ASEAN - trọng tâm trong chính sách ''xoay trục'' của Nga

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định lập trường ủng hộ của Nga đối với việc duy trì một hệ thống quan hệ liên quốc gia hiệu quả vốn đã được hình thành trên cơ sở ASEAN và đã được vận hành tốt
(Ảnh: Dương Trí/TTXVN)
(Ảnh: Dương Trí/TTXVN)

Chia sẻ quan điểm về văn kiện “Triển vọng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong tương quan chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” khi trả lời phỏng vấn báo Bangkok Post của Thái Lan, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược với toàn thế giới.

Điều này không phải là cường điệu. Và vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà tất cả các cường quốc, các trung tâm quyền lực lớn nhất như Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều chú ý tới khu vực này.

ASEAN - trọng tâm trong chính sách ''xoay trục'' của Nga ảnh 1 Trưởng đoàng chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 7. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Moskva mong muốn một vai trò tích cực và mang tính xây dựng tại ASEAN…

Gần đây, cả thế giới đã chứng kiến những nỗ lực của Washington nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á thông qua việc đưa ra khái niệm về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Chiến lược này, theo dự định của nền kinh tế lớn thế giới, sẽ thay thế cho định dạng hợp tác thông thường của châu Á-Thái Bình Dương.

Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev khẳng định lập trường ủng hộ của Nga đối với việc duy trì một hệ thống quan hệ liên quốc gia hiệu quả vốn đã được hình thành trên cơ sở ASEAN và đã được vận hành tốt trong nhiều năm gần đây.

Về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng sáng kiến của Mỹ là thách thức nghiêm túc đối với các nước ASEAN vì điều đó có thể làm suy yếu lập trường của Tổ chức, tước đi vai trò là người chơi chủ chốt trong việc giải quyết các vấn đề an ninh ở khu vực. Ngoài ra, chiến lược của Mỹ cũng mâu thuẫn với những nguyên tắc căn bản của ASEAN như không liên kết và quy chế ngoài khối liên minh.

Về phần mình, ASEAN cũng đã nêu quan điểm với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, khẳng định sẽ kiên trì với các nguyên tắc của Hiệp ước hữu nghị và hợp tác ở Đông Nam Á cùng những văn kiện căn bản khác mà trên cơ sở đó hình thành công việc của Hội nghị Cấp cao Đông Á. Mười nước ASEAN đã cho thấy nỗ lực kiên nhẫn chung trong việc xây dựng không gian bao trùm và hợp tác kinh tế cùng có lợi.

Nhà lãnh đạo khẳng định Nga có ý định phát triển hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau với tất cả các đối tác có quan tâm, trong hình thức song phương và trong khuôn khổ các tổ chức liên quốc gia, trên cơ sở tôn trọng lợi ích quốc gia, cùng có lợi, bình đẳng và thượng tôn luật pháp quốc tế.

Nhận định về vai trò sắp tới của “xứ Bạch dương” trong khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng Medvedev cho rằng Nga là quốc gia Á-Âu, là một bộ phận không tách rời của cộng đồng các quốc gia châu Á cả về vị trí địa lý cũng như các mối liên hệ về kinh tế, chính trị, văn hóa và lịch sử với các quốc gia ở khu vực này.

Do đó, vai trò của Nga sẽ là tích cực và mang tính xây dựng. Moskva không mong muốn có bất kỳ áp đặt nào, không can thiệp vào công việc nội bộ, không đe dọa vũ lực, không đưa ra các tối hậu thư. Ngược lại, Nga cũng sẽ xây dựng với các đối tác châu Á mối quan hệ mang tính xây dựng trên cơ sở niềm tin và tôn trọng lẫn nhau.

Thủ tướng khẳng định Nga ủng hộ sự cạnh tranh lành mạnh và tôn trọng quyền của các quốc gia trong việc tự lựa chọn con đường phát triển của mình với các truyền thống và đặc trưng văn minh riêng.

Ngoài ra, còn một điều rất quan trọng đó là chính sách tương hỗ. Nga sẽ tiếp tục công việc của mình tại khu vực trên tất cả các hướng và trong các hình thức khác nhau, song phương và đa phương, bao gồm trên bình diện Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU). Chương trình hợp tác giữa EAEU và ASEAN giai đoạn 2019-2020 đang được triển khai một cách thực tế.

[Nga ưu tiên chính sách phát triển hợp tác với các nước ASEAN]

ASEAN cũng quan tâm hợp tác với Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Các nước liên quan có chung một mục tiêu đó là phối hợp với nhau để đảm bảo sự ổn định và an ninh khu vực, đấu tranh với các nguy cơ và thách thức toàn cầu. Trước hết, là với chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Để đạt được hiệu quả tối đa trong lĩnh vực này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan bảo vệ pháp luật và các đơn vị đặc vụ, như những gì đang diễn ra ở cơ quan chống khủng bố khu vực của SCO và Hiệp hội cảnh sát quốc gia ASEAN.

Và tất nhiên, Thủ tướng Nga cho rằng hai bên cần phải mở rộng các mối quan hệ văn hóa và nhân văn. Ở đây, triển vọng hợp tác là rất lớn vì các nước Đông Nam Á sở hữu tiềm năng đáng kể về tri thức và khoa học. Bản sắc văn hóa của khu vực này càng ngày càng thu hút khách du lịch Nga. Các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia là điểm đến yêu thích của các công dân Nga.

ASEAN - trọng tâm trong chính sách ''xoay trục'' của Nga ảnh 2Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. (Nguồn: Tass)

… bên cạnh những triển vọng phát triển hợp tác kinh tế

Hiện nay, trao đổi thương mại giữa Nga và các nước ASEAN có lẽ chưa tương xứng với khả năng của các nền kinh tế. Vấn đề này cũng có những nguyên nhân khách quan, bởi giới kinh doanh Nga theo truyền thống chú ý nhiều hơn tới các thị trường châu Âu và những quốc gia châu Á có khoảng cách địa lý gần. Còn cơ sở hạ tầng xuất khẩu mà cho phép gia tăng cán cân thương mại ở hướng Đông mới bắt đầu được phát triển cách đây không lâu.

Dẫu vậy, nếu nhìn lại, có thể thấy có những thay đổi khá tích cực. Chỉ trong một vài năm, từ năm 2009-2013, trao đổi thương mại giữa Nga và ASEAN đã tăng gấp đôi, đạt hơn 17,5 tỷ USD. Tuy nhiên, khoảng lặng tạm thời sau bước đột phá đó đang hình thành trong bối cảnh các tiến trình phức tạp trong nền kinh tế thế giới và các biện pháp trừng phạt chống Nga. Thậm chí, các yếu tố tiêu cực này đã không làm thay đối xu thế trong nhiều năm. Đến năm 2018, khối lượng trao đổi thương mại mới tiệm cận 20 tỷ USD.

Chính vì vậy, Thủ tướng Nga cho rằng Moskva muốn tăng cường tính năng động trong lĩnh vực này với ASEAN, bởi theo ông, tiềm năng đối với phát triển hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn còn rất lớn, trong đó có hoạt động trao đổi hàng hóa và các ngành công nghệ cao.

Hiện nay, các cuộc đàm phán về xây dựng các trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân đang được tiến hành với một số nước thành viên ASEAN. Các công ty con của Rosatom đang triển khai dự án thiết kế và ứng dụng tổ hợp máy gia tốc Cyclotron tại Thái Lan. Ngoài ra, Moskva cũng nhận thức được về mối quan tâm của các đối tác trong việc xây dựng các trạm hạt nhân nổi. Đây là những hướng đi rất lớn và rất có triển vọng, hữu ích đối với việc phát triển các lãnh thổ ở khoảng cách xa với lục địa.

Trong khi đó, việc xây dựng mạng lưới vận tải của các “thành phố thông minh” có thể mở ra những cơ hội lớn. Điều này có thể giúp làm giảm khoảng cách công nghệ số giữa các nước và khu vực. Tại triển lãm chuyên ngành Singapore năm 2018, các công ty Nga đã chứng tỏ được thực lực của mình trước các đối tác châu Á.

Tháng 3/2019 vừa qua, tại tỉnh Kaluga của Nga đã diễn ra diễn đàn “Thành phố thông minh. Chỉ dẫn sử dụng” với sự tham gia của các đối tác đến từ ASEAN. Họ quan tâm đặc biệt tới các sáng chế của Nga trong lĩnh vực dịch vụ điện tử nhà nước, số hóa kinh tế thành thị, hoàn thiện dịch vụ nhà ở và hạ tầng giao thông.

Danh sách các nước quan tâm tới lĩnh vực này vẫn chưa ngừng mở rộng. Sự phát triển công nghệ hiện đại cho phép nói về không chỉ không gian địa lý, mà còn cả các chức năng nền tảng. Các chức năng này có thể được hình thành trên cơ sở các giải pháp công nghệ năng lượng, thông tin chung và những vấn đề khác, bao gồm các dự án về trí tuệ nhân tạo. Bởi vậy, trao đổi kinh doanh trên cơ sở cách tiếp cận như vậy sẽ không thể bị kìm hãm bởi khoảng cách xa về địa lý. Vì những phần mềm và giải pháp không cần phải chất lên tàu biển hay đường sắt.

Việc tăng cường hợp tác ở cấp độ khu vực có thể đóng góp đáng kể cho việc mở rộng trao đổi thương mại. Ngoài ra, nước Nga cũng tích cực khuyến khích các khu vực và giới kinh doanh địa phương bước ra thị trường nước ngoài, bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển của khu vực Viễn Đông Nga.

Những nỗ lực này cũng đã mang lại những kết quả. Diễn đàn kinh tế phương Đông diễn ra vào tháng Chín vừa qua đã tạo nên kỷ lục mới về số lượng các thành viên tham gia với hơn 8.500 người đến từ 65 quốc gia. Hơn 50 tỷ USD đã được phân bổ để triển khai các dự án nâng cấp kinh tế ở phần lãnh thổ châu Á.

Còn một khả năng nữa đó là triển khai các dự án đầu tư chung. Nga thường xuyên hoàn thiện các điều kiện tiến hành kinh doanh. Điều này đã được thể hiện bằng các chỉ số xếp hạng tích cực theo Doing Business, trong đó Nga đã được nâng lên ba bậc, ở vị trí 28.

Các công viên công nghệ và khu công nghiệp với môi trường thuận lợi đang được mở ra cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Chính phủ Nga đang xây dựng các luật mới nhằm tăng cường bảo đảm tính ổn định điều kiện làm việc cho các nhà đầu tư khi bắt đầu các dự án lớn mới.

Trong khi đó, thị trường truyền thống đối với các mặt hàng và dịch vụ cũng đang được mở rộng, trước hết là nhờ sự phát triển của Liên minh kinh tế Á-Âu. Ngoài ra, theo Thủ tướng Nga, còn một lĩnh vực có tiềm năng tốt khi trao đổi hàng hóa tăng trưởng đó là tài chính. Vấn đề này không chỉ bao hàm các công cụ truyền thống để hỗ trợ hợp đồng thương mại, mà còn có cả việc chuyển sang thanh toán bằng nội tệ giữa hai nước.

Bước đi này cho phép giảm chi phí và rủi ro từ việc biến động tỉ giá, qua đó phản ánh đúng, tích cực doanh thu của các công ty và khối lượng thương mại nói chung.

ASEAN - trọng tâm trong chính sách ''xoay trục'' của Nga ảnh 3Đại sứ các nước ASEAN tại Liên bang Nga chụp ảnh chung nhân ''Ngày ASEAN'' tại Moskva. (Ảnh: Dương Trí/TTXVN)

Vai trò của Nga trong việc tăng cường tiềm năng của ASEAN trong lĩnh vực an ninh trên biển?

Trong lĩnh vực tăng cường an ninh trên biển, Thủ tướng Nga cho rằng các tàu chiến của Hải quân Nga hàng năm vẫn thực hiện các chuyến thăm hữu nghị đến các nước Đông Nam Á.

Thủ tướng liệt kê một số diễn đàn có thể thảo luận về những triển vọng này như Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN về an ninh, Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng, cũng như cơ chế SMOA+ đã được nhắc đến ở trên, bên cạnh việc bày tỏ ý định sẵn sàng giúp đỡ quản lý nguồn lực nghề cá, đấu tranh chống ô nhiễm môi trường biển, bao gồm rác thải nhựa. Ngày nay, đây là một trong những vấn đề gai góc nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Các cơ quan chuyên môn của Nga cũng đang tham gia vào việc phát triển tổng hợp các biện pháp thực tế nhằm đảm bảo an ninh biển theo cách hiểu rộng. Đây là cuộc chiến chống hải tặc, đánh bắt cá trộm, bảo vệ cảng biển và cơ sở hạ tầng, các chiến dịch tìm kiếm cứu nạn trên biển, phản ứng trong trường hợp thiên tai. Thủ tướng khẳng định Moskva sẵn sàng tăng cường hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực này.

ASEAN - trọng tâm trong chính sách ''xoay trục'' của Nga ảnh 4(Nguồn: En.russia-asean20.ru)

Tăng cường hợp tác trong khuôn khổ EAEU

Sự hợp tác trong khuôn khổ EAEU đang phát triển hết sức tích cực. Theo Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, lý do dẫn đến điều này là rất rõ ràng. Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã tạo nên một trong những thị trường chung lớn nhất với gần 184 triệu người tiêu dùng, với GDP tổng thể gần 2.000 tỷ USD. Các quốc gia EAEU cũng đang gia tăng sản suất công nghiệp, nông nghiệp, trao đổi vận tải hàng hóa.

[Vì sao Nga "xoay" chính sách hướng Đông về ASEAN?]

Nước Nga đang tiếp tục mở rộng hợp tác thực tế trên tất cả các hướng, tiến hành xây dựng thị trường tài chính chung, phối hợp hành động trong cuộc chiến chống hàng giả, hợp tác trong lĩnh vực các dự án số. Còn có một ưu thế nghiêm túc của EAEU đó là các tiếp cận mềm dẻo trong phối hợp với các nước khác hoặc các cơ chế liên khu vực.

Theo Thủ tướng Dmitry Medvedev, ngay từ khi bắt đầu dự án hội nhập này, Moskva đã hành động trên cơ sở thực dụng. Trong EAEU, không ai gây áp lực lên con người, các công ty cũng như các quốc gia. Các vấn đề tư tưởng nào đó hoàn toàn không có trong chương trình thảo luận và Nga sẽ không tham gia vào các cuộc chiến thương mại vì Moskva hiểu rằng thời của các thị trường khép kín đã đi qua và bất kỳ chủ nghĩa bảo hộ nào đó đều có hại đối với phát triển cạnh tranh.

Phương hướng hành động là rất đơn giản, cởi mở và minh bạch, EAEU luôn đề xuất những quan hệ đối tác cùng có lợi. Thủ tướng Dmitry Medvedev cho rằng đây là một trong những nguyên nhân mà nhờ đó EAEU không chỉ tạo nên sự quan tâm, mà còn bắt đầu phổ biến trên tất cả các mức độ hợp tác quốc tế. Đường lối chiến lược xích lại gần với EAEU là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của kế hoạch hành động chung của ASEAN đến năm 2025.

Ngoài ra, EAEU cũng tích cực phát triển hợp tác với từng quốc gia riêng theo hình thức thỏa thuận thương mại tự do FTA. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký FTA với EAEU vào năm 2015. Trao đổi hàng hóa giữa hai bên tiếp tục tăng, tổng kết của năm 2018 là 10% và đến thời điểm này của năm nay đã đạt 6,7 tỷ USD.

ASEAN - trọng tâm trong chính sách ''xoay trục'' của Nga ảnh 5Quang cảnh chung phiên Đối thoại kinh doanh EAEU-ASEAN. (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN)

Cách đây ít lâu, ngày 27/10, thỏa thuận tự do thương mại tạm thời với Iran cũng đã có hiệu lực. Các thỏa thuận với Singapore và Serbia cũng đã được ký kết. Các cuộc đàm phán tương tự với Ấn Độ, Ai Cập, Israel cũng đang được tiến hành.

EAEU đang phát triển quan hệ với hàng loạt quốc gia. Năm 2019, EAEU đã ký kết các văn kiện hợp tác trong các hình thức khác nhau với Indonesia, Liên minh châu Phi, bên cạnh sự quan tâm từ phía Brunei, Campuchia và Philippines. Và tất nhiên, EAEU cũng đang tích cực phát triển quan hệ với các đối tác Thái Lan. Hai bên đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác vào năm ngoái.

Trong quan hệ với EAEU, mỗi quốc gia sẽ có thể tự mình quyết định hợp tác như thế nào và bằng phương thức gì. Nói chung, việc hội nhập với EAEU chưa hẳn là quan trọng nhất mà đối với Mosva, ý tưởng đối tác đại Á-Âu có một ý nghĩa khác. Tức là nói về việc xây dựng không gian nhân văn và kinh tế toàn diện mà ở đó con người có thể tự do giao tiếp, buôn bán, du lịch và tự mở ra cho mình những cơ hội mới. Trong khi các quyền và đặc trưng của họ sẽ được bảo vệ bằng những đảm bảo luật pháp rõ ràng, có tính ràng buộc thực hiện với tất cả các thành viên trong đối tác đại Á-Âu.

Trong mối quan hệ với Thái Lan, Thủ tướng Nga cho rằng quả thật là ở Nga người ta thảo luận thường xuyên nhất về Thái Lan trước hết trong đề tài du lịch. Người Nga rất thích nghỉ dưỡng ở đất nước hiếu khách như Thái Lan. Năm ngoái có 1,5 triệu người Nga đi du lịch Thái Lan. Tuy nhiên, tất nhiên, mối quan hệ đó không chỉ hạn chế trong lĩnh vực này.

Ở Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Moskva đã cùng làm việc để đưa trao đổi thương mại song phương đạt 10 tỷ USD/năm thông qua những kế hoạch nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao như năng lượng, hàng không dân sự, nghiên cứu vũ trụ, dược phẩm và máy vận tải. Trong đó, triển vọng hợp tác sáng nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông, nhằm phát triển các chương trình chung trên nền tảng di động, hợp tác trong khuôn khổ chính phủ điện tử và các thành phố thông minh.

Ngoài ra, cũng theo Thủ tướng Nga, hợp tác tài chính liên ngân hàng giữa Nga và Thái Lan cũng có tiềm năng tốt, bao gồm việc đưa vào sử dụng thẻ thanh toán Mir trên lãnh thổ Thái Lan. Việc này rất tiện dụng cho công dân Nga đi du lịch cũng như giới kinh doanh ở đất nước các bạn có làm ăn với đối tác Nga.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng có số lượng lớn các công ty Nga và Thái Lan đang chiếm lĩnh những thị trường mới cho mình. Ở Thái Lan, có những cơ hội tốt cho dự án chung trong lĩnh vực vận tải trong khuôn khổ siêu dự án Hành lang kinh tế phía Đông. Nga sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi đối với các nhà đầu tư ở khu vực Viễn Đông, trước hết trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, hợp tác nhân văn cũng đóng vai trò quan trọng. Nga đang tăng số lượng học bổng nhà nước dành cho các công dân Thái Lan học tập tại Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục