thách thức mà ASEAN phải đối mặt chính là nạn cháy rừng và cháy đất gây ô nhiễm khói mù đã xảy ra nhiều năm và khó ngăn chặn.

Tôi nhắc lại cam kết chung của ASEAN trong việc thực hiện nghiêm túc các hành động cần thiết trong việc giải quyết thách thức về khói mù xuyên biên giới trong khu vực.

Tất cả các nước thành viên ASEAN đã phê duyệt Hiệp định, chúng ta cần thực hiện theo khuôn khổ pháp lý khu vực, một cơ chế toàn diện, thể chế và quy trình hoạt động, cũng như ý chí chính trị để đảm bảo rằng ASEAN sẽ đối phó hiệu quả với các vấn đề khói mù.

ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường các cơ chế trong hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin và huy động các nguồn lực kỹ thuật, tài chính để giải quyết vấn đề khói mù xuyên biên giới trong khu vực.

Để đạt được mục tiêu này, các nước thành viên cũng đã nhất trí soạn thảo một lộ trình hợp tác ASEAN theo hướng kiểm soát khói mù xuyên biên giới sẽ được thực hiện trong năm tới, trong đó thúc đẩy việc chia sẻ những bài học kinh nghiệm, nâng cao năng lực thể chế, phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ để đạt được một “tầm nhìn không khói bụi” ASEAN.

Ban Thư ký ASEAN sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên về việc thành lập một trung tâm với nguồn lực tài chính, kỹ thuật và nhân lực dành riêng cho lĩnh vực môi trường.

Trung tâm sẽ hoạt động theo tiêu chí tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động xây dựng năng lực, giảm thiểu tác động của khói mù; nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề khói mù xuyên biên giới; cũng như điều phối và huy động các nguồn lực kỹ thuật và tài chính để giải quyết các vấn đề liên quan.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục