ASEAN phải làm gì để không đối mặt với nguy cơ lỗi thời?

Từ lâu, giới chuyên gia và người dân đã khẳng định rằng ASEAN cần phải "phát triển" để phù hợp với sự năng động của khu vực Đông Nam Á.
ASEAN phải làm gì để không đối mặt với nguy cơ lỗi thời? ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 39. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong một bài viết được đăng tải trên tờ New Straits Times (Malaysia), Yanitha Meena Louis và Muhammad Sinatra - các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Malaysia (ISIS) - cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần phải phát triển, nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ lỗi thời. Nội dung chính của bài viết như sau:

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 đã khai mạc ngày 26/10 dưới sự chủ trì của Brunei - nước chủ tịch ASEAN năm 2021.

Các hội nghị đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận ngay cả khi chưa diễn ra do ASEAN đã đưa ra một quyết định chưa từng có trong suốt chiều dài lịch sử của khối này, đó là loại nước thành viên Myanmar khỏi các cuộc họp.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã ủng hộ quyết định táo bạo này. Động thái này có thể cứu vãn uy tín của ASEAN. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận sâu xa hơn, cuộc khủng hoảng Myanmar đã đẩy ASEAN vào một “cuộc khủng hoảng sống còn.”

[Lĩnh vực công nghệ tài chính ASEAN đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ]

Có lẽ, "trong cái rủi lại có cái may." Từ lâu, giới chuyên gia và người dân đã khẳng định rằng ASEAN cần phải "phát triển" để phù hợp với sự năng động của khu vực Đông Nam Á.

Nếu cuộc khủng hoảng nhân đạo và cái chết của hơn 1.000 dân thường ở Myanmar không đủ để tạo ra “những thay đổi," có lẽ ASEAN đã đánh mất bản sắc và tầm nhìn về một số lý tưởng cao cả của chính tổ chức này. Hiện nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội để ASEAN tìm kiếm bản sắc và “linh hồn."

Tuy nhiên, hai chuyên gia Yanitha Meena Louis và Muhammad Sinatra khuyến nghị rằng đã đến lúc ASEAN phải "phát triển," điều này không chỉ liên quan đến việc kế thừa những thành tựu, sửa chữa những thiếu sót mà còn phải tìm cách vượt qua tình cảnh hiện nay.

Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu, ASEAN không thể không “phát triển” khi đại dịch đã buộc mọi thứ và mọi người phải thay đổi. ASEAN không thể chỉ là một di tích của quá khứ, một thực thể không cộng hưởng với thực tế khu vực.

Hai chuyên gia Yanitha Meena Louis và Muhammad Sinatra cho rằng hiện vẫn chưa quá muộn để ASEAN phát triển. ASEAN phải phát triển theo xu hướng hợp lý và không được thoái lui.

Đối với hiệp hội, "phát triển" có nghĩa là đối mặt với những vấn đề khó khăn, nan giải nhất mà khu vực đang phải đối mặt, đồng thời thu hút tất cả các bên liên quan, từ các đối tác đối thoại đến các cường quốc trong và ngoài khu vực, để tìm ra giải pháp lâu dài cho các thách thức của khu vực, bao gồm cả vấn đề Myanmar.

ASEAN phải mạnh dạn, có chiến lược, chủ động, nhạy bén, xem xét kỹ lưỡng các vấn đề nội khối. Các đối tác đối thoại đã ủng hộ các sáng kiến do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt là kể từ khi đại dịch bùng phát.

ASEAN cần ứng xử theo hướng "có đi có lại" để tìm ra các giải pháp phục hồi sau đại dịch trong những vấn đề như giao thương, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng vaccinie và mở cửa biên giới.

Các đối tác đối thoại công nhận khái niệm vai trò trung tâm của ASEAN khi hầu hết đều đưa ra các sáng kiến lớn xoay quanh sự thịnh vượng của Đông Nam Á và mong muốn hợp tác sâu sắc hơn với các quốc gia thành viên. ASEAN phải tận dụng động lực này và chủ động, thay vì bị động, phản ứng với những nỗ lực này.

Theo hai chuyên gia Yanitha Meena Louis và Muhammad Sinatra, đang phát triển ở đây có nghĩa là định hình chương trình nghị sự và các thông số của Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Đối thoại an ninh bốn nước (Bộ tứ), quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN và Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng các sáng kiến, hoạt động khác.

ASEAN cũng phải sẵn sàng chào đón các nước láng giềng muốn hợp tác trong các vấn đề cấp bách của khu vực.

Điều này bao gồm cả việc mở rộng các đối tác chiến lược của khối giống như trường hợp của Bangladesh.

Cuộc khủng hoảng ở Myanmar có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc gia Nam Á này - nơi có tới hơn 1,2 triệu người Rohingya cư trú tính đến tháng 8/2021. Dhaka là một đối tác cần thiết, vậy mà ASEAN chưa có sự tương tác hợp lý.

Cấu trúc của ASEAN cũng là một điểm cần lưu tâm. Với rất nhiều công cụ, cơ chế và cơ quan hoạt động dưới sự bảo trợ của hiệp hội, ASEAN là một bộ máy quan liêu cồng kềnh.

Thực tế này còn chưa kể đến nhiều công cụ mới được giới thiệu trong các hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất, trong đó có các hệ thống điều phối y tế công cộng và trung tâm dành cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và các bệnh mới nổi.

Mặc dù những sáng kiến này đáng được ca ngợi nhưng lại làm suy yếu Ban Thư ký ASEAN và gây khó khăn cho các quốc gia thành viên vốn thiếu thốn nguồn lực. Để phát triển, tiến hóa, ASEAN nên ngừng tạo ra các cơ quan mới.

Cấu trúc, quy trình và ngôn ngữ của ASEAN khiến những người mà tổ chức này tìm cách phục vụ cảm thấy hiệp hội xa lạ, không gần gũi. Khoảng cách này càng nới rộng bởi những khó khăn trong giao tiếp của ASEAN.

Trang web và phương tiện truyền thông xã hội của hiệp hội không giải thích và cũng không tiếp cận được với công chúng.

ASEAN sẽ chỉ thành công khi người dân và các quốc gia thành viên tin tưởng hiệp hội.

Thế hệ trẻ không có cái nhìn tích cực đối với ASEAN, ít nhất là trong số những người có hiểu biết về tổ chức khu vực này, trong khi đó sự tồn tại hay thành công của ASEAN phụ thuộc vào khả năng duy trì sự phù hợp với thế hệ tiếp theo.

Điều này có nghĩa là ASEAN cần phải phát triển bằng cách xem xét lại các nguyên tắc cốt lõi, cấu trúc và hiệu quả hoạt động của mình trong 54 năm tồn tại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục