ASEAN sẽ đồng thuận phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông?

Sự chênh lệch trong các mối quan hệ và quyền lực giữa ASEAN và Trung Quốc cho thấy ASEAN rất khó vượt qua để có được một phản ứng đồng thuận phản đối các hành động của Trung Quốc.
ASEAN sẽ đồng thuận phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông? ảnh 1Hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Ngày 13/11, báo Washington Times đã đăng bài phân tích về việc liệu ASEAN có thành công trong việc xóa bỏ sự ngăn cách trong vấn đề Biển Đông hay không.

Theo bài viết, còn quá sớm để nói tới chiến thắng của Philippines tại vụ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc về các tuyên bố chủ quyền tại các khư vực tranh chấp ở Biển Đông.

Các nhà quan sát tin rằng đã có những lời đề nghị để Philippines không theo đuổi vụ kiện nhằm thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc nhưng đã bị từ chối. Một điều rõ ràng là Philippines cần giành được sự ủng hộ của 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Jay L. Batongbacal, giám đốc viện luật pháp và các vấn đề về biển (UP-IMLOS) cho rằng Manila vẫn cần phải duy trì sự ủng hộ quốc tế để có thể tạo ra áp lực chính trị cần thiết từ chiến thắng về mặt pháp lý.

Phán quyết của Tòa thường trực là một đòn quốc tế đánh thẳng vào tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, mở ra mô hình ASEAN mới tham gia giải quyết với Bắc Kinh. Hội nghị Cấp cao ASEAN thường niên lần thứ 27 sắp diễn ra tại Kuala Lumpur từ ngày 18-22/11 sẽ là một diễn đàn thuận lợi để các thành viên ASEAN giải quyết vấn đề Trung Quốc gia tăng các hoạt động tôn tạo nhằm thực hiện các yêu sách chủ quyền, đồng thời là cơ hội để ASEAN củng cố bộ quy tắc ứng xử, đảm bảo an toàn cho ngư dân, đưa ra quyên bố về sự cần thiết đố với vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông và thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Một số chuyên gia pháp lý quốc tế cho rằng ngay bây giờ Trung Quốc là nước dễ bị tổn hại kể cả khi có những nhượng bộ nhằm ngăn chặn một vụ kiện khác. Hội nghị thượng đỉnh sẽ là nơi các thành viên ASEAN tận dụng để thảo luận các biện pháp giải quyết với Trung Quốc trước khi xem xét việc khởi kiện tiếp theo.

Các tranh chấp kéo dài liên quan đến các tuyên bố chủ quyền đã làm dấy lên quan ngại rằng nó có thể làm bùng phát thành cuộc xung đột lớn tiếp theo ở châu Á. Các hoạt động của Trung Quốc biến ít nhất bảy bãi cát ngầm và rạn san hô thành các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã tạo ra những căng thẳng trong khu vực.

Thách thức mà khu vực đang phải đối mặt là làm thế nào để tránh được bất kỳ một cuộc xung đột vũ trang nào có thể xảy ra giữa các nước có tuyên bố chủ quyền. Vì vậy, đến nay ASEAN vẫn tiếp tục tìm kiếm một sự cân bằng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh.

ASEAN đã bị chia rẽ về vấn đề Biển Đông do các tác động từ Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính của ASEAN và tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều có lợi ích trong mối quan hệ thương mại chặt chẽ này. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã đánh bóng hình ảnh của mình như là “ân nhân” chính của các nước láng giềng nhỏ bé, tuy nhiên uy tín của Trung Quốc đang sẽ bị mất đi khi các quốc gia thành viên ASEAN đoàn kết phản đối các hoạt động tôn tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Philippines đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực tranh chấp, đã tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ phía Hoa Kỳ. Việt Nam cũng là nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, nỗ lực giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Bề ngoài, Indonesia, Malaysia và Singapore duy trì tính trung lập, trong khi các thành viên còn lại là Thái Lan, Brunei, Myanmar, Lào và Campuchia tỏ vẻ đồng thuận với hầu hết các sáng kiến của Trung Quốc.

Zhang Hongzhou, một nhà nghiên cứu làm việc cho Chương trình nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược và Quốc phòng tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng: "Singapore là nước không liên quan trực tiếp tới các tranh chấp ở Biển Đông, Malaysia là một trong những quốc gia yêu sách, ngày càng can dự vào nhiều hơn, ngư dân của nước này đang bị đẩy ra khỏi Biển Đông, như tại các khu vực như tại bãi cạn Luconia."

Sự chênh lệch trong các mối quan hệ và quyền lực giữa ASEAN và Trung Quốc cho thấy ASEAN rất khó vượt qua để có được một phản ứng đồng thuận phản đối các hành động của Trung Quốc.

Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn đề cập đến vấn đề hợp tác và quan hệ đối tác và Bắc Kinh cũng không ngừng tiến hành các “cuộc tấn công quyến rũ” có tính toán, nhưng có lẽ đã không đem lại hiệu quả đối với những người cảnh giác sâu sắc với sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là khi Trung Quốc tiến hành các vụ tấn công vào ngư dân của nước khác.

Căng thẳng tại Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng đang đẩy Việt Nam có quan hệ an ninh gần gũi hơn với Mỹ và các cường quốc ngoài khu vực.

Không quốc gia thành viên nào mong muốn khu vực trở trành chiến trường giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Mỹ quyết định gửi tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Lassen đến tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa là để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Việc áp dụng biện pháp mạnh này đã tạo động lực để Indonesia và Malaysia chuyển từ quan điểm trung lập sang phản đối các công trình xây dựng của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng đã thẳng thắn chỉ trích Bắc Kinh vì đã "làm xói mòn sự tin tưởng và niềm tin giữa ASEAN và Trung Quốc." Ông Lê Lương Minh đã minh chứng cho các chỉ trích của mình bằng một loạt các hoạt động của từ phía Trung Quốc như việc tôn tạo các bãi, đá; ban hành lệnh cấm đánh cá bất hợp pháp và sách nhiễu ngư dân ở Biển Đông.

Mặc dù đã thành lập được một đường dây nóng giữa ASEAN-Trung Quốc để giải quyết và quản lý các vấn đề liên quan đến Biển Đông, tuy nhiên ASEAN đã không thể đưa ra được bất kỳ phản ứng đồng thuận nào đối với những hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hơn nữa, trong các từ ngôn từ ngoại giao, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á dường như đã không đề cập Trung Quốc như là "mối đe dọa" thay vào đó lại dùng từ "thách thức" để thay thế trong một nỗ lực nhằm xua tan bất kỳ nhận thức nào của Trung Quốc cho rằng ASEAN có thể “hợp tác" chống Trung Quốc.

Mặc dù Malaysia là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay, có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng Malaysia sẽ không muốn rơi vào hoàn cảnh tương tự như Campuchia năm 2012, khi nước này bị Trung Quốc gây áp lực và ASEAN đã không đưa ra thông cáo chung, dẫn đến ASEAN thất bại trong việc đưa ra đồng thuận để giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Bài báo đặt câu hỏi phải chăng những chia rẽ sâu sắc trong ASEAN có thể mất đi và ASEAN có thể đi đến sự đồng thuận, chỉ trích và gây ra áp lực ngoại giao lên các hoạt động tôn tạo, bồi đắp của Trung Quốc tại Biển Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục