ASEAN và ADB thảo luận về trái phiếu ASEAN + 3

ADB và ASEAN sẽ thảo luận việc phát hành trái phiếu qua biên giới, thực hiện theo sáng kiến thị trường trái phiếu ASEAN + 3, tuần này.
Sau thành công của đợt phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng yen Nhật, Indonesia dự định sẽ tiến hành các đợt phát hành trái phiếu chính phủ mới bằng đồng nhân dân tệ Trung Quốc và đồng won Hàn Quốc trong năm tới.

Với việc phát hành trái phiếu thành công bằng đồng yen Nhật của Indonesia, tại cuộc họp diễn ra trong tuần này của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đại diện các quốc gia thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, và Hàn Quốc sẽ thảo luận về việc phát hành trái phiếu qua biên giới, được thực hiện theo sáng kiến thị trường trái phiếu ASEAN + 3.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia, Agus Martowardojo, cho rằng năm 2013 là thời gian hợp lý cho việc phát hành trái phiếu ASEAN + 3.

Các đợt phát hành như vậy sẽ tương tự như trái phiếu Samurai mà Indonesia đã phát hành ở Nhật Bản.

Ông Agus Martowardojo cho biết trái phiếu Samurai đã giúp Indonesia cắt giảm được chi phí, giúp kiểm soát được thâm hụt ngân sách, do trái phiếu bằng đồng yen Nhật có mức lãi suất thấp hơn đáng kể hơn so với trái phiếu bằng đồng rupiah Indonesia.

Chính phủ Indonesia đã phát hành trái phiếu Samurai kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên hồi tháng 7/2009, với tổng trị giá khoảng 35 tỷ yen (435 triệu USD) và lãi suất 2,73%, lần thứ hai hồi tháng 11/2010 với tổng giá trị 60 tỷ yen và lãi suất 1,6%/năm.

Tuy nhiên, kế hoạch phát hành trái phiếu Samurai lần thứ ba, dự kiến vào tháng 4/2011, đã phải hủy bỏ do thảm họa động đất và sóng thần xảy ra trong tháng trước đó ở Đông Bắc Nhật Bản.

Diễn đàn Thị trường trái phiếu ASEAN + 3 (ABMF), phối hợp với ADB mới đây đã xuất bản hướng dẫn về thị trường trái phiếu ASEAN + 3 để khuyến khích phát hành trái phiếu qua biên giới và đầu tư trong khu vực ASEAN +3.

Hướng dẫn này có thể truy cập trên trang web của ADB hay trang web của AsianBondsOnline, bao gồm các thông tin về cơ sở hạ tầng thị trường trái phiếu như dòng vốn, chu kỳ thanh toán và số lượng.

Ngoài ra, còn có thông tin về khuôn khổ pháp lý và thực hành thị trường ở từng nước ASEAN +3.

ASEAN +3 và ADB cũng sẽ thảo luận vấn đề tăng quy mô tài chính cho Sáng kiến Chiang Mai -thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương cho các thành viên ASEAN +3, dự kiến sẽ cao gấp 3 lần so với con số 120 tỷ USD hiện nay; bàn việc thành lập Hội đồng quản trị Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF) với các thành viên là đại diện của các nước ASEAN, trong khi ADB sẽ chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của AIF.

Các nhà kinh tế cho rằng việc khuyến khích cấp vốn và phát hành trái phiếu trong ASEAN + 3 là cần thiết cho các nguồn lực và đầu tư, dẫn đến tăng trưởng kinh tế bền vững và cân bằng trong khu vực./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục