ASEAN nỗ lực nâng cao việc sử dụng đồng bản tệ

Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần 6 bàn về hợp tác giữa các ngân hàng với nỗ lực nâng cao việc sử dụng đồng bản tệ.
Ngày 7/4, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra Hội nghị Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN lần thứ sáu, dưới sự chủ trì của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu.

Tham dự Hội nghị có Thống đốc và đại diện Ngân hàng Trung ương các nước thành viên ASEAN.

Ông Shinohara, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tham dự hội nghị với tư cách là diễn giả và cùng trao đổi quan điểm về triển vọng kinh tế khu vực ASEAN cũng như toàn cầu, các thách thức đối với ngân hàng trung ương của các quốc gia trong bối cảnh hậu khủng hoảng kinh tế thế giới.

Những vấn đề nổi bật trên bàn nghị sự tại hội nghị lần này là Lộ trình hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN, hợp tác giữa các Ngân hàng Trung ương các thành viên ASEAN với nỗ lực nâng cao việc sử dụng đồng bản tệ để thanh toán thương mại trong khu vực ASEAN, hợp tác tài chính ngân hàng trong ASEAN+3.

Đối với Lộ trình hội nhập tài chính, tiền tệ trong khối ASEAN và ASEAN+3, hội nghị đã rà soát tiến độ triển khai để đảm bảo mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, rà soát hệ thống biểu đánh giá (AEC Scorecard) đã được xây dựng để giám sát việc thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đề ra trong kế hoạch tổng thể.

Theo báo cáo mới nhất của Ban thư ký ASEAN, kết quả của AEC Scorecard trong hai năm 2008 và 2009, đã có hơn 73% các mục tiêu đề ra trong kế hoạch tổng thể đã được thực hiện. Hội nghị đã thông qua đề xuất thành lập nhóm công tác về hệ thống thanh toán khu vực, với nhiệm vụ thúc đẩy quá trình hài hòa hóa các chuẩn mực và hệ thống thanh toán trong khu vực, tạo thuận lợi cho quá trình lưu chuyển vốn và thanh toán giữa các quốc gia của khối.

Các đại biểu cũng thảo luận sâu về vấn đề hợp tác giữa các ngân hàng trung ương đối với sáng kiến thúc đẩy sử dụng các đồng tiền trong khu vực để thanh toán thương mại nội khối ASEAN, nhằm đưa ra mô hình có tính khả thi cao nhất.

Nội dung hợp tác tài chính ASEAN+3 được hội nghị đề cập đến với kết quả hợp tác tài chính giữa ASEAN cùng ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật bản, trong việc đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM).

Nổi bật là tất cả các nước đều cam kết đóng góp 120 tỷ USD (trong đó ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đóng góp 96 tỷ USD; các nước ASEAN đóng góp 24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ cho các ngân hàng trung ương các nước thành viên CMIM giải quyết khó khăn khẩn cấp trong cán cân thanh toán, thực hiện mục tiêu ổn định tiền tệ và kinh tế vĩ mô ở mỗi quốc gia.

Năm 2010, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam tiếp tục cùng với Trung Quốc đồng chủ trì tiến trình CMIM, nhằm triển khai và vận hành CMIM trong thời gian nhanh nhất, đạt được các mục tiêu đã đề ra, sau khi thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày 24/3./.

Tiên Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục