ASEAN nhất trí ưu tiên chiến lược thu hẹp khoảng cách phát triển

Vấn đề hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thời gian tới sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên lớn, trong đó có lương thực và nông nghiệp; thuận lợi hóa thương mại.
ASEAN nhất trí ưu tiên chiến lược thu hẹp khoảng cách phát triển ảnh 1Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Thông báo ngày 6/4 của Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN cho biết vấn đề hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN thời gian tới sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên lớn gồm lương thực và nông nghiệp; thuận lợi hóa thương mại; phát triển doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs); giáo dục; y tế và phúc lợi.

Đây là kết quả chính đạt được tại cuộc họp lần thứ 48 Nhóm Đặc trách về Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) diễn ra hai ngày trước tại Jakarta, Indonesia.

Khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên từ lâu đã là một trong những vấn đề lớn của ASEAN, đặc biệt là giữa nhóm nước ASEAN-6 và CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam).

Không đơn thuần chỉ về thu nhập bình quân đầu người, giữa ASEAN-6 và CLMV còn tồn tại những khoảng cách lớn về trình độ giáo dục, chăm sóc y tế, khuôn khổ và năng lực thể chế, hạ tầng và mức độ tiếp cận công nghệ thông tin...

Sự chênh lệch về trình độ phát triển đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hợp tác, mức độ liên kết trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với bên ngoài.

Nhận thức được điều này, ASEAN luôn coi thu hẹp khoảng cách phát triển là một trong những ưu tiên cao trong hợp tác nội khối cũng như với các đối tác.

Trên cơ sở IAI được thông qua tại Hội nghị Cấp cao năm 2000, ASEAN đã xây dựng và triển khai Kế hoạch công tác về thu hẹp khoảng cách phát triển trong các giai đoạn I (2002-2008) và giai đoạn II (2009-2015) với mục tiêu hỗ trợ và nâng cao năng lực cho các nước CLMV nhằm hoàn thành những nghĩa vụ, cam kết hội nhập khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Hiện nay, ASEAN đang bước vào giai đoạn nước rút thực hiện Kế hoạch công tác về IAI giai đoạn II và chuẩn bị xây dựng Kế hoạch công tác về IAI giai đoạn III.

Từ năm 2009 đến nay có 360 dự án được triển khai với ngân sách 47,8 triệu USD, trong đó có nhiều chương trình đào tạo kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ đã mang lại những kết quả thiết thực, giúp nâng cao năng lực cho CLMV trong tiến trình hội nhập khu vực.

Về phương hướng sắp tới, các đại biểu nhất trí tập trung thực hiện những biện pháp/hoạt động còn lại trong Kế hoạch công tác về IAI giai đoạn II, nhất là những biện pháp đáp ứng yêu cầu cấp bách của CLMV, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Kế hoạch công tác về IAI giai đoạn III để kịp trình thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN vào tháng 9 tới tại Lào.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả từ các nước ASEAN-6 và đối tác dành cho CLMV; đề nghị ASEAN và các đối tác cần tiếp tục coi thu hẹp khoảng cách phát triển là ưu tiên cao và lâu dài trong hợp tác thời gian tới và có những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả giúp CLMV hội nhập khu vực và thụ hưởng đầy đủ lợi ích từ Cộng đồng.

Nhóm Đặc trách IAI gồm các Đại diện thường trực tại ASEAN, với cơ chế chủ tịch luân phiên giữa các nước CLMV. Nhiệm vụ chính của nhóm là tham gia xây dựng, điều phối và giám sát tiến độ triển khai Kế hoạch công tác về IAI, đồng thời phối hợp và cộng tác với các đối tác, cơ quan phát triển và nhà tài trợ tham gia thực hiện các chương trình/biện pháp về IAI./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục