ASEAN và Trung Quốc tham vấn về vấn đề Biển Đông

ASEAN và Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực đẩy mạnh xây Bộ Quy tắc COC.
ASEAN và Trung Quốc tham vấn về vấn đề Biển Đông ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí tại Bangkok. (Ảnh: Hà Linh/Bangkok)

Cuộc họp các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 về Quan hệ Đối tác ASEAN-Trung Quốc và lần thứ 7 về Thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Tham vấn chính thức về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã diễn ra từ 21-22/4, tại Pattaya, Thái Lan.

Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam Phạm Quang Vinh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các cuộc họp trên.

Về Quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc, hai bên đã kiểm điểm quan hệ hợp tác và việc triển khai kết quả Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 16 (tháng 10/2013) và Kế hoạch Hành động ASEAN-Trung Quốc 2011-2015.

Tại cuộc họp, hai bên đánh giá quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc tiếp tục đạt được những tiến bộ quan trọng trên nhiều lĩnh vực hợp tác như kinh tế, chính trị-an ninh, văn hóa-giáo dục... các nước ASEAN chúc mừng các thành tựu Trung Quốc đã đạt được trong các lĩnh vực; Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ ASEAN xây dựng Cộng đồng, phát huy vai trò trung tâm trong hợp tác vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.

Hai bên đánh giá cao kết quả kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc năm 2013, trong đó nổi bật là họp Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc, tổ chức Diễn đàn Cấp cao kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc và Chương trình quảng bá hợp tác kinh tế của các Bộ trưởng Kinh tế của ASEAN tại Trung Quốc.

Thương mại hai chiều ASEAN-Trung Quốc vừa qua đã đạt trên 400 tỷ USD; Trung Quốc tiếp tục là bạn hàng thương mại lớn nhất của ASEAN trong khi ASEAN là bạn hàng thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc; Tổng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN hiện đạt hơn 100 tỷ USD. Hai bên phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 500 tỷ USD vào năm 2015.

 

Tại cuộc họp, hai bên khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc.

Cuộc họp cũng ghi nhận một số đề xuất gần đây của Trung Quốc tăng cường quan hệ hợp tác với ASEAN, trong đó có việc xây dựng Hiệp ước về láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác, nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN-Trung Quốc, thành lập Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á, tăng cường hợp tác biển... Cuộc họp là sự chuẩn bị tích cực và hiệu quả cho thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc thường niên vào tháng 8/2014 sắp tới.

Về thực hiện DOC và Tham vấn chính thức về COC, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ tuyên bố DOC và nỗ lực đẩy mạnh xây dựng Bộ Quy tắc COC, nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Về thực hiện DOC, ASEAN nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ các quy định của Tuyên bố DOC bao gồm việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ Luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển Liên hợp quốc năm 1982, đồng thời thực hiện Kế hoạch công tác 2014 trên cơ sở của Bản hướng dẫn thực hiện DOC, trao đổi về những biện pháp thúc đẩy hơn nữa các dự án hợp tác xây dựng lòng tin như tìm kiếm cứu nạn (SAR), lập đường dây nóng trên biển ASEAN-Trung Quốc, cứu trợ nhân đạo.

Về COC, hai bên nhất trí cần thúc đẩy những kết quả bước đầu đã đạt được tại Tham vấn chính thức lần đầu (Tô Châu, Trung Quốc, 9/2013). ASEAN nhấn mạnh việc sớm đi vào thương lượng thực chất về COC, trước hết là chia sẻ để thống nhất về quan điểm, cách tiếp cận, mục tiêu của COC, và khẳng định COC cần phải là bộ quy tắc tổng thể và có giá trị cao hơn DOC nhằm bảo đảm tốt hơn cho hòa bình, ổn định an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Hai bên cũng nhấn mạnh việc xây dựng kế hoạch công tác và lịch trình làm việc cụ thể để đẩy nhanh quá trình tham vấn về COC, đồng thời ASEAN đề nghị cần xem xét một số biện pháp triển khai sớm nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin, phòng tránh và ngăn ngừa, giải quyết các sự có có thể nảy sinh như lập đường dây nóng, tìm kiếm cứu nạn.

Về cơ chế thảo luận COC, hai bên tiếp tục khẳng định SOM ASEAN-Trung Quốc là cơ chế chính thức về xây dựng COC, Nhóm công tác chung (JWG) là cơ chế hỗ trợ và triển khai chỉ đạo của SOM. Các Quan chức cao cấp sẽ báo cáo kết quả lên Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao thường niên ASEAN-Trung Quốc vào tháng 8/2014.

Dự kiến, trong năm 2014, sắp tới sẽ có thêm 1 cuộc họp SOM và 2 cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về DOC và COC.

Tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã chủ động tham vấn, tích cực thúc đẩy đối thoại ASEAN-Trung Quốc; cũng như đoàn kết và lập trường chung của ASEAN.

Phát biểu tại các cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc cũng như những kết quả hợp tác đạt được giữa hai bên trong thời gian qua; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông

Liên quan tới đóng góp của Việt Nam tại hội nghị này, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh chia sẻ: "Trong hội nghị lần này, đoàn Việt Nam đã tích cực tham vấn và trao đổi với các nước trong khuôn khổ 10 nước ASEAN cũng như trong đối thoại ASEAN và Trung Quốc. Chúng ta khẳng định Việt Nam đánh giá cao và rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược nhằm đưa quan hệ ASEAN và Trung Quốc đi vào triển khai hợp tác sâu sắc trên mọi lĩnh vực từ chính trị, an ninh, quốc phòng đến kinh tế và văn hóa xã hội."

Theo quan điểm của Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc cần thực hiện đẩy đủ DOC, không chỉ triển khai các dự án hợp tác mà còn phải thực hiện các nguyên tắc và nghĩa vụ đã đề ra đối với các bên liên quan tới DOC. Các bên cũng cần phải kiềm chế không làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việt Nam cũng nhấn mạnh cần phải sớm có COC, trong đó sẽ kế thừa từ DOC và nhân cao hơn nữa. COC cần phải là một bộ quy tắc đầy đủ, có tình ràng buộc và bổ sung cho những gì còn khiếm khuyết của DOC.

Quan điểm này cũng đã được các nước ASEAN chia sẻ và ủng hộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục