ASEAN đặt mục tiêu tiến tới một tổ chức liên kết và ràng buộc hơn

Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn.
Các Ngoại trưởng ASEAN chụp hình lưu niệm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (Nguồn: AP)

Hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN đang diễn ra ở Myanmar hiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi những vấn đề nóng mà Hội nghị bàn tới, cũng như tiềm năng và sự phát triển của các quốc gia Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Tiến Minh, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao cho biết mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia theo kiểu Liên minh Châu Âu.

- Xin ông cho biết về quá trình ra đời của ý tưởng Cộng đồng ASEAN?

Ông Nguyễn Tiến Minh: Tháng 12/1997, nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ASEAN và sau khi Hiệp hội đã bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á, Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua văn kiện quan trọng Tầm nhìn ASEAN 2020, với mục tiêu tổng quát là đưa Hiệp hội trở thành “một nhóm hài hòa các dân tộc Đông Nam Á, gắn bó trong một cộng đồng các xã hội đùm bọc lẫn nhau.” Đấy là lần đầu tiên ý tưởng hình thành một Cộng đồng trong Hiệp hội ASEAN được đề cập.

Tháng 10/2003, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II (hay còn gọi là Tuyên bố Bali II), nhất trí đề ra mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 với ba trụ cột chính: Cộng đồng An ninh (ASC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC).

Các Kế hoạch hành động để xây dựng ba trụ cột Cộng đồng đó đã được thông qua, trong đó có phần quan trọng là thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

Tháng 1/2007, để kịp thích ứng với quá trình liên kết toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, cũng như trên cơ sở những thành tựu mà ASEAN đã đạt được, Lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết định rút ngắn tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN sớm lên 5 năm, tức là vào 2015 (thay vì vào năm 2020 như thỏa thuận trước đây); đồng thời cũng quyết định xây dựng Hiến chương ASEAN.

- Những nội dung cơ bản của Cộng đồng ASEAN là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Minh: Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơnvà ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia theo kiểu Liên minh châu Âu.

Mốc 31/12/2015 đã được xác định là điểm khởi đầu của Cộng đồng, và tiến trình xây dựng, hoàn thiện Cộng đồng vẫn sẽ còn tiếp tục sau đó.

Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN (nhất là IAI) được lồng ghép vào nội dung của từng trụ cột Cộng đồng ASEAN.

Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) nhằm mục tiêu là tạo dựng một môi trường hòa bình và an ninh cho phát triển ở khu vực Đông Nam Á thông qua việc nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, với sự tham gia và đóng góp xây dựng của các đối tác bên ngoài; không nhằm tạo ra một khối phòng thủ chung.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư-kinh doanh từ bên ngoài.

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC) với mục tiêu là phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, sẽ tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ. Sáu lĩnh vực ưu tiên hợp tác chính là: Phát triển con người; Phúc lợi và bảo hiểm xã hội; Các quyền bình đẳng xã hội; Đảm bảo môi trường bền vững; Tạo dựng bản sắc ASEAN và Thu hẹp khoảng cách phát triển.

- Ông nói rõ thêm về tình hình triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN đến giai đoạn hiện nay?


Ông Nguyễn Tiến Minh: Cộng đồng ASEAN được xây dựng thông qua việc triển khai ba Kế hoạch tổng thể của ba trụ cột. Tiến trình này đang được tiến hành khẩn trương:

Về Kế hoạch tổng thể xây dựng APSC, cho đến thời điểm hiện nay (tháng 7/2014), trong tổng số 147 đầu việc hoạt động, đã hoàn thành được 18 hoạt động, đang thực hiện 97 hoạt động, chiếm 78%. Hiện còn 32 chương trình chưa được triển khai (chiếm 22%). Trong 6 tháng đầu 2014, các nước ASEAN đã đăng ký triển khai nốt 28 trong số 32 dự án còn lại đó.

Hợp tác chính trị-an ninh ASEAN tiếp tục tập trung vào các nỗ lực củng cố môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực thông qua đẩy mạnh xây dựng lòng tin, đề cao, chia sẻ các chuẩn mực chung trong ứng xử giữa các quốc gia trong khu vực và với các nước bên ngoài; phát huy, nâng cao, mở rộng các công cụ và cơ chế hợp tác chính trị - an ninh hiện có của khu vực.

Về Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC, ASEAN đã hoàn thành 79,5% các mục tiêu đề ra và đã đạt được một số kết quả quan trọng: 1) liên kết nội khối không ngừng được tăng cường, nhất là trong thực hiện các hiệp định thương mại về hàng hóa (ATIGA), dịch vụ (AFAS), đầu tư (ACIA); và 2) mở rộng hợp tác, liên kết kinh tế, đẩy mạnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã ký kết với các đối tác bên ngoài (FTAs+1), và đàm phán Khuôn khổ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN với 6 đối tác.

Các nội dung còn lại không nhiều, nhưng là những vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực, tập trung vào ba vấn đề lớn: xóa bỏ hàng rào thuế nhập khẩu, tạo thuận lợi hóa thương mại và xóa bỏ hàng rào phi quan thuế.

Về Kế hoạch tổng thể xây dựng ASCC, cho đến nay gần 90% số các biện pháp đề ra đã và đang được thực hiện. ASEAN đã xác định các lĩnh vực ưu tiên của trụ cột ASCC trong năm 2014 gồm quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, hoàn thiện văn kiện về thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động di cư, xây dựng khung ASEAN về bảo trợ xã hội và các lĩnh vực hợp tác văn hóa.

Vấn đề thu hẹp khoảng cách phát triển (IAI) và thúc đẩy Chương trình tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) được đẩy mạnh và lồng ghép trong cả ba trụ cột.

Tóm lại các nước ASEAN hiện đang rất nỗ lực đẩy mạnh tiến trình xây dựng cộng đồng và đang giữ vững các mục tiêu đề ra.

- Ông đánh giá như thế nào về kế hoạch phát triển của ASEAN sau 2015?

Ông Nguyễn Tiến Minh: Để trả lời câu hỏi Cộng đồng ASEAN sẽ phát triển tiếp theo như thế nào, ASEAN đã quyết định xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015. Một nhóm công tác gồm các quan chức cao cấp đã được hình thành để trao đổi về vấn đề quan trọng này. Nhóm này đã qua một số lần bàn thảo về chiến lược phát triển của ASEAN, theo hướng kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được, đề ra các hướng chiến lược để nâng liên kết ASEAN trong Cộng đồng lên một tầm mức cao hơn. Nhóm công tác này dự kiến hoàn tất công việc của mình vào cuối 2015 và trình khuyến nghị lên Hội nghị cấp cao ASEAN cuối 2015 xem xét, thông qua.

Ngoài ra, ASEAN cũng thành lập Nhóm Đặc trách Cao cấp (HLTF) nhằm bàn các biện pháp tăng cường năng lực Ban thư ký ASEAN (Jakarta) và nâng cao hiệu quả, sự phối hợp giữa các cơ quan, bộ máy ASEAN.

Như vậy chúng ta có thể thấy ASEAN đang rất tích cực trong quá trình xem xét, tự hoàn thiện mình để phát triển tốt hơn trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục