ASEAN giữ vai trò gì trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc?

Sân khấu cạnh tranh lớn của Mỹ và Trung Quốc nằm ở khu vực Đông Nam Á, nơi vai trò hòa giải của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là rất quan trọng và không thể thiếu.
ASEAN giữ vai trò gì trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc? ảnh 1Sân khấu cạnh tranh lớn của Mỹ và Trung Quốc nằm ở khu vực Đông Nam Á. (Nguồn: fairobserver.com)

Trang mạng asia.nikkei.com đưa tin khi căng thẳng thương mại và công nghệ lan rộng sang thao túng tiền tệ, sự cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng trở thành một cuộc chiến phi quân sự.

Nó không còn là cuộc chiến liên quan đến thuế quan thương mại và công nghệ độc quyền mà nó bao gồm tất cả các hoạt động của chủ nghĩa trọng thương để chống lại đối thủ.

Mặc dù cuộc tranh cãi gay gắt này gợi nhớ đến cuộc xung đột của Mỹ với Liên Xô ở lục địa châu Âu cách đây nửa thế kỷ, song cuộc đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh về cơ bản là khác.

Sân khấu cạnh tranh lớn của Mỹ và Trung Quốc nằm ở khu vực Đông Nam Á, nơi vai trò hòa giải của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ là rất quan trọng và không thể thiếu.

Nếu ASEAN thất bại trong việc làm trung gian hòa giải Mỹ-Trung, châu Á có thể sẽ bị tước đoạt hòa bình, thịnh vượng, và xung đột dễ xảy ra.

Trong khi Mỹ và Liên Xô đưa trận chiến ý thức hệ của họ vào các nước thứ ba mà không có xung đột quân sự trực tiếp, thì cuộc đối đầu Mỹ-Trung là trực tiếp dù phi quân sự.

[Khi nào cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ kết thúc?]

Nền kinh tế của họ đan xem dày đặc, không thể tách rời thành các khối cạnh tranh như trước đây.

Một câu hỏi quan trọng là cuộc xung đột này sẽ duy trì phi quân sự trong bao lâu? Vì Trung Quốc biết rằng sức mạnh kinh tế là không đủ và có thể sẽ cần đến quân sự, Bắc Kinh đã tiến hành các chương trình nâng cấp vũ khí và hiện đại hóa quân sự chưa từng có.

Nhận thức được điều này, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump hiện nay và kể cả sau này có thể sẽ duy trì ưu thế quân sự vượt trội của mình, bao gồm một đội tàu sân bay vô song tiếp tục thống trị các vùng biển, vì sức mạnh kinh tế của Mỹ không thể ngăn cản động lực của Trung Quốc trở thành một siêu cường đối thủ toàn cầu.

Khi Trung Quốc cần thời gian để tăng cường năng lực quân sự, đặc biệt là sản xuất nhiều tàu sân bay, thì họ cũng phải chiến đấu trong các vấn đề thương mại, đầu tư, đổi mới công nghệ và ngoại giao.

Tàu sân bay đầu tiên được phát triển trong nước của Trung Quốc, được chụp lại hồi tháng 12 năm ngoái, đã rời cảng ở Đại Liên.

Nền tảng địa chiến lược hàng đầu của Trung Quốc là Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình, được ra mắt hồi năm 2013.

Nếu được thực hiện đầy đủ, BRI sẽ cho phép Trung Quốc trở thành một siêu cường Á-Âu với phạm vi ảnh hưởng toàn cầu bao gồm châu Á và Trung Đông cho đến Đông Phi và các biên giới biển của châu Âu.

Mặt khác, Mỹ đã mã hóa một chiến lược địa chính trị "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) vào các chiến lược an ninh-quốc phòng của mình, nhằm hạn chế BRI và ngăn chặn tham vọng và sự quyết đoán của siêu cường Trung Quốc.

Năm 2018, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ có trụ sở tại Honolulu đã được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và Không quân Mỹ đã phát hành số đầu tiên của Tạp chí Không quân về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nhắc đến khu vực này tới 146 lần, trong khi châu Á-Thái Bình Dương chỉ có 4 lần.

Cuộc đối đầu phi quân sự mở rộng giữa Mỹ và Trung Quốc trùng khớp với những rạn nứt liên tục và sự sắp xếp lại bối cảnh địa chính trị của châu Á. Sự thù hận sâu sắc đã xuất hiện trở lại trong cuộc cọ sát thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chính quyền Trump đã trở nên không đáng tin cậy đến mức sự bảo trợ và hòa giải của Mỹ đối với hai đồng minh hiệp ước quan trọng ở Đông Bắc Á đã không hiệu quả.

BRI của Trung Quốc và FOIP do Mỹ lãnh đạo, kết hợp với các động thái chiến lược giữa các cường quốc khác, đặt ra một câu hỏi hóc búa cho các quốc gia nhỏ hơn trong ASEAN, một chiến trường siêu cường quan trọng.

ASEAN giữ vai trò gì trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc? ảnh 2Container hàng hóa thuộc Tập đoàn vận tải biển COSCO của Trung Quốc cập cảng Long Beach, hạt Los Angeles, bang California (Mỹ) ngày 14/8/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các quốc gia biển ở ASEAN, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, đã phản đối các đảo nhân tạo được xây dựng trái phép và vũ khí hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong khi các đập của Trung Quốc trên sông Mekong đã gây bất lợi cho các nước hạ nguồn, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam.

Đứng trước thách thức này, ASEAN đã đưa ra "Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" (AOIP) để bình định và giải giáp cả hai siêu cường. AOIP tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng khu vực, tập trung giải quyết tranh chấp hòa bình, hợp tác hàng hải, kết nối và các Mục tiêu Phát triển bền vững.

AOIP nhấn mạnh Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN là nguyên tắc chỉ đạo cho hợp tác và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, như một cơ chế đầy đủ cho sự hiểu biết và đối thoại siêu cường.

AOIP thúc đẩy "tự do" hàng hải và hàng không cũng như các thỏa thuận "thương mại tự do" như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhưng không phải là ngôn ngữ “tự do và rộng mở” của FOIP.

ASEAN nên là mặt trận và trung tâm của hành động và phối hợp khu vực để ngăn các cường quốc xung đột với nhau. Bản thân ASEAN sẽ phải thừa nhận những thiếu sót nếu AOIP được các cường quốc bên ngoài châu Á thực hiện nghiêm túc.

Với việc trở thành nền tảng mặc định cho các cấu trúc khu vực, uy tín và tính trung tâm của ASEAN đòi hỏi sự gắn kết nhiều hơn và ít chia rẽ hơn.

Nếu các cường quốc chia rẽ ASEAN, các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực sẽ mất quyền tự chủ tập thể. Do dó, trong bối căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, vai trò cầu nối, xây dựng niềm tin và sự đồng thuận của ASEAN là cần thiết hơn bao giờ hết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục