ASEAN hợp tác nâng sức cạnh tranh công nghiệp

Phó Tổng thư ký ASEAN Pushpanathan nói hợp tác kinh tế sẽ giúp công nghiệp của các nước trong khối cạnh tranh và hiệu quả hơn.
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Sundram Pushpanathan, hợp tác kinh tế sẽ giúp các ngành công nghiệp của các nước trong khối cạnh tranh hơn và hiệu quả hơn.

Ông Pushpanathan cho rằng ASEAN là một điểm đến đầu tư hấp dẫn, không chỉ trong các ngành chế tạo mà còn trong các dịch vụ có giá trị gia tăng cao đối với các hoạt động sản xuất và phân phối như vận tải và hậu cần, dự trữ và nhập kho, đóng gói, môi giới hải quan. Tất cả những thế mạnh này sẽ là động lực tăng trưởng của ASEAN trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, ông Pushpanathan nhận định ASEAN vẫn đối mặt với những bất ổn của kinh tế toàn cầu, điều đang buộc các nhà hoạch định chính sách của khu vực tiếp tục theo đuổi các chính sách nhằm duy trì đà phục hồi kinh tế.

Tại cuộc họp trong tháng 4 vừa qua, các bộ trưởng tài chính ASEAN đã cam kết tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đến khi sự phục hồi kinh tế là chắc chắn.

Các chính sách này bao gồm kế hoạch rút các gói kích thích kinh tế một cách thận trọng cũng như thực thi các chính sách căn bản nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa, ổn định hệ thống tài chính và nâng cao năng suất sản xuất.

Tuy nhiên, đà phục hồi kinh tế ở ASEAN sẽ không diễn ra nhanh chóng, khi phụ thuộc rất lớn vào tốc độ phục hồi của kinh tế toàn cầu. Vấn đề là kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển, vẫn đối mặt với những rủi ro suy giảm rất lớn, trong đó có các vấn đề về nợ công và khả năng thanh khoản.

Ông Pushpanathan cho rằng cuộc khủng hoảng đã tạo ra cơ hội tốt để ASEAN xem xét lại các chiến lược tăng trưởng. Đây là lúc ASEAN tập trung vào việc tăng cường các động lực bên trong, thực thi những cải cách về cơ cấu và đẩy mạnh hợp tác kinh tế nội khối. Tất nhiên, điều này không có nghĩa các chiến lược phát triển hiện nay của ASEAN là không hiệu quả.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, những nỗ lực tập trung vào các vấn đề tái cân bằng và tăng cường nhu cầu nội địa được đặt lên hàng đầu trong chính sách phát triển của các nước trong khu vực. Bằng chứng là một số nước có chính sách hỗ trợ sự phát triển các ngành kinh tế nội địa, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo cũng như dịch vụ.

Trong giai đoạn 1997-2006, lĩnh vực chế tạo tăng trưởng trung bình 3,7%/năm, so với 2,2% của nông nghiệp, 2,8% của công nghiệp và 3,4% của dịch vụ. Do ngày càng phụ thuộc vào chu kỳ kinh doanh toàn cầu, rủi ro lớn nhất đối với các lĩnh vực này là sự biến động nhu cầu bên ngoài. Điều quan trọng là khu vực cần tiếp tục phát triển các ngành chế tạo nhằm tạo ra sự hợp tác lớn hơn và nâng cao khả năng cạnh tranh của mỗi nước.

Các số liệu chỉ ra rằng sự phát triển kinh tế của ASEAN đã cải thiện đáng kể trong thập kỷ qua. Tăng trưởng kinh tế của khối trong giai đoạn 1998-2009 đạt 5,7%, vượt so với mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế phát triển cũng như các khối khu vực khác như Đông và Trung Âu, Trung Đông và Bắc Phi, khu vực cận sa mạc Sahara và Tây bán cầu.

Nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người của ASEAN đã tăng gấp đôi, từ 1.159 USD năm 2000 lên 2.582 USD năm 2008. Các điều kiện xã hội của khu vực cũng cải thiện trong những năm qua, khi tỷ lệ đói nghèo và sự chênh lệch giàu nghèo ở hầu hết các nước đều giảm. Chỉ số bình đẳng xã hội của khu vực giảm từ 0,425 năm 1996 xuống 0,397 năm 2005. Chỉ số phát triển con người tăng từ 0,644 năm 1990 lên 0,742 năm 2005./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục